Vừa qua, tại diễn đàn giá trị thật bất động sản Việt Nam do Hiệp hội Bất Động Sản Việt Nam (VNREA) tổ chức, nhiều vấn đề liên quan đến giá trị thật của bất động sản đã được đặt ra dưới góc nhìn của các chuyên gia trong ngành.
Nhìn chung, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội, giá trị của bất động sản hiện nay đã được đánh giá cao hơn dựa trên nhiều tiêu chí. Một căn nhà không đơn thuần chỉ dùng để ở mà còn là nơi để hưởng thụ. Người mua nhà cần nhiều hơn những tiện ích đi kèm trong một dự án. Đặc biệt, mô hình “bất động sản xanh” đang được nhiều chủ đầu tư lẫn khách hàng hướng đến.
“Đã qua rồi thời mua nhà chỉ để ở”
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNREA nhận định thị trường bất động sản đã có sự tăng trưởng trở lại. Nếu như từ khoảng quý 4/2014 trở về trước, thị trường địa ốc tụt xuống đáy khủng hoảng, thì ở quãng thời gian sau đó thị trường có tín hiệu khôi phục, phát triển và lan tỏa ra toàn bộ các phân khúc, thể hiện sự tăng trưởng đặc biệt nhanh và mạnh mẽ với mức 70 - 75%.
Theo ông Nam, giá bất động sản sắp tới khó có thể giảm, nhất là với phân khúc trung tâm, giao dịch huyết mạch, mua bán tăng trưởng mạnh. Dự báo năm 2018, giá có thể sẽ tăng, hàng tồn kho cơ bản hết. Nói về tiêu chuẩn sống của người dân hiện nay, ông Nam cho rằng thời mua nhà chỉ để ở đã qua rồi, người ta quan tâm tới chỗ ở có khu vui chơi giải trí, có trường học hay không.
Hiện nay, người mua nhà đều đang hướng đến những khu nhà ở có dịch vụ tốt, chẳng hạn như khu đô thịPhú Mỹ Hưng đã trở thành kiểu mẫu, có thể gọi là khu đô thị sinh thái, hay các dự án với những tiêu chuẩn rất riêng của Tập đoàn Novaland. Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, những năm trước đây, do kinh tế quá khó khăn, thu nhập thấp nên nhu cầu người dân chỉ cần có chỗ ở là chủ yếu. Những năm gần đây, khi tình hình kinh tế đã được cải thiện thì yêu cầu về chỗ ở cóvị trí, khoảng cách đến khu trung tâm, gần các tiện ích công cộng như trường học, bệnh viện, thương mại dịch vụ được ưu tiên.
Bên cạnh nhu cầu về ở, các khu đô thị, dự án bất động sản cần phải đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân như có các khu mua sắm, vui chơi giải trí, công viên, trường học, bệnh viện… Cũng theo ông Chính, kinh tế Việt Nam đang phục hồi và phát triển, thu nhập sẽ tăng lên, tầng lớp trung lưu xuất hiện nhiều hơn, dẫn tới nhu cầu cuộc sống, tiêu chuẩn sống cao và phong phú, đa dạng hơn, đặc biệt là ở khu vực đô thị.
Hướng đến "bất động sản xanh"
Nắm bắt được sự phát triển cao hơn trong nhu cầu lẫn tiêu chuẩn sống của người mua nhà, nhiều chủ đầu tư đã chú trọng hơn tới các yếu tố tiện ích, dịch vụ. Có thể kể đến một số dự án tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM như: Time City, Ecopark, An Khánh, Gate Way, Phú Mỹ Hưng… Những yếu tố này có vai trò hết sức quan trọng trong việc thu hút khách hàng lẫn nâng cao tính cạnh tranh của dự án. Ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho hay, những mô hình bất động sản của doanh nghiệp này đều hướng đến một tiêu chuẩn sống chất lượng cao.
Nhiều dự án chung cư, khu đô thị được xây dựng đều có các khu vui chơi giải trí ngoài trời, cây xanh, thảm cỏ nhân tạo. Trong các khu đô thị, ngoài khu xây biệt thự, các khu chung cư cao tầng rất quan tâm xây tầng hầm để dành không gian bên trên. Cảnh quan không gian xanh cũng luôn được quan tâm. Ngoài ra, tất cả các khu đô thị của Vinhomes đều bố trí các phòng khám đạt tiêu chuẩn quốc tế, dịch vụ giáo dục, các yếu tố đảm bảo an ninh như phòng cháy chữa cháy, môi trường sống an toàn đáp ứng yêu cầu cho cư dân.
Còn theo ông Trần Bá Dương, Tổng Giám đốc Công ty Đại Quang Minh, trước đây thị trường phát triển trong một giai đoạn không theo nhu cầu thật của khách hàng và người mua do áp lực nóng của thị trường, cùng các thông tin sai lệch đã dẫn đến ngộ nhận về giá trị của bất động sản.
Để xây dựng được giá trị thật thì không nên tạo ra nguồn cung lớn hơn so với cầu và khả năng hấp thụ của thị trường. Sản phẩm bất động sản phải đảm bảo giá trị bền vững theo thời gian về kiến trúc, văn hóa và môi trường sống. Một “bất động sản xanh”, ngoài yếu tố thiên nhiên, dự án còn được sử dụng các vật liệu xây dựng sạch, thân thiện với môi trường, vận hành tiết kiệm, sử dụng năng lượng mặt trời, tận dụng không khí gió tự nhiên.
Ông Trần Ngọc Chính quan niệm rằng, đô thị xanh là mật độ xây dựng từ 25-30% trong một khu, đồng nghĩa không gian xanh phải chiếm 70%. Trong đó, hướng nhà ở tiếp cận thân thiện với môi trường, cảnh quan đẹp, tiêu chuẩn cây xanh, mặt nước cao; kiến trúc tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; quản lý đô thị, quản trị khu ở chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại…
Trang Nhung