Ông Christopher Malone, Tổng Giám đốc BCG tại Việt Nam cũng chia sẻ, nhiều DN của Nhật, Hàn… đang dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc để sang Việt Nam vì chi phí lao động ở Việt Nam thấp hơn nhiều, riêng Thanh Hóa chỉ bằng 20% ở Trung Quốc. Đây là lợi thế lớn để đón nhận sự dịch chuyển.
5 trụ cột và 3 nhất
Tối 18.5, UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ Kế hoạch vàĐầu tư đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn nhất từ trước đến nay của địa phương với sự tham gia của hàng nghìn doanh nghiêp (DN) trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết địa phương đã thống nhất lựa chọn 5 trụ cột thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, đó là: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; y tế và phát triển hạ tầng, đô thị. Đây là các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, hội tụ các điều kiện để phát triển bền vững.
Thanh Hóa cũng cho biết sẽ phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt 3 “nhất”. Đó là hạ tầng thiết yếu phục vụ DN đồng bộ nhất; chi phí thuê đất và sử dụng lao động cạnh tranh nhất; giải quyết các thủ tục hành chính, các khó khăn, vướng mắc cho DN kịp thời nhất.
“Tỉnh Thanh Hóa sẽ áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào tỉnh theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định”, ông Xứng nói.
Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành và chia sẻ cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các dự án đầu tư hoạt động thông suốt, hoàn vốn nhanh và phát triển bền vững.
"Thanh Hóa có thể trở thành một trục tăng trưởng mới: Hà Nội – Quảng Ninh – Hải Phòng – Thanh Hóa", ông Xứng cho hay.
Đồng tình với những hướng đi của Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Thanh Hóa giữ 1 vị trí lý tưởng trong liên kết vùng, là địa phương kết nối toàn bộ khu vực Bắc Trung Bộ với Đồng bằng sông Hồng.Tuy nhiên, quy mô kinh tế của tỉnh còn khiêm tốn, do đó cấp độ tăng trưởng của tỉnh cần đẩy lên trên 10%/năm, đạt mức 50 tỉ USD vào năm 2030, thu nhập bình quân đầu người có thể đạt trên 10.000 USD.
Ông Nguyễn Chí Dũng cũng nhất trí với 5 trụ cột mà Thanh Hóa đưa ra và cho rằng cần tận dụng lợi thế nguồn nhân lực dồi dào và khả năng kết nối hiệu quả về giao thông; khai thác tối đa tiềm năng du lịch để tạo nên bản sắc riêng; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hiệu quả cao; tập trung phát triển dịch vụ y tế dành cho các đối tượng có thu nhập trung bình; xây dựng hệ thống giao thông có chất lượng và tính kết nối cao…
“Quan trọng nhất với Thanh Hóa về phát triển mô hình này là giải quyết được các vấn đề đất đai, vướng mắc với các DN để người dân địa phương làm quen dần với mô hình công nghệ hiện đại. Đồng thời, bài học về môi trường vẫn đang bên cạnh chúng ta một thời gian dài, nên đầu tư cần hướng đến phát triển xanh và phát triển bền vững”, ông Dũng nói.
Bộ trưởng Dũng cũng nhấn mạnh rằng: “Đối với tỉnh thì không gì quan trọng bằng cơ hội, nếu để cơ hội trôi qua thì rất khó để dừng lại. Thanh Hóa sẽ đi nhanh hơn nếu chính quyền cùng đồng hành với các DN, các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.
Thanh Hóa sẽ phát triển kỳ diệu
Ông Christopher Malone, Tổng Giám đốc BCG tại Việt Namcũng chia sẻ, nhiều DN của Nhật, Hàn… đang dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc để sang Việt Nam vì chi phí lao động ở Việt Nam thấp hơn nhiều, riêng Thanh Hóa chỉ bằng 20% ở Trung Quốc. Đây là lợi thế lớn để đón nhận sự dịch chuyển.
Vị này cho biết thêm, Thanh Hóa sẽ có sự tăng tốc lớn về kinh tế, tăng từ 3% của nền kinh tế Việt Nam hiện nay lên 8% vào 2030. Quy hoạch của Thanh Hóa tuy đầy tham vọng nhưng không phải là chưa từng có tiền lệ xảy ra.
“Tôi tin rằng Thanh Hóa sẽ là câu chuyện thành công kỳ diệu về kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới”, vị này nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa bày tỏ, cộng đồng DNtỉnh mong muốn sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư trong, ngoài nước, trong nhiều lĩnh vực để cùng nhau phát triển và cùng thắng lợi. Cộng đồng DN tỉnh sẵn sàng tạo điều kiện cung cấp, trao đổi thông tin để các DN mới đến đầu tư, tiếp cận và triển khai dự án có hiệu quả.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Bác Hồ đã nói một câu nổi tiếng: “Thanh Hóa sẽ trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc (thời điểm đó Việt Nam chỉ có 2 miền Nam – Bắc)”. Hội nghị này sẽ là viên gạch cho câu nói của Bác.
“Với tư cách Thủ tướng Chính phủ, tôi khẳng định Thanh Hóa là một vùng kinh tế năng động của Việt Nam, là điểm đến đầy tiềm năng của nhà đầu tư.Thanh Hóa thực sự là một Việt Nam thu nhỏ, có đầy đủ điều kiện phát triển”, Thủ tướng nói.
Theo đó, Thủ tướng cho rằng Thanh Hóa phải có kế hoạch bố trí sử dụng đất khoa học, hiệu quả, giảm chi phí đất đai cho các nhà đầu tư và DN. Chính phủ sẽ trao cơ hội để Thanh Hóa là địa phương mẫu mực và tiên phong trong việc cụ thể hóa mục tiêu và đạt được tầm nhìn sớm nhất cả nước.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, không thể làm kinh tế đơn thuần mà bỏ quên vấn đề môi trường, ảnh hưởng đến xã hội và cuộc sống của người dân. Cùng với Nhà nước, DN đào tạo nguồn nhân lực ở địa phương để người dân địa phương được hưởng lợi.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết sẽ nhanh chóng triển khai dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội -Thanh Hóa - Nghệ An trong nhiệm kỳ này. Đưa sân bay Sao Vàng trở thành sân bay quốc tế trên tinh thần mở cửa bầu trời. Cảng nước sâu Nghi Sơn phấn đấu đón tàu trọng tải tới 10 vạn tấn. Về đường ven biển, Thủ tướng đã có ý kiến, riêng Thanh Hóa sẽ làm 100 km, kết hợp với dân sinh và phòng chống thiên tai.
“Với quyết tâm đổi mới tư duy và cách làm, nhất định Thanh Hóa sẽ thành công. Không những thành công ở ven biển, đồng bằng mà thành công ở cả phía Tây rộng lớn để đời sống của người dân nâng lên một bước mới, tăng trưởng phát triển bao trùm”, Thủ tướng bày tỏ.
Tại hội nghị này có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến là 135.300 tỉ đồng, tương đương 6,1 tỉ USD, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo là 76.500 tỉ đồng; nông nghiệp 12.000 tỉ đồng; du lịch 22.800 tỉ đồng; y tế2.500 tỉ đồng và phát triển hạ tầng, đô thị là 21.500 tỉ đồng.
Hoài Phong