Talkshow "Kinh doanh và thu hút đầu tư hiệu quả, bền vững" có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup, các nhà đầu tư, đại diện quỹ khởi nghiệp cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực.
Chiều 19.12, tại TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh tổ chức chương trình talkshow “Kinh doanh và thu hút đầu tư hiệu quả, bền vững”. Chương trình có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup, các nhà đầu tư, đại diện quỹ khởi nghiệp cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực.
Tại chương trình talkshow, các bạn trẻ và các doanh nghiệp đã được nghe các diễn giả đưa ra những tiêu chí đánh giá startup trên ý tưởng, đổi mới sáng tạo, người sáng lập doanh nghiệp mà các nhà đầu tư quan tâm, cân nhắc để có thể đưa ra quyết định đầu tư.
Mối quan tâm và khẩu vị đầu tư của các nhà đầu tư vào ngành nông nghiệp và vùng ĐBSCL; Những xu hướng đổi mới sáng tại trong công nghệ nông nghiệp có thể thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư; Cách thức hiệu quả để tương tác và kết nối thị trường; Cách thức tối ưu các chuỗi phân phối trên logistics…
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ chương trình còn có nội dung trao đổi, đối thoại hai chiều, giúp các bạn trẻ, doanh nghiệp không chỉ hiểu rõ các xu hướng đổi mới sáng tạo trong công nghệ nông nghiệp mà còn có hình dung về “khẩu vị” đầu tư từ các quỹ khởi nghiệp.
Phát biểu khai mạc talkshow “Kinh doanh và thu hút đầu tư hiệu quả”, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Đồng Tháp trong những năm qua luôn được xem là điểm sáng trong cải cách môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư với 14 năm liên tục nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Đồng Tháp luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư và phát triển khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh Đồng Tháp vào chiều 19.12, ngoài chương trình talkshow, Ban tổ chức còn triển lãm và giới thiệu các gian hàng công nghệ theo hướng hiện đại, bền vững, phát thải thấp được áp dụng trong chuỗi ngành hàng trọng điểm lúa gạo, thủy hải sản và trái cây.
Một số ứng dụng công nghệ được giới thiệu gồm công nghệ khí hóa sinh khối - đo và cải thiện khí thải methane của chuỗi lúa gạo hay chỉ số nông nghiệp số hóa hoạt động mua bán phủ phẩm lúa gạo.
Chị Trần Tô Kim Phượng (người kinh doanh trực tuyến nông sản tại An Giang) cho biết, trong những năm gần đây, các bạn trẻ đã và đang đi đầu trong phát triển kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ.
“Thực tế, nhiều bạn trẻ đã chuyển hướng kinh doanh từ trực tiếp sang trực tuyến, đồng thời ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý, vận hành doanh nghiệp. Song song đó là tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy marketing, thương mại điện tử và đặc biệt là khai thác tài nguyên bản địa, tối ưu hóa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và tạo nên giá trị đột phá”, chị Phượng nhận định.
Được biết, talkshow này cũng nằm trong chuỗi hoạt động diễn đàn Mekong Startup lần 1 năm 2022 với chủ đề “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp” diễn ra tại TP.Cao Lãnh.
Bên cạnh đó, Mekong Startup lần 1 còn có ba phiên nghị sự theo chuyên đề gắn với chuỗi ngành hàng quan trọng trong khu vực trước phiên toàn thể sẽ tổ chức sáng 20.12.
Các phiên nghị sự kéo dài trong khoảng 2 tiếng, cung cấp bức tranh toàn cảnh về cơ hội và thách thức của chuỗi ngành hàng chủ lực khu vực ĐBSCL thông qua phân tích, đánh giá của nhiều chuyên gia đầu ngành đến từ các tổng cục, trung tâm nghiên cứu nông nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn.
Đồng thời, chương trình còn đem đến một số giải pháp để kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo với từng ngành hàng để hướng tới phát triển bền vững.
Đặc biệt, phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Startup chiều 20.12 sẽ do lãnh đạo Chính phủ chủ trì, thảo luận về cơ hội và thách thức xoay quanh các chuỗi ngành hàng trọng điểm và toàn ngành nông nghiệp ĐBSCL. Đây cũng cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện các mục tiêu về nông nghiệp hiện đại, bền vững, phát thải thấp.