Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Ngô Trung Thành cho hay có những chuyện làm đúng quy trình nhưng vẫn gây thiệt hại, gây lãng phí. Trong khi có trường hợp làm chưa hoàn toàn đúng với quy định nhưng kết quả lại tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn.
Chiều 2.6, Quốc hội thảo luận về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Đúng quy trình nhưng lãng phí, sai quy trình lại tiết kiệm
Nêu ý kiến, Đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cho rằng, để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được hiệu quả, cần phải làm rõ tiết kiệm được cái gì, tiết kiệm được bao nhiêu, chống lãng phí được cái gì, chống lãng phí được bao nhiêu, còn lại đã lãng phí những gì, lãng phí bao nhiêu.
“Việc bóc tách như vậy là rất khó nhưng nếu không đúng cách sẽ dẫn đến đánh đồng việc chống lãng phí cũng như thực hành tiết kiệm, không xác định được con số lãng phí để ý thức được sự quyết tâm chống lãng phí”, ông Thành nói.
Đại biểu cũng nêu ví dụ định nghĩa thế nào là tiết kiệm, khi có những chuyện làm đúng quy trình nhưng vẫn gây thiệt hại, gây lãng phí. Trong khi cũng có trường hợp làm chưa hoàn toàn đúng với quy định nhưng kết quả lại tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn, lại không lãng phí.
Đại biểu bày tỏ băn khoăn, trong hai trường hợp như vậy thì cái nào tốt hơn, cái nào là có lợi hơn cho nhân dân, cho đất nước?
Từ thực tế trên, đại biểu cho rằng, pháp luật cần mở ra cơ chế để các cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để tìm ra cách làm mới, hay hơn, hiệu quả hơn.
“Có như vậy thì xã hội mới phát triển được, đất nước mới có thể phồn vinh, thịnh vượng. Đại biểu nhấn mạnh, đây cũng là bài học vượt rào mà chúng ta đã nhận được qua quá trình thực hiện đổi mới”, ông Thành nêu.
Căn bệnh "sợ trách nhiệm" trong thực thi công vụ?
Góp ý vào Báo cáo của Chính phủ bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng trong thực thi công vụ có “căn bệnh” sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.
Đại biểu muốn nói đến những người ngay thẳng, trung thực cũng có dấu hiệu bị nhiễm căn bệnh này.
Chỉ ra thực trạng này có nhiều nguyên nhân, bà Mai Thị Phương Hoa đề nghị cần lưu ý trong giai đoạn hiện nay phải có giải pháp cụ thể hơn để tránh tình trạng này. Đó là sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng hơn, minh bạch hơn, cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân.
Ngoài ra, cần luật hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đồng thời lựa chọn đúng cán bộ từng vị trí công tác; có chính sách thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao trình độ cho cán bộ, tăng cường hơn nữa sự tham gia của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán trong công tác phòng ngừa, cảnh báo.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý (Tây Ninh) đánh giá cao hằng năm Thủ tướng Chính phủ đều ban hành các chỉ thị về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực.
Tuy nhiên, báo cáo còn tập trung nhiều vào tiết kiệm nhưng có nội dung phản ánh chưa hết bản chất của tiết kiệm; báo cáo chưa đi sâu phân tích lãng phí, chưa làm rõ hiệu quả sử dụng vốn, nguồn lực nhà nước đầu tư trong thời gian qua. Nhận diện vấn đề này cho thấy công tác phòng chống lãng phí một số ngành, địa phương chưa chuyển biến rõ nét.
Ngoài ra, việc phát hiện, xử lý lãng phí còn chậm, có nơi chưa kiên quyết, có tình trạng buông lỏng quản lý quan liêu, tham nhũng là những tác nhân của lãng phí chưa được ngăn chặn hiệu quả. Báo cáo cũng chưa chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân gây lãng phí.
Để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt hiệu quả cao, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý đề nghị cần quán triệt sâu sắc, hiệu quả hơn nữa để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ăn sâu vào ý thức, trở thành suy nghĩ thường trực trong mỗi việc làm hằng ngày của đảng viên, cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu.
Đồng thời, cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân, phải tạo cơ chế thuận lợi hơn nữa để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp nhân tham gia giám sát hiệu quả.
Đưa thực hành tiết kiệm vào học đường
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh cho hay, qua rà soát các văn bản pháp luật cho thấy có hơn 1.000 hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức cả về hành chính cũng như hình sự với 5 nhóm hành vi mà nhiều nhất là nhóm hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ thống nhất quan điểm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải gắn bó chặt chẽ với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Đại biểu bày tỏ đồng tình với những nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ nêu trong Báo cáo tuy nhiên đề nghị đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý, gắn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực về nội dung này.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần khẩn trương rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực hoạt động và dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, rà soát, khắc phục sơ hở, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực tham nhũng, tiêu cực đặc biệt những lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý sử dụng đất đai, tài sản, chứng khoán…
Ở góc độ giáo dục, đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp để đưa nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào giảng dạy hoặc tích hợp vào tiết học một cách phù hợp trong các hoạt động trải nghiệm, chương trình ngoại khóa tại các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Đại biểu nhấn mạnh, nội dung này cũng nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với các đối tượng là các em học sinh, sinh viên và giải pháp này có thể góp phần xây dựng được văn hóa về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong xã hội trong tương lai.