Channel News Asia dẫn lời giới chuyên gia Đông Nam Á nhận định vụ ám sát hụt mới đây làm tăng cơ hội cựu Tổng thống Donald Trump đắc cử, nên khu vực cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trước để quản lý tốt mối quan hệ với Mỹ nếu ông tái nắm quyền.
Góc nhìn

Đông Nam Á cần chuẩn bị kỹ để đón nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump

Cẩm Bình 14:41 25/07/2024

Channel News Asia dẫn lời giới chuyên gia Đông Nam Á nhận định vụ ám sát hụt mới đây làm tăng cơ hội cựu Tổng thống Donald Trump đắc cử, nên khu vực cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trước để quản lý tốt mối quan hệ với Mỹ nếu ông tái nắm quyền.

Theo giới chuyên gia, một số nước trong khu vực lo lắng về nhiệm kỳ thứ 2 của cựu Tổng thống Trump, nhưng không phải tất cả quốc gia Đông Nam Á đều nghĩ đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ nắm quyền sẽ đem lại khác biệt lớn. Đơn giản vì cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung cùng chủ nghĩa bảo hộ chắc chắn không thay đổi.

Nhà nghiên cứu Lee Sue-Ann (Viện ISEAS-Yusof Ishak) cho biết đơn vị này qua khảo sát ghi nhận nhiều quốc gia Đông Nam Á vẫn lo lắng về một Trung Quốc đang trỗi dậy quyết đoán hơn, đồng thời muốn thấy Mỹ lãnh đạo và can dự mạnh mẽ tại khu vực. Tuy nhiên, tình hình tranh cử hiện tại khiến Đông Nam Á ít thấy tin tưởng Washington: đảng Dân chủ thay đổi ứng viên khi còn khoảng 3 tháng nữa đến ngày bỏ phiếu, nguy cơ bạo lực chính trị tăng cao sau vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Trump.

Đặc biệt cơ hội chính trị gia đảng Cộng hòa đắc cử tăng cao sau vụ ám sát. Hình ảnh ông giơ cao nấm đắm lúc được đặc vụ hộ tống khỏi bục phát biểu, phía sau là quốc kỳ Mỹ bay phấp phới lan truyền rộng rãi đến mức chuyên gia quan hệ quốc tế Robert Kelly (Đại học quốc gia Pusan) đánh giá cựu Tổng thống Trump gần như chắc thắng.

Tiến sĩ Kaewkamol Pitakdumrongkit (Trường Quan hệ quốc tế S.Rajaratnam) cho biết đối tượng cử tri chưa biết chọn ai sẽ bị tác động bởi hình ảnh trên: “Cựu Tổng thống Trump cố gắng thể hiện bản thân là nhà lãnh đạo mạnh mẽ”.

screenshot-2024-07-24-191850.png

Tình hình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bấp bênh

Nhà chính trị học Chong Ja Ian (Đại học Quốc gia Singapore) cảnh báo nhiệm kỳ thứ 2 của cựu Tổng thống Trump có thể khó đoán hơn nhiệm kỳ đầu: “Lần này ông ấy trông giận dữ hơn, nhiều người giữ ổn định cho chính sách Mỹ dưới thời Trump nắm quyền sẽ không nằm trong thành phần chính quyền mới”.

Chính trị gia đảng Cộng hòa từng để ngỏ khả năng “trả thù” nếu đắc cử. Giới truyền thông từng tiết lộ ông định lấp đầy Nhà Trắng cùng các cơ quan nhà nước khác bằng hàng loạt nhân vật không phản đối mở rộng quyền lực của tổng thống.

Theo ông Chong, nhiệm kỳ thứ 2 của cựu Tổng thống Trump sẽ chứng kiến Mỹ “đối đầu hơn” về kinh tế trong khi lại theo đuổi chủ nghĩa biệt lập ở đối ngoại, qua đó làm suy yếu các quy tắc quốc tế giúp hỗ trợ sự ổn định và thịnh vượng ở Đông Nam Á cũng như nhiều khu vực khác.

Một trong số nỗi lo hàng đầu là chính trị gia đảng Cộng hòa ưu tiên hành động đơn phương thay vì hợp tác đa phương, kể cả khi đối phó Trung Quốc. Tiến sĩ Aries Arugay (Viện ISEAS-Yusof Ishak) nhận định cựu Tổng thống Trump nghĩ rằng nước Mỹ rất tuyệt nên đủ sức một mình cạnh tranh Trung Quốc chứ chẳng cần nước khác giúp đỡ.

Ở nhiệm kỳ đầu tiên, cựu Tổng thống Trump muốn hai đồng minh Nhật - Hàn chi ra nhiều tiền hơn để quân Mỹ tiếp tục đồn trú, bất chấp 3 nước cùng chung mối đe dọa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.

Tiến sĩ Arugay chỉ ra Philippines đặc biệt lo lắng nếu chính trị gia đảng Cộng hòa nắm quyền trở lại, Mỹ “về cơ bản sẽ không hiện diện” trong hỗ trợ nhu cầu quốc phòng - an ninh của đồng minh Đông Nam Á này. Cựu Tổng thống Trump ở nhiệm kỳ đầu gần như chẳng quan tâm đến liên minh Washington - Manila.

Thặng dư thương mại trở thành mục tiêu

Cựu Tổng thống Trump tuyên bố nếu tái nắm quyền thì sẽ đánh thuế 10% với tất cả hàng nhập khẩu và 60% trở lên với hàng Trung Quốc để bảo vệ hoạt động sản xuất nội địa. Tiến sĩ Pitakdumrongkit cảnh báo quốc gia Đông Nam Á có thặng dư thương mại lớn với Mỹ như Thái Lan có thể trở thành mục tiêu.

Theo số liệu chính thức của Thái Lan, thặng dư thương mại với Mỹ năm 2023 lên đến 29,37 tỉ USD. Do đó không loại trừ khả năng cựu Tổng thống Trump đánh thuế mạnh hàng Thái hoặc buộc họ ký kết thỏa thuận tăng nhập hàng Mỹ.

Nhà nghiên cứu Lee lưu ý Đông Nam Á có thể bị kẹt giữa căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng. Không loại trừ khả năng cựu Tổng thống Trump buộc các nước lựa chọn hoặc duy trì hoặc từ bỏ quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Một số quốc gia khác

Với Indonesia, quốc gia vạn đảo đang chờ đợi tổng thống mới nắm quyền. Hiện tại vẫn chưa rõ tân Tổng thống Prabowo Subianto muốn xây dựng quan hệ ra sao với loạt đối tác lớn Mỹ, Nhật, Trung Quốc.

Tại Indonesia, Malaysia cùng Brunei – 3 quốc gia có dân số Hồi giáo lớn hàng đầu khu vực, tâm lý ghét Mỹ gia tăng vì Washington ủng hộ chiến dịch quân sự mà Israel tiến hành ở Dải Gaza. Vì vậy nhiều khả năng họ không đẩy mạnh hợp tác với Mỹ.

Đông Nam Á cần chuẩn bị như thế nào?

Tiến sĩ Pitakdumrongkit khuyên Đông Nam Á đẩy mạnh nỗ lực hội nhập kinh tế khu vực để trở thành địa điểm hấp dẫn hơn về đầu tư lẫn thương mại. Nếu cựu Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi bất cứ hiệp định kinh tế hoặc thương mại nào, các nước có thể thuyết phục Mỹ bằng biện pháp song phương đồng thời xác định lợi ích chung để thúc đẩy hợp tác ở lĩnh vực như phát triển bền vững, sáng tạo, kinh tế số.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng nên tiếp tục duy trì vai trò trung tâm của mình lẫn trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, theo tiến sĩ Pitakdumrongkit.

Tiến sĩ Shafiah Muhibat (Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế) nhận định ASEAN nên tìm cách khiến mình trở nên “phù hợp hơn với lợi ích của các cường quốc”. Tuy nhiên, quá trình thay đổi không hề dễ dàng.

Tiến sĩ Arugay thì cho rằng Đông Nam Á nên đa dạng hóa quan hệ, đặc biệt chú trọng cường quốc tầm trung. Chẳng hạn Philippines thời gian qua tăng cường hợp tác với Nhật, Thụy Điển, Canada, Pháp, Anh.

Bài liên quan
Lựa chọn nhân sự của Tổng thống đắc cử Donald Trump khiến Kyiv lo ngại
Việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump công bố các đề cử nội các như Matt Gaetz làm Bộ trưởng Tư pháp, Tulsi Gabbard làm Giám đốc cơ quan Tình báo quốc gia đã thổi bùng lên mối lo ngại từ Kyiv về khả năng hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
14 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đông Nam Á cần chuẩn bị kỹ để đón nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump