Hà Nội có tiềm năng du lịch rất lớn với những giá trị độc đáo, riêng biệt. Nhưng theo ông Đỗ Đình Hồng- Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, muốn níu chân du khách ở lại lâu hơn với Thủ đô thì du lịch Hà Nội cần sự kết hợp giữa sản phẩm độc đáo, chất lượng dịch vụ và đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp.

Du lịch Hà Nội cần kết hợp đồng bộ để giữ chân du khách

Thu Anh | 15/04/2016, 04:37

Hà Nội có tiềm năng du lịch rất lớn với những giá trị độc đáo, riêng biệt. Nhưng theo ông Đỗ Đình Hồng- Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, muốn níu chân du khách ở lại lâu hơn với Thủ đô thì du lịch Hà Nội cần sự kết hợp giữa sản phẩm độc đáo, chất lượng dịch vụ và đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp.

Ngày 14.4.2016, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2016 với buổi hội nghị “Giới thiệu về điểm đến du lịch Hà Nội”, Báo điện tử Một thế giới đã có buổi trao đổi với ông Đỗ Đình Hồng (Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội) xoay quanh chủ đề này.

- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng du lịch của Hà Nội hiện nay?

Ông Đỗ Đình Hồng: Du lịch Hà Nội hiện nay cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách trong nước cũng như khách quốc tế. Tuy nhiên, nếu muốn đạt được tính hấp dẫn, sự bền vững thì rất cần một sự nâng tầm sản phẩm du lịch, đặc biệt là những dịch vụ kèm theo sản phẩm của du lịch thủ đô.

Nói về tiềm năng du lịch Hà Nội, tôi cho rằng Hà Nội đang có một tiềm năng rất lớn về lượng tài nguyên mà không đâu sánh bằng mà chỉ riêng Hà Nội mới có. Điển hình như những di sản văn hóa bậc nhất cả nước chiếm hơn 20% di sản cả nước, hội tụ đầy đủ các loại hình khác nhau, nổi bật như khu phố cổ, Hoàng thành Thăng Long… Kho tàng đồ sộ đó đang giúp cho Hà Nội có lợi thế du lịch rất lớn và đó chính là điều kiện rất tốt cho du lịch thủ đô phát triển.

Song song đó, du lịch làng nghề cũng đang có xu hướng đi lên kèm theo du lịch sinh thái, cảnh quan (Ba Vì, Hương Sơn,….) cũng độc đáo không kém.

Với tất cả những loại hình du lịch đó, để Hà Nội đáp ứng được mọi nhu cầu của du khách thì cũng đang phát triển thêm các loại hình du lịch về thể thao, sân goft tại các khu nghỉ dưỡng.

- Theo ông, ngành du lịch cần làm thế nào để nâng tầm những điểm đến hấp dẫn của thủ đô nhằm thu hút đông đảo lượng khách du lịch trong và ngoài nước?

Trong những năm vừa qua, Hà Nội cũng đã đứng ra làm một lộ trình chiến lược riêng về phát triển toàn diện chiến lược du lịch. Trong đó, chúng tôi xây dựng những bước đi bài bản, thiết thực, gắn chặt với đời sống.

Ngoài ra, nguồn nhân lực du lịch thủ đô cũng như của cả nước đang được chú trọng nhưng nhìn chung vẫn còn yếu, phần nào chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động du lịch đặt ra. Tới đây, cũng cần có những chiến lược cụ thể, bài bản để đào tạo lại đội ngũ nhân lực đã và đang làm du lịch; đồng thời bổ sung thêm nhân lực vào những chỗ thiếu kèm theo những biện pháp căn cơ, cụ thể, đồng bộ.

Ngành du lịch cũng có những kế hoạch cụ thể trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịchkèm theo việc xây dựng một chuỗi hình ảnh về Hà Nội nhằm đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Nạn chặt chém, chèo kéo khách du lịch, làm xấu hình ảnh của con người Việt Nam cũng được các ban thanh tra cùng chính quyền địa phương phối hợp với ngành du lịch rất tốt trong thời gian qua để hạn chế tối đa tình trạng này.

Ông Đỗ Đình Hồng- Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội

- Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng Hà Nôi hiện nay mới chỉ dừng lại như một điểm trung chuyển trong chuyến du lịch của du khách mà chưa có sự lưu trú dài ngày. Vậy ông nhận định như thế nào về ý kiến này và theo ông, ngành du lịch cần làm gì để khắc phục tình trạng đó?

Hà Nội đúng là trạm trung chuyển, một trong hai đầu tàu đưa đón khách lớn nhất của cả nước (Hà Nội và TP.HCM). Hà Nội không những là điểm đón khách của các tỉnh phía Bắc mà của cả khu vực miền Trung, miền Nam.

Nói Hà Nội là điểm dừng chân của du khách trong chuyến du lịch là hoàn toàn đúng nhưng du khách của chúng ta dừng chân tại Hà Nội trong bao lâu? Đó mới là điều ngành du lịch cần phải suy nghĩ.

Theo quan điểm của tôi, để khắc phục điều này trước tiên phải hoàn thiện các sản phẩm du lịch. Khi sản phẩm du lịch được hoàn thiện, được đánh giá kĩ lưỡng thì sẽ tự khắc đánh thức được nhu cầu, thị hiếu của du khách nhằm giữ chân họ ở lại lâu hơn với Hà Nội.

Có nhiều cách làm cho một sản phẩm du lịch hấp dẫn nhưng điều quan trọng là chúng ta khai thác nó dưới góc độ nào để thu hút được sự tò mò, gây ấn tượng mạnh nhất, đánh trúng tâm lí khách hàng để níu chân du khách ở lại lâu nhất có thể mà không cần dùng đến bất cứ sách lược, chính sách nào.

Tôi cho rằng để làm tốt điều này phải có sự kết hợp của cả sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ đi kèm, đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp thì Hà Nội hoàn toàn có thể là điểm dừng chân, lưu trú trong một khoảng thời gian dài của du khách trong nước và quốc tế.

- Vậy trong tương lai, ông có mong mỏi điều gì đối với ngành du lịch nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng để những sản phẩm du lịch của chúng ta ngày càng tiếp cận gần hơn với quốc tế?

Theo tôi, ngành du lịch cần phải tự hoàn thiện hơn và ngày càng hướng tới sự thân thiện, làm hài lòng du khách.

Đồng thời, Hà Nội đặc biệt cần những sản phẩm du lịch mới, độc đáo, có tính bản sắc mang đặc thù riêng hay của Việt Nam. Nếu làm được như vậy, dấu chấm của Hà Nội trên bản đồ Việt Nam cũng như dấu chấm của Việt Nam trên bàn đồ thế giới sẽ đậm nét hơn.

- Cám ơn ông!

Thu Anh (thực hiện)

Bài liên quan
Du lịch TP.HCM thu về hơn 173.500 tỉ đồng trong 11 tháng năm 2024
Sở Du lịch TP.HCM vừa có báo cáo tình hình thực hiện chỉ tiêu về du lịch TP.HCM tháng 11 và 11 tháng năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
8 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du lịch Hà Nội cần kết hợp đồng bộ để giữ chân du khách