Sáng 5.9, khoảng 23 triệu học sinh cả nước dự lễ khai giảng, chính thức bước vào năm học 2023-2024.
Ngay từ sáng sớm, các phụ huynh đã đưa con em tới trường dự lễ khai giảng năm học mới.
Tại Hà Nội, hơn 2,2 triệu học sinh mầm non, phổ thông bước vào năm học mới 2023-2024. Đây là địa phương có số học sinh và trường, lớp nhiều nhất cả nước. TP.HCM năm nay có hơn 1,7 triệu trẻ mầm non, học sinh, tăng hơn 35.000 em so với năm trước.
Cùng với Hà Nội, TP.HCM, tất cả các địa phương khác cũng yêu cầu khai giảng ngắn gọn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh đầu năm học mới.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết năm học 2023-2024 có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục. Năm học 2022-2023, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục được triển khai đối với lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10. Tiếp tục lộ trình này, năm nay khối lượng công việc ngành giáo dục cần thực hiện sẽ rất lớn khi vừa rút kinh nghiệm và tiếp tục thực hiện chương trình với các khối lớp đã nêu; vừa triển khai mới với lớp 4, 8, 11 và chuẩn bị điều kiện cho 3 lớp cuối cấp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, không chỉ triển khai chương trình mới trên diện rộng, bao phủ 3 cấp học, trong năm học này, hoạt động đổi mới cần đi vào chiều sâu ở từng nội dung giáo dục, từng môn học, hoạt động. Ngành giáo dục cần chuẩn bị nhiều hơn các điều kiện dạy học, giáo viên cần được hỗ trợ hơn nữa về phương pháp, kỹ năng… để bảo đảm có thể đổi mới theo chiều sâu và tăng cường chất lượng giáo dục.
Năm học 2023-2024 cũng là năm triển khai nhiều nhiệm vụ nhằm hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Ngành giáo dục tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục, đào tạo và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; trong đó lưu ý các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển giáo dục và đào tạo.
Về nội dung này, có thể nói đến những công việc quan trọng như tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, qua đó nhìn nhận lại chặng đường đổi mới, đánh giá thực trạng, kết quả đạt được, từ đó đề xuất các định hướng cho chặng đường tiếp theo. Bộ GD-ĐT cũng chuẩn bị xây dựng Luật Nhà giáo để trình Quốc hội vào năm 2024; rà soát để sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học và những văn bản dưới luật có liên quan…