Demis Hassabis, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Google DeepMind, đã nhận được khoản đầu tư từ Elon Musk sau khi chỉ ra những thiếu sót trong kế hoạch thuộc địa hóa sao Hỏa của tỷ phú giàu nhất thế giới.
Thế giới số

Elon Musk đầu tư vào Google DeepMind vì lo ngại AI có thể phá hủy việc thuộc địa hóa sao Hỏa

Sơn Vân 04/12/2023 15:15

Demis Hassabis, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Google DeepMind, đã nhận được khoản đầu tư từ Elon Musk sau khi chỉ ra những thiếu sót trong kế hoạch thuộc địa hóa sao Hỏa của tỷ phú giàu nhất thế giới.

Elon Musk nói với Demis Hassabis rằng ông hy vọng nhân loại có thể tránh được các mối đe dọa từ việc sống trên Trái đất bằng cách chiếm đóng sao Hỏa, theo một câu chuyện được tờ The New York Times đăng tải hôm 3.12.

Elon Musk đã trò chuyện với Demis Hassabis sau khi đưa người đồng sáng lập Google DeepMind đi tham quan trụ sở SpaceX vào năm 2012. Demis Hassabis nói với Elon Musk rằng kế hoạch sẽ thành công nếu trí tuệ nhân tạo (AI) không tham gia chuyến đi tới sao Hỏa. Theo Demis Hassabis, việc có AI trong tình huống đó sẽ dẫn đến việc hủy hoại việc thuộc địa hóa sao Hỏa của con người.

Elon Musk đã đầu tư vào DeepMind của Hassabis ngay sau đó cùng với Peter Thiel (nhà đồng sáng lập PayPal) để có thể tìm hiểu thêm về công nghệ, theo The New York Times. Kể từ lúc này, Elon Musk nhiều lần lên tiếng cảnh báo những mối nguy hiểm do AI gây ra.

Vào tháng 3, Elon Musk đã nói với một cổ đông Tesla trong ngày hội đầu tư của công ty rằng ông “hơi lo lắng về vấn đề AI”. "Tôi nghĩ đó là điều chúng ta nên quan tâm. Chúng ta cần một cơ quan quản lý nào đó hoặc thứ gì đó giám sát sự phát triển AI và đảm bảo nó hoạt động vì lợi ích công cộng", tỷ phú 52 tuổi người Mỹ cho hay.

Hồi tháng 7, Elon Musk trình làng công ty khởi nghiệp AI riêng mang tên xAI. Hồi tháng 11, xAI đã giới thiệu chatbot Grok, được coi là đối thủ cạnh tranh với ChatGPT của OpenAI. Theo trang web xAI, công ty đặt mục tiêu nâng cao “sự hiểu biết chung về vũ trụ” của nhân loại.

elon-musk-dau-tu-vao-deep-mind-khi-demis-hassabis-noi-ai-co-the-pha-huy-viec-thuoc-dia-hoa-sao-hoa.jpg
Demis Hassabis (phải) đã nhận được khoản đầu tư từ Elon Musk sau khi chỉ ra những thiếu sót trong kế hoạch chiếm đóng sao Hỏa của tỷ phú giàu nhất thế giới - Ảnh: Internet

Tỷ phú công nghệ thực sự tin rằng chỉ chưa đầy 30 năm nữa sẽ có thể giúp 1 triệu dân an cư lạc nghiệp trên sao Hỏa. Giấc mộng này khiến nhiều người nghi ngại. Chưa thể ước tính chính xác những thứ cần chuyển đến sao Hỏa từ Trái đất song Elon Musk cho biết sẽ cần rất nhiều thực phẩm, nước, vật liệu xây dựng, công cụ và hệ thống hỗ trợ sự sống.

Hưởng ứng Elon Musk, Gwynne Shotwell - Chủ tịch SpaceX nói con người sẽ đặt chân lên sao Hỏa trong thập kỷ này. Bà Gwynne Shotwell nhận định: “Tôi nghĩ rằng nó sẽ xảy ra trong thập kỷ này, sau đó con người sẽ tiến đến Mặt trăng, sớm thôi. Tôi nghĩ rằng trước tiên chúng ta cần đưa một lượng lớn thiết bị lên bề mặt sao Hỏa. Sau đó, ta sẽ bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn đến việc đặt chân lên hành tinh đỏ. Trong vòng 5 - 6 năm nữa, mọi người sẽ thấy rằng đó là một điểm đến thực sự khả thi”.

SpaceX, công ty do Elon Musk điều hành, đã thực hiện nhiều nhiệm vụ nhằm biến tầm nhìn đầy tham vọng này trở thành hiện thực. Công ty đang phát triển một tổ hợp tàu vũ trụ và tên lửa khổng lồ có thể tái sử dụng, được gọi là Starship, để vận chuyển người và hàng hóa lên Mặt trăng, sao Hỏa và hơn thế nữa.

Demis Hassabis đóng vai trò trung tâm trong sứ mệnh AI của Google

DeepMind là công ty AI có trụ sở tại London (thủ đô Anh), ra đời vào năm 2010 và sau đó được Google mua lại hồi năm 2014 với giá khoảng 500 triệu USD.

Sau khi được thành lập, DeepMind đã thực hiện sứ mệnh của mình là giải câu đố về trí thông minh bằng cách chế tạo những cỗ máy có khả năng học hỏi, suy nghĩ và hành động theo cách của con người. DeepMind trở nên nổi tiếng trong năm 2016 sau khi chương trình AlphaGo của họ đã đánh bại một kiện tướng cờ vây chuyên nghiệp lần đầu tiên trong lịch sử học máy.

Công ty đã tạo ra mạng lưới thần kinh biết cách học chơi game, làm việc, tư duy… tương tự như con người. Mạng lưới thần kinh này sẽ bắt chước những hành vi của não bộ, từ đó đưa ra những hành động độc lập hoặc được lập trình sẵn nhằm thực hiện những việc có tư duy cao.

Google DeepMind gây tiếng vang với các nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực AI, đặc biệt là trong các lĩnh vực như học máy, học sâu và học máy tăng cường. Công ty này đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, trong đó có việc phát triển các hệ thống AI chơi cờ vua và cờ vây với hiệu suất đỉnh cao, cũng như trong các ứng dụng y học và năng lượng.

Demis Hassabis tin rằng AI mạnh mẽ như bộ não con người sẽ xuất hiện khi nghiên cứu công nghệ này tăng tốc. Ông thừa nhận rằng "sự tiến bộ trong vài năm qua là khá khó tin" và nói thêm: "Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ có các hệ thống AI có khả năng học hỏi, tự cải thiện một cách tự động vài năm tới”.

Google đang cố gắng tăng cường kinh doanh bằng cách tập trung gấp đôi vào lĩnh vực AI, nhằm chống lại sự cạnh tranh từ OpenAI (công ty phát triển ChatGPT được Microsoft hậu thuẫn), đồng thời bảo vệ đơn vị tìm kiếm cốt lõi của mình.

Demis Hassabis đang đóng vai trò trung tâm trong sứ mệnh của Google nhằm nâng cao khả năng AI. Hồi tháng 4, Google đã công bố Demis Hassabis là lãnh đạo đơn vị mới được thành lập, kết hợp DeepMind với Google Brain (bộ phận nghiên cứu AI riêng biệt).

Ông đang đứng sau dự án Gemini - mô hình AI phức tạp nhất của Google được cho có thể đánh bại GPT-4.

Gemini được mô tả là thế hệ tiếp theo của AI và đa phương thức, nghĩa là có thể xử lý nhiều loại dữ liệu và khả năng hiểu, tạo ra văn bản và hình ảnh cũng như các loại nội dung khác dựa trên bản phác thảo...

Trang The Information đưa tin các sự kiện ra mắt Gemini ban đầu dự kiến ​​diễn ra tuần tới tại bang New York, Washington và California (Mỹ), nhưng đã được Google lùi lại một cách lặng lẽ vào đầu năm 2024 vì lo ngại mô hình AI mới họat động không đáng tin cậy khi phản hồi một số yêu cầu và thắc mắc bằng ngôn ngữ không phải tiếng Anh.

Dù vẫn chưa trình làng để người dùng sử dụng rộng rãi, Gemini được cho có hiệu suất vượt trội GPT-4 của OpenAI vì khai thác sức mạnh tính toán lớn hơn rất nhiều.

Sissie Hsiao, Phó chủ tịch Google quản lý Bard và Google Assistant, từng nói về Gemini: “Tôi đã thấy một số điều rất tuyệt vời. Ví dụ, tôi đang cố nướng một chiếc bánh và nói ‘hãy vẽ cho tôi 3 bức tranh về cách trang trí bánh ba tầng’. Gemini sẽ tạo ra những hình ảnh đó thực sự. Đây là những bức tranh hoàn toàn mới lạ, không phải từ internet. Nó có thể giao tiếp bằng hình ảnh với con người ngay bây giờ, không chỉ là văn bản".

Dù Google đã có mô hình generative AI (AI tạo sinh) Bard của riêng, ChatGPT đến nay vẫn thu hút nhiều người tiêu dùng hơn. Thế nhưng, các nhà phân tích cho rằng điều đó có thể thay đổi khi Gemini ra mắt.

Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.

Hiện các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực AI ngày càng chia rẽ về lợi ích của việc tạo ra generative AI. Điều này đặc biệt đúng khi các mô hình ngôn ngữ lớn hiện tại, nền tảng cho ChatGPT và Google Bard, đang đối diện với các vấn đề về độ chính xác và lạm dụng. Các vấn đề này đã trở thành mối quan ngại của nhà nghiên cứu trong lĩnh vực AI vì có thể dẫn đến hệ quả không mong muốn và tiềm ẩn nguy cơ với xã hội, loài người.

Tuy nhiên, Demis Hassabis cho biết ông không thấy bất kỳ lý do nào tiến độ AI sẽ chậm lại, nhưng gợi ý rằng việc phát triển các công nghệ generative AI cần phải được thực hiện "một cách thận trọng bằng phương pháp khoa học", đòi hỏi thực hiện các thí nghiệm và kiểm tra nghiêm ngặt.

Bài liên quan
Elon Musk nói về khả năng chống đạn của xe bán tải điện Cybertruck, chuyên gia nghi ngờ
Elon Musk từ lâu đã tuyên bố Cybertruck sẽ có khả năng chống đạn, đồng thời cho biết ông muốn chiếc xe bán tải điện này trong tương lai phải "thực sự cứng cáp chứ không giả tạo".

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Elon Musk đầu tư vào Google DeepMind vì lo ngại AI có thể phá hủy việc thuộc địa hóa sao Hỏa