Sau thời gian giãn cách kéo dài, nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản tại TP.HCM đang rục rịch tính đường hoạt động trở lại.

Doanh nghiệp xây dựng, bất động sản rục rịch hoạt động trở lại

Hồ Đông | 26/09/2021, 10:35

Sau thời gian giãn cách kéo dài, nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản tại TP.HCM đang rục rịch tính đường hoạt động trở lại.

Giãn cách kéo dài, doanh nghiệp “khó chồng khó”

Từ cuối tháng 7 đến nay, theo quy định về các biện pháp tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các công trình xây dựng, trên địa bàn TP.HCM, Sở Xây dựng đã yêu cầu tạm dừng các hoạt động thi công tại các công trường, công trình xây dựng.

Dưới tác động của việc giãn cách xã hội kéo dài cùng với những khó khăn từ trước về giá nguyên vật liệu xây dựng tăng phi mã, các chủ đầu tư và nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các dự án xây dựng và đảm bảo đúng tiến độ.

Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết đơn vị này đã ghi nhận được nhiều phản ánh từ các doanh nghiệp xây dựng về việc doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt với những ảnh hưởng nặng nề khi dịch COVID-19 kéo dài. Điển hình, nhiều công trường thi công bị ngừng trệ do không huy động được thiết bị, vật liệu khan hiếm, tăng giá, ảnh hưởng tới tiến độ thi công, thanh quyết toán… Đặc biệt, nhiều công trình bị đình chỉ thi công làm các doanh nghiệp xây dựng gặp nhiều khó khăn.

Nhiều ông chủ doanh nghiệp xây dựng cũng chia sẻ ngành này đang hứng chịu nhiều tác động từ lãi suất cao, thuế cao, chính sách đất đai vẫn còn chồng chéo, nhất là thủ tục ở các địa phương đang rất chậm chạp do dịch bệnh. Mặc dù rất nỗ lực nhưng nhiều doanh nghiệp xây dựng đang phải đứng bên bờ vực phá sản.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 881 doanh nghiệp xây dựng và 497 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể tập trung.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng thông tin nhiều doanh nghiệp bất động sản đang không có doanh thu từ các giao dịch mua bán. Nhiều sàn môi giới bất động sản đã buộc phải cho nhân viên nghỉ việc do không có kinh phí để trả lương, nộp bảo hiểm xã hội, thuê văn phòng. Điều này khiến hàng ngàn môi giới bất động sản rơi vào cảnh thất nghiệp. Tâm lý bỏ cuộc của nhiều cá nhân đã ảnh hưởng đến tâm lý của thị trường, gây bất ổn với những lo lắng, xáo trộn.

tt-bds-tphcm-hinh-7-1.png
Giãn cách xã hội khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản gặp rất nhiều khó khăn

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đối với doanh nghiệp bất động sản, hiện nay cái khó “thiếu dòng tiền” có liên quan trực tiếp đến “cái khó về tín dụng”. Khi mà lãi suất vay ngân hàng chưa giảm như kỳ vọng, chủ đầu tư vẫn phải trả lãi đều đặn hàng tháng.

Trong khi đó, quy chế hoạt động của ngân hàng quy định trường hợp chủ đầu tư không trả được các khoản vay đáo hạn, ngay lập tức ngân hàng tự động chuyển sang “nợ xấu”, hoặc nhóm “nợ xấu hơn”. Khi phải rơi vào nhóm nợ xấu, chủ đầu tư sẽ lâm vào “bế tắc”, không thể tiếp cận được các khoản vay mới để phục hồi.

“Hiện tại nhiều chủ đầu tư phải chạy đôn chạy đáo vay mượn, thậm chí phải vay nóng để trả lương và trả lãi ngân hàng, nhất là các khoản vay tín dụng đến hạn. Kẹt tiền, kẹt vốn, bị mất thanh khoản là rủi ro lớn nhất của mọi doanh nghiệp, trong đó có cả chủ đầu tư bất động sản phải đương đầu. Việc kẹt vốn dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bị chết trên đống tài sản của chính mình”, ông Lê Hoàng Châu nói.

Tái khởi động nhiều dự án bất động sản

Trước tình trạng doanh nghiệp xây dựng, bất động sản gặp khó vì giãn cách kéo dài, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết sau ngày 30.9, các công trình thi công xây dựng sẽ được hoạt động trở lại nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn.

Bộ Xây dựng cũng đã có hướng dẫn cụ thể công tác phòng chống dịch COVID-19 trên công trường xây dựng. Theo đó, chủ đầu tư, nhà thầu phải tổ chức đo thân nhiệt, khai báo y tế, có biện pháp thi công hợp lý để đảm bảo khoảng cách, phải có nơi ăn uống, nghỉ ngơi đảm bảo an toàn… Ngoài ra, người lao động khi đến làm việc tại công trình phải tuân thủ 5K, sức khỏe tốt, không thuộc đối tượng cách ly y tế.

Mới đây, TP.HCM cũng đã cho phép tái khởi động nhiều dự án bất động sản trên địa bàn TP.Thủ Đức.

tt-bds-tphcm-hinh-4-1.png
Nhiều dự án bất động sản đã được tái khởi động sau thời gian dài tạm ngưng xây dựng 

Theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, sau hơn 3 tháng TP.HCM giãn cách xã hội với nhiều mức độ, đến nay tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn cho việc phát triển kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Các doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, đa số doanh nghiệp phải ngưng hoạt động. Trong đó, lĩnh vực xây dựng là một trong những ngành chịu tác động rất lớn, hầu hết các công trình xây dựng phải tạm ngừng thi công, ảnh hưởng tiến độ bàn giao, số người lao động mất việc làm tăng…

Vì vậy, việc tái khởi động thi công công trình xây dựng sẽ đem lại lợi ích cho nhà đầu tư, tiếp tục tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, tăng thu cho ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung.

Do vậy, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức yêu cầu các phòng, ban liên quan, địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều thuận lợi nhất cho chủ đầu tư và nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kịp thời hỗ trợ giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình dự án được triển khai thực hiện.

Bài liên quan
Nhiều dư địa phát triển, bất động sản công nghiệp chờ ‘ông lớn’ đổ bộ
Thị trường bất động sản công nghiệp đang trầm lắng do những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, hiện tại sự quan tâm của các nhà đầu tư vẫn rất lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp xây dựng, bất động sản rục rịch hoạt động trở lại