Chiều 25.10, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức buổi họp báo liên quan đến việc EU rút thẻ vàng đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam.

EU rút thẻ vàng đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam

ttx | 26/10/2017, 05:57

Chiều 25.10, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức buổi họp báo liên quan đến việc EU rút thẻ vàng đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản) cho biết vàochiều 25.10, Tổng cục Thủy sản mới chính thức nhận được văn bản từ phía EU về việc rút thẻ vàng đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam.

Lý do EU cảnh báo thẻ vàng đối với Việt Nam là từ ngày 13-19.5.2017, đoàn công tác của Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của EC (DG-MARE) của EU vào Việt Nam kiểm tra hoạt động tuân thủ quy định của EU về IUU (hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý).

Qua kết quả kiểm tra, đoàn công tác DG-MARE cho rằnghoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam chưa có nhiều tiến bộ trong việc thực hiện các quy định của EU về IUU và đã đưa ra 5 khuyến nghị yêu cầu Việt Nam phải hoàn thành trước ngày 30.9.2017.

Cụ thể 5 khuyến nghị gồm Hoàn thiện thể chế; Quản lý đội tàu khai thác phù hợp với nguồn lợi; Hoàn thiện hệ thống kiểm tra giám sát tàu cá trên biển và tại cảng; Thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; Ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực triển khai khuyến nghị của EC, tuy nhiên phía EC cho rằng các giải pháp thực hiện của Việt Nam đối với các khuyến nghị chưa triệt để.Do đó, ngày 23.10.2017, EU quyết định rút thẻ vàng đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam. Thời gian cảnh báo thẻ vàng là 6 tháng (từ ngày 23.10.2017 đến 23.4.2018).

Sau 6 tháng, sau khi có kết quả của đoàn kiểm tra DG-MARE về việc triển khai các quy định về IUU của EU, có 3 khả năng xảy ra với Việt Nam:

Nếu Việt Nam triển khai đầy đủ, toàn bộ các quy định của EU với các minh chứng cụ thể thì tình trạng cảnh báo thẻ vàng sẽ được dỡ bỏ; Nếu việc triển khai các quy định của EU về IUU có tiến bộ EC có thể gia hạn để hoàn thiện các nội dung còn thiếu; Trong trường hợp cảnh báo của EU không được thực hiện hoặc triển khai không hiệu quả, EC sẽ ban hành biện pháp thẻ đỏ, khi đó lệnh cấm xuất khẩu hải sản khai thác từ Việt Nam vào thị trường EU sẽ được áp dụng.

Ông Nguyễn Ngọc Oai, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản cho biết thêm, việc EU áp dụng biện pháp thẻ vàng đối với Việt Nam chỉ áp dụng với sản phẩm khai thác trên biển; không áp dụng cho sản phẩm thủy sản từ nuôi trồng.

Trong thời gian này, hoạt động xuất khẩu hải sản vẫn được diễn ra bình thường. Tuy nhiên, sẽ có những tác động nhất định như các lô hàng bị tăng tuần suất kiểm tra hồ sơ nguồn gốc sản phẩm khai thác nhập khẩu từ Việt Nam (có thể lên đến 100%), dẫn đến thời gian lưu kho tăng, phát sinh chi phí kiểm tra, chi phí lưu kho đối với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU.

Bên cạnh đó, việc này cũng có khả năng gây tâm lý lo ngại đến các nhà nhập khẩu ở các thị trường khác, đặc biệt là đối với các thị trường nhập nguyên liệu của Việt Nam để tái xuất sang thị trường EU hoặc Mỹ và các nước có quy định áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chống khai thác IUU.

Để khắc phục sự việc này, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như sau: Sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025 (đã được trình Thủ tướng tại văn bản số 8526.TTr-BNN.TCTS ngày 10.10.2017); tổ chức thực hiện quyết liệt, triệt để kế hoạch này ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, phê duyệt chủ trương đầu tư và bố trí kinh phí để xây dựng, triển khai dự án thông tin giai đoạn II, đồng thời, thành lập tổ công tác liên ngành do Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Tổ trưởng với sự tham gia của các Bộ, ngành, hội, hiệp hội có liên quan để chỉ đạo, điều phối triển khai các biện pháp khắc phục thẻ vàng của EU.

Tổ chức các đoàn đàm phán, đối thoại để EU hiểu và ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai, đáp ứng các khuyến nghị của EU; tiếp tục biên dịch Luật Thủy sản sửa đổi và các văn bản dưới luật khi được sửa đổi ban hành để cung cấp cho EU. Nhanh chóng hoàn tất thủ tục gia nhập Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hợp quốc và Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng của FAO.

Ngay sau khi Luật Thủy sản sửa đổi được Quốc hội thông qua, khẩn trương xây dựng các văn bản dưới Luật để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật Thủy sản sửa đổi nhằm đáp ứng được khung pháp lý về quản lý nghề cá theo yêu cầu của EU.

Tăng cường nguồn lực cho các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động nghề cá, xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương ven biển xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí nguồn lực, kinh phí triển khai kế hoạch hành động quốc gia về chống khai thác IUU và tăng cường các biện pháp: quản lý tàu cá khai thác không vi phạm về IUU; ngặn chặn, chấm dứt tàu khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các nước; xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm hải sản; bắt buộc tàu cá phải lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định; tuyên truyền phổ biến các quy định về IUU đến với người dân.

Theo Tổng cục thủy sản, đến nay đã có 25 quốc gia, vùng lãnh thổ bị EU áp dụng biện pháp phạt thẻ; trong đó có 6 quốc gia bị áp dụng biện pháp thẻ đỏ (10 nước được dỡ thẻ vàng, 3 nước đã được dỡ thẻ đỏ).

Hiện chỉ còn 3 quốc gia bị áp dụng biện pháp thẻ đỏ (Campuchia, Comoros, Saint Vincent & Grenadines), 9 quốc gia và vùng lãnh thổ bị áp dụng biện pháp thẻ vàng (Kiribati, Liberia, Saint Kitts & Nevis, Sierra Leone, Đài Loan, Thái Lan, Trinidad and Tobego, Tuvalu, Việt Nam). Hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ được EU gỡ thẻ vàng thời gian khoảng từ 1 đến 2 năm (Thái Lan đã 3 năm vẫn chưa được gỡ thẻ vàng).

Năm 2016, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU là 1,219 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu hải sản sang EU đạt 357,8 triệu USD. Riêng 9 tháng đầu năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU đạt 1,047 tỷ USD.

TheoTTXVN
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
EU rút thẻ vàng đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam