Trong EVFTA, lĩnh vực nông nghiệp được xem là ngành hàng hưởng nhiều lợi thế nhất trong xuất khẩu và hầu hết các nhóm thuế đều đưa về 0% trong một lộ trình ngắn nhất.
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0-4% như hạt tiêu (hiện nay là 0-11%); gạo tấm, các sản phẩm từ hạt cũng được giảm về 0%. Đối với mặt hàng rau củ quả, rau củ quả chế biến, nước quả, EU cam kết cơ bản sẽ xóa bỏ thuế quan ngay sau khi EVFTA có hiệu lực.
Đối với thủy sản, một số sản phẩm chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao (20%) sẽ được giảm ngay về 0% như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến... Ngoài ra, các sản phẩm đông lạnh như mực, bạch tuộc đang có mức thuế cơ bản 6-8% sẽ được giảm ngay về 0%, các sản phẩm khác như surimi được giảm từ 14,2% về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%.
Đối với sản phẩm cá tra, lộ trình giảm thuế là 3 năm, riêng cá hun khói lộ trình là 7 năm. Sản phẩm cá ngừ đông lạnh được giảm thuế về 0% ngay, trừ thăn cá ngừ đông lạnh (loin) cần lộ trình 7 năm và sản phẩm cá ngừ hộp có hạn ngạch hưởng thuế 0% là 11.500 tấn..
EU được xem là thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc. Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam sang thị trường EU cũng đạt thặng dư lớn trong nhiều năm liên tục nhờ vào tính bổ sung cao của các mặt hàng nông sản xuất khẩu giữa Việt Nam và EU.
Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thủy sản, cà phê, hạt điều, rau củ nhiệt đới sang EU và nhập khẩu trứng, sữa, mật ong, thịt bò, gà, lợn và rau củ từ EU. Theo đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được cho là sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn thúc đẩy xuất khẩu của ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Mỗi năm EU nhập khẩu nông sản khoảng 150 tỉ USD. Trong khi đó nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới khoảng hơn 40 tỉ USD, sang EU mới đạt khoảng trên 5 tỉ USD. Như vậy, đư địa vẫn còn quá lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Cái lợi đầu tiên, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) thấy ở hiệp định này là các mặt hàng nông sản Việt Nam sẽ bán được giá tốt tại thị trường 500 triệu dân có mức thu nhập thuộc hàng cao của thế giới (thu nhập trung bình là 90.000 USD/người/năm).
Tuy nhiên, điều kiện đi kèm sẽ là chất lượng mà các doanh nghiệp phải đảm bảo được. Vì thị trường này có chính sách bảo vệ người tiêu dùng rất chặt chẽ. Có thể nói, đây là một thị trường khó tính cho nên doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa vào cần phải vượt qua hàng loạt các hàng rào kỹ thuật cũng như yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc,...
Ví dụ, với mặt hàng gỗ phải có chứng chỉ gỗ rừng trồng, khai thác thủy sản bền vững về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh... Ước tính của một số nhóm nghiên cứu cho thấy, khi EVFTA được thực thi, mỗi năm Việt Nam có thể tăng trưởng xuất khẩu nông sản trên 1 tỉ USD vào EU, giúp GDP nông nghiệp tăng 0,4-0,5% GDP nông nghiệp.
Tuy nhiên, cơ hội lớn cũng đi kèm với thách thức không hề nhỏ khi người dân bỏ tiền mua hàng giá cao thì doanh nghiệp cũng phải đáp ứng lại bằng một sản phẩm có chất lượng tương ứng, thậm chí phải tốt hơn nữa. Giới chuyên gia đánh giá đây chính là "điểm yếu" của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trao đổi với Một Thế Giới, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng với Hiệp định EVFTA, giá bán nông sản của Việt Nam ở thị trường EU sẽ cạnh tranh hơn so với các nước khác như: Ấn Độ, Thái Lan... Tuy nhiên, sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam ở các khía cạnh phi cam kết như: chất lượng, mẫu mã, giá cả, tính chuyên nghiệp còn hạn chế.
Chuyên gia nông nghiệp, TS Nguyễn Đăng Nghĩa nhìn nhận: "Có mặt hàng, có nông sản nhưng không có thương hiệu thì cạnh tranh làm sao. Đây chính là cơ hội và thách thức để sản phẩm nông sản Việt chuyển mình không chỉ ở thị trường EU mà còn trên thị trường thế giới".
Tập đoàn Intimex cho biết vấn đề lo lắng nhất đối với các doanh nghiệp khi tham gia EVFTA là các hàng rào kỹ thuật khi đưa hàng hóa vào thị trường các nước EU, nhất là các sản phẩm nông nghiệp.
Để doanh nghiệp hiểu rõ các cam kết trong EVFTA, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn) cho biết sẽ tăng cường phổ biến và hướng dẫn những quy định của EU; Xây dựng cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia.
Việc lo ngại của doanh nghiệp là có cơ sở, dựa vào kinh nghiệm của các FTA mà Việt Nam đã tham gia trước đây để rút ra. Cho nên ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng các doanh nghiệp nên cẩn trọng và chuẩn bị chu đáo. Đảm bảo hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường phải tuân thủ đáp ứng chuẩn về quy định an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuyết Nhung