Bảo tàng Voi được xây dựng trên mảnh đất – khu rừng cổ xưa của dân tộc Kui ở Thái Lan nhằm khôi phục lại nét văn hóa, cũng như cuộc sống hoa hợp giữa con người và loài voi.
Voi là một loài động vật có vị trí đặc biệt ở Thái Lan. Chúng là một phần quan trọng trong các nghi lễ lớn của hoàng gia và là động vật chiến đấu mà các vị vua sử dụng trong suốt lịch sử cổ đại của đất nước. Ngoài việc được tôn trọng, mối quan hệ giữa voi và người Thái rất độc đáo. Voi được đối xử như một thành viên trong gia đình chứ không phải là vật nuôi hay công cụ lao động. Mối liên kết có lẽ bền chặt nhất ở ngôi làng của người dân tộc Kui ở tỉnh Surin, đông bắc Thái Lan. Trong nhiều thế kỷ, voi đã sống cùng cộng đồng người dân tộc nơi đây từ khi chúng được sinh ra đến khi chết đi, khó có thể tách rời.
Surin từng là một khu rừng với cây cối tươi tốt, người ta đã phá đi để lấy đất trồng trọt trong nửa thế kỷ qua. Người Kui và những con voi của họ phải chịu đựng những trận hạn hán khắc nghiệt, thiếu lương thực và những cây thuốc mà khu rừng mang lại. Bị cạn kiệt nguồn sống, cả người và voi phải chuyển đến các thị trấn du lịch để xin ăn hoặc làm việc trong các trại voi với điều kiện sống khắc nghiệt.
Bảo tàng Voi là một phần của tổ chức Elephant World, một dự án do chính quyền địa phương khởi xướng nhằm đưa cả hai - những người dân tộc Kui và voi - cùng trở về quê hương và đảm bảo điều kiện sống thích hợp. Không chỉ trưng bày các đồ vật, bảo tàng còn khắc họa tiếng nói của dân làng và hơn 200 con voi sống ở đây – về mối quan hệ gắn bó lâu đời của họ với loài voi, không chấp nhận việc khai thác tàn ác động vật đồng thời còn thể hiện niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp.
Giữa khung cảnh rộng lớn không cây cối, những bức tường cong ở các độ cao khác nhau mọc lên từ mặt đất, dường như mở ra một tòa nhà với kích thước của một con voi. Các bức tường dốc và cắt ngang nhau tạo thành những khoảng trống dẫn du khách vào bên trong.
Các khu vực sân lễ có hình dạng và kích thước khác nhau mở ra từ 4 phòng trưng bày. Một số sân có các hồ nước nhỏ, một số sân có màu đất đỏ giống như cảnh quan bên ngoài. Các quy mô khác nhau của lối đi ngoài trời, không gian có mái che và sân rộng mở gợi nhớ các yếu tố về ngôi làng: voi, con người, ngôi nhà, ao hồ nơi cả voi và con người cùng tắm, đến cả những bãi tắm bẩn mà những chú voi vui thích thú đùa.
Công trình khắc họa cuộc sống dưới ánh mặt trời vốn là yếu tố cần thiết trong thiết kế. Các căn phòng và lối đi được chiếu sáng rực rỡ. Ánh sáng luôn hiện diện trên khắp ngôi nhà, tùy thuộc vào góc chiếu của mặt trời.
Các cuộc triển lãm có thể diễn ra trong sân hoặc trên các bức tường ở bên ngoài. Bên trong các phòng trưng bày, người ta chỉ có thể tìm thấy chỗ ngồi nghỉ ngơi và ngắm nhìn triển lãm được trưng bày bên ngoài, đồng thời phản ánh cuộc sống hòa hợp giữa voi và con người.
Hơn 480.0000 viên gạch đất sét nung được làm thủ công từ đất mùn ở địa phương bằng phương pháp kỹ thuật đã được truyền qua nhiều thế hệ. Ở thị trấn, nơi không có nhiều cơ hội việc làm, quá trình xây dựng bảo tàng đã tạo ra việc làm và thu nhập cho người dân địa phương đồng thời tăng giá trị của nguồn vật liệu địa phương thường bị bỏ qua.
Sau nhiều thập kỷ chật vật với cuộc sống xa nhà, bảo tàng sẽ tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc Kui, những chú voi và người dân Surin. Dự án Elephant World và bảo tàng Voi là niềm tự hào về di sản của làng Kui, cũng như khôi phục cuộc sống cho những chú voi yêu quý của dân làng thêm một lần nữa.