Theo các luật sư, việc bồi thường cho thân nhân người bị oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự là cần thiết, dù người bị oan sai còn sống hay đã chết.

Đề xuất bồi thường cho thân nhân người bị oan sai: Chưa có gì đột phá!

Trí Lâm | 02/04/2017, 14:11

Theo các luật sư, việc bồi thường cho thân nhân người bị oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự là cần thiết, dù người bị oan sai còn sống hay đã chết.

Thân nhân người bị oan phải được bồi thường

Việc bồi thường thiệt hại về tinh thần cho thân nhân người bị oan sai trong tố tụng hình sự được nêu ra đã lâu, tuy nhiên vẫn có không ít ý kiến trái chiều. Mới đây, Ủy banThường vụ (UBTV) Quốc hội đã gửi văn bản xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội về dự thảo luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (sửa đổi), trong đó cónêu ra vấn đề này.

UBTV Quốc hội cho biết, nhiều đại biểu đề xuất đối tượng bồi thường là người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự và chỉ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người thân thích của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết.

Tuy nhiên, theo lập luận của ủy ban này, người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự cũng chịu những tổn thất nghiêm trọng về mặt tinh thần mà không phụ thuộc vào việc người bị thiệt hại còn sống hay đã chết. Hơn nữa, quan hệ bồi thường ở đây không thuần túy là quan hệ dân sự thông thường mà là quan hệ giữa một bên là cơ quan nhà nước với một bên là cá nhân, tổ chức, xuất phát từ hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện công vụ.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sưTP.HCM cho rằng quy định trên là phù hợp với nhiều quy định pháp luật hiện hành, bởi vì người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự cũng phải chịu những tổn thất nghiêm trọng về mặt tinh thần kể cả khi người thân là nạn nhân còn sống.

Bên cạnh đó, ông Hùng cho rằng những hành vi trái pháp luật của các cán bộ, công chức này đã gây nên những thiệt hại nghiêm trọng cho nạn nhân và người thân thích của họ thì cũng tương tự như một người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân và đều được pháp luật quy định nếu nạn nhân đã chết thì những người thân thích của họ vẫn được khoản bồi thường về tinh thần.

Đồng tình với những ý kiến này, Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng,bất kể người bị oan còn sống hay đã chết, Nhà nước nếu đã gây ra oan án thì phải có trách nhiệm bồi thường đến nơi đến chốn.

Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM

Theo ông Vũ, chế tài hình sự là chế tài nghiêm khắc nhất trong các chế tài của pháp luật. Vì vậy, việc một người bị oan trong tố tụng hình sự như bị khởi tố oan, điều tra, truy tố oan và bị kết án oan và chịu hình phạt oan không chỉ để lại nhiều hậu quả nặng nề cho người bị oan mà còn cả đối với người thân thích của họ.

“Có thể người thân thích của người bị oan còn chịu thiệt hại về tinh thần nặng hơn người bị oan vì người thân thích của người bị oan phải thường xuyên đối mặt với hàng xóm, láng giềng, dị nghị xã hội; người thân thích của người bị oan phải lặn lội, vất vả nhiều nơi, nhiều năm để kêu oan cho người bị oan”, ông Vũ nói.

Do vậy, luật sư này cho rằng, bất kể người bị oan còn sống hay chết thì người thân thích của người bị oan (có thể giới hạn một số đối tượng cụ thể hoặc chỉ giới hạn đối với người thân thích có quan hệ vợ chồng, huyết thống, những người giúp người bị oan kêu oan…) cũng cần được bồi thường về tinh thần. Trường hợp người bị oan chết thì người thừa kế của người bị oan được bồi thường; việc xác định hàng thừa kế và thứ tự bồi thường thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

Cần phải đột phá hơn nữa

Các luật sư đều cho rằng, đề xuất này không phải là quá mới và cũng chưa mang tính đột phá trong hoạt động lập pháp, bởi chính quy định của pháp luật hiện hành đã có quy định về bồi thường tổn thất tinh thần cho người thân thích đã chết.

Theo đó, Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước không có quy định thì vẫn áp dụng bộ luật dân sự để yêu cầu cơ quan nhà nước bồi thường tinh thần cho những người thừa kế hợp pháp của người đã chết theo quy định của Bộ Luật dân sự.

Cụ thể, người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị hại, nếu không có những người này thì người mà người bị hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị hại được hưởng khoản tiền này...

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM

Ông Trần Minh Hùng tiếp tục nhấn mạnh, việc bồi thường về tinh thần đối với người thân thích của nạn nhân đã chết là điều đương nhiên. Vấn đề quan trọng đặt ra ở đây là mức bồi thường bao nhiêu, bồi thường như thế nào, thời gian bồi thường và cơ quan nào có trách nhiệm bồi thường... mới là điều đáng quan tâm.

“Nếu việc bồi thường kéo dài, cùcưa, đùn đẩy, trả giá và để nhận được tiền bồi thường người được bồi thườngphải mất rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc... thì có khi càng làm họ thêm tổn thương và nhiều lúc những người được bồi thường không mặn mà yêu cầu bồi thường”, luật sư Hùng nói.

Ngoài ra, ông Hùng cho rằng cơ quan nhà nước cần phải nhanh chóng thấy trách nhiệm, hành vi sai trái của cán bộ mình gây ra mà nhanh chóng khắc phục, bồi thường cho người thân thích của họ chứ không nên để người thân thích của nạn nhânlàm đơn yêu cầuthì mớibồi thường và giải quyết khó khăn cho họ là điều không nên.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất bồi thường cho thân nhân người bị oan sai: Chưa có gì đột phá!