Theo thông tin Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng tình hình thực hiện chống khai thác IUU của Việt Nam triển khai trên thực tiễn tại các địa phương còn chưa được cải thiện đáng kể.

EC nêu hàng loạt hạn chế của Việt Nam trong việc gỡ ‘thẻ vàng’ thủy sản

Trí Lâm | 05/07/2018, 12:34

Theo thông tin Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng tình hình thực hiện chống khai thác IUU của Việt Nam triển khai trên thực tiễn tại các địa phương còn chưa được cải thiện đáng kể.

Nỗ lực gỡ “thẻ vàng” chưa đạt yêu cầu

Cụ thể, Việt Nam cần thành lập Ban Chỉ đạo chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU)đủ mạnh và thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả từ Trung ương đến địa phương và thường xuyên kiểm tra, tăng cường kết nối để thực thi nghiêm túc, thực chất trong việc chống khai thác IUU.

Việc cấp chứng nhận, xác nhận sản phẩm thủy sản khai thác còn sai sót; hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp; mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm khai thác IUU còn thấp, chưa tạo được sự răn đe.

Dự thảo Nghị định hướng dẫn thực thi Luật Thủy sản chưa toàn diện, chưa bao quát hết một số quy định về chống khai thác IUU nên Việt Nam và EC cần phải hợp tác về mặt kỹ thuật để hoàn thiện nhằm đảm bảo tính thực thi hiệu quả nhất.

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính cần đảm bảo chế tài xử phạt phải phù hợp với quy định của quốc tế và đủ tính răn đe; đồng thời cần bổ sung định nghĩa về mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm để đưa ra mức phạt tương ứng vào dự thảo Nghị định (cần bổ sung một số điều liên quan đến chế tài xử phạt như tịch thu sản phẩm, ngư cụ, giấy phép).

Đoàn đề nghị Việt Nam nhanh chóng phê duyệt gia nhập Hiệp định Đàn cá di cư của Liên hợp Quốc và Hiệp định Biện pháp quốc gia có cảng của FAO, để kịp thời gian lồng ghép các điều khoản của các hiệp định này trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản.

Công tác xác nhận, chứng nhận sản phẩm có nguồn gốc từ khai thác còn chưa đáp ứng được yêu cầu, quy định châu Âu về kiểm soát truy xuất nguồn gốc sản phẩm về khai thác bất hợp pháp xuất khẩu sang thị trường châu Âu; hiện tại Việt Nam chưa kiểm soát được sản phẩm khai báo trên giấy tờ so với thực tế.

Do vậy cần tăng cường công tác kiểm soát tàu cá tại cảng, trên biển và sử dụng dữ liệu giám sát hành trình của tàu cá một cách hệ thống, chính xác để đảm bảo sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu phải được truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tính hợp pháp của các sản phẩm được xác nhận, chứng nhận.

Về hệ thống kiểm tra, kiểm soát và giám sát tàu cá, theo Đoàn Thanh tra EC, Việt Nam chưa thể hiện được trách nhiệm đầy đủ của quốc gia treo cờ (quản lý tàu cá) và trách nhiệm của quốc gia ven biển (bảo vệ nguồn lợi thủysản).

Theo đó, Việt Nam cần có kế hoạch và lộ trình cụ thể về lắp thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên, đảm bảo việc thực thi các quy định về lắp đặt, bật thiết bị giám sát hành trình, ngay khi Luật Thủysản có hiệu lực từ ngày 1.1.2019.

Đoàn cũng đưa ra đề nghị, từ nay đến tháng 1.2019 toàn bộ tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình công nghệ vệ tinh; đảm bảo thực thi đầy đủ các quy định về lắp đặt, bật thiết bị giám sát hành trình đối với đội tàu có chiều dài từ 24mtrở lên và đội tàu có chiều dài từ 15m trở lên hiện sử dụng thiết bị giám sát hành trình của hệ thống trạm bờ VX-1700.

“Việt Nam cần phải quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu cá và xử lý nghiêm tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, bảo đảm kịp thời, hiệu quả; các quy trình xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài cần phải được xem xét lại để có biện pháp ngăn chặn tức thời, hiệu quả”, Đoàn thanh tra đề nghị.

Cùng với đó, Việt Nam cần tăng cường công tác kiểm soát tàu cá tại cảng, trên biển và sử dụng dữ liệu giám sát hành trình của tàu cá một cách hệ thống, chính xác để đảm bảo sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu phải được truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tính hợp pháp của các sản phẩm được xác nhận, chứng nhận.

Nhiều giải pháp khắc phục “thẻ vàng”

Để khắc phục “thẻ vàng”, Bộ NN&PTNT cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về thủy sản, thủ tục để gia nhập Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng của FAO và Hiệp định Đàn cá di cư của Liên hợp Quốc trong tháng 7.2018.

Thành lập Ban chỉ đạo về chống khai thác IUU của Chính phủ trên cơ sở nâng cấp, kiện toàn từ Tổ công tác liên ngành 689 Trung ương để chỉ đạo tập trung, thống nhất từ Trung ương đến các địa phương ven biển, thiết lập được cơ chế phối hợp chặt chẽ, bảo đảm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Bảo đảm duy trì hệ thống giám sát Movimar thực hiện năm 2019 - 2020 cho khối tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên theo khuyến nghị của EC; thực hiện đầu tư nâng cấp các cảng loại 1 đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc và giám sát tàu cá tại cảng theo kiến nghị của Ủy ban Châu Âu.

Các tỉnh, thành phố ven biển tập trung thực hiện phải tập trung nguồn lực để quản lý, kiểm soát chặt chẽ đội tàu của các địa phương, rút giấy phép khai thác, không cấp giấy phép mới đối với các chủ tàu có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ hoặc bị phát hiện trên hệ thống giám sát hành trình.

Hoàn thành trước ngày 30.10.2018 việc thu hồi tất cả các thiết bị giám sát hành trình MOVIMAR đã được lắp đặt trên các tàu cá có chiều dài nhỏ hơn 24 mét;yêu cầu các chủ tàu hoặc thuyền trưởng của tàu cá đã được lắp đặt thiết bị MOVIMAR, thiết bị VX-1700 mở máy 24/24 giờ khi đi khai thác hải sản trên các vùng biển…

Về việc tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng đây cũng là cơ hội để Việt Nam xây dựng khung pháp lý chặt chẽ quản lý khai thác hải sản. Do đó, cần lắp đặt trang thiết bị tàu cá bám sát quy định của Luật Thủy sản, coi đây là trách nhiệm phát triển nghề cá bền vững, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong quá trình thực hiện.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
EC nêu hàng loạt hạn chế của Việt Nam trong việc gỡ ‘thẻ vàng’ thủy sản