Trong năm 2021, diễn biến giá cả thị trường ngành chăn nuôi trong nước có nhiều biến động, đáng chú ý giá thức ăn chăn nuôi và giá bán gia súc diễn biến trái ngược.
Giá bán gia súc gia cầm giảm
Từ cuối năm 2020 đến nửa đầu năm 2021, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước đã tăng trung bình từ 5-6 đợt với mức tăng 200-300 đồng/kg/lần. Trong các tháng cuối năm, các doanh nghiệp lớn sản xuất thức ăn nuôi đều tiếp tục tăng giá bán, khiến cho chỉ số giá thức ăn chăn nuôi quý 3 tăng đến 8,95% và lũy kế 9 tháng tăng 5,98% so với năm trước.
Theo Ths Dương Hoàng Lan Chi (Viện Chiến lược và chính sách tài chính), nguyên nhân khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng nhanh là ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, từ đó chịu tác động trực tiếp của diễn biến giá nguyên liệu thế giới. Trong bối cảnh đó, giá nguyên liệu thế giới đều có mức tăng đáng kể so năm trước.
Cũng theo bà Chi, chi phí cho thức ăn chăn nuôi thông thường chiếm khoảng 70-80% trong giá thành sản xuất, nên khi giá thức ăn chăn nuôi biến động nhiều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất và lợi nhuận của người chăn nuôi.
Đáng chú ý, trong thời gian vừa qua, khi giá thức ăn chăn nuôi và giá bán gia súc, gia cầm lại có xu hướng diễn biến trái ngược nhau.
Cụ thể, trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng thì giá gia súc, gia cầm lại giảm, dẫn đến tình trạng chăn nuôi thua lỗ, đặc biệt là các gia trại nhỏ lẻ, người nuôi không muốn tái đàn, gián đoạn chuỗi sản xuất và tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt nguồn cung sản phẩm chăn nuôi trong thời gian tới.
Ví dụ, giá thịt lợn hơi liên tục giảm mạnh, từ mức 77.000-81.500 đồng/kg trong các tháng đầu năm xuống còn dưới 50.000 đồng/kg trong 3 tháng cuối năm, tương đương mức giảm khoảng 40-50% và diễn biến giá heo thịt khá tương đồng trên cả nước. Trong khi đó, giá thành sản xuất nếu chăn nuôi theo chuỗi từ nuôi lợn nái đến nuôi lợn thịt giá thành khoảng 45.000- 50.000 đồng/kg. Như vậy người nuôi sẽ không có lãi, thậm chí thua lỗ.
Bà Lan Chi cho hay nguyên nhân của tình trạng giảm giá là nguồn cung tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 12.2021 tăng khoảng 3% so với cùng thời điểm năm 2020; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm tăng 3,6% so với năm 2020, tăng 13,9% so với kế hoạch.
Ngoài ra, trong 10 tháng đầu năm 2021, khối lượng nhập khẩu thịt lợn đông lạnh và lợn sống đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, lần lượt là 300% và 50%, dẫn đến tổng cung nội địa tăng cao.
Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn tiếp tục tăng
Chuyên gia Lan Chi dự báo giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục đà tăng do nguy cơ hạn hán kéo dài ở những quốc gia sản xuất nông sản chính trên thế giới. Một số nước như Mỹ cũng đã dự báo giá ngô, đậu nành vẫn sẽ tăng cao.
Ngoài ra, chuỗi cung ứng toàn cầu chưa thế phục hồi hoàn toàn do những khó khăn trong hoạt động vận chuyển hàng hóa khi diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng mới.
Về tình hình trong nước, theo bà Chi, một số dịch bệnh của ngành chăn nuôi còn chưa chấm dứt ở một số địa phương và nguy cơ thiếu hụt gia cầm, cụ thể là gà thịt trong các tháng đầu năm do khả năng tái đàn thấp.
Chưa kể, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới trong bối cảnh thực hiện hiệp định thương mại tự do cũng phải đối mặt với việc cạnh tranh ngày càng lớn về giá, về chất lượng sản phẩm trước bối cảnh sản phẩm chăn nuôi của Mỹ và châu Âu xuất vào thị trường Việt Nam.
Cũng theo bà Chi, đại dịch cũng ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa trong nước, dẫn đến ngành chăn nuôi vẫn sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù vậy, bà Chi cho rằng vẫn có những dấu hiệu khả quan như những chính sách hỗ trợ của Chính phủ giúp giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi nói riêng.
Đồng thời, các chính sách ứng phó với đại dịch cũng giúp cho ngành chăn nuôi, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi có nhiều triển vọng phục hồi, theo định hướng phát triển, năm 2022, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng khoảng 5,5-6%; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi 22,5 triệu tấn.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report về triển vọng của ngành thức ăn chăn nuôi trong năm 2022, có khoảng 57,1% doanh nghiệp đánh giá tăng trưởng khả quan, tốt hơn năm trước, 14,29% đánh giá duy trì tốc độ tăng trưởng như năm trước.
Cũng theo chuyên gia Lan Chi, nhu cầu của người dân thường sẽ tăng trong thời gian trước Tết Nguyên đán và các hoạt động kinh tế-xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, có thể là dấu hiệu khả quan làm động lực tăng giá sản phẩm chăn nuôi trong thời gian tới.
Cần chủ động nguồn nguyên liệu
Bà Lan Chi cũng đề xuất ngành chăn nuôi trong nước cần chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn; tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước có thể thay thế nguồn nhập khẩu; theo dõi sát diễn biến về thị trường sản phẩm chăn nuôi, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới, để từ đó thay đổi kịp thời, linh hoạt các biện pháp ứng phó.
Song song với đó, cần hoàn thiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nâng cao năng lực hệ thống logistics, cải thiện chuỗi cung ứng cho sản phẩm chăn nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ chế biến sản phẩm chăn nuôi… nhằm giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, từ đó giảm giá thành sản xuất, bảo đảm nguồn cung, ổn định sản xuất trong nước.
Đồng thời, bà Chi cũng cho rằng cần khuyến khích các hộ chăn nuôi tăng cường xây dựng liên kết thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác... để tiếp cận vào chuỗi của các doanh nghiệp, chủ động tiêu thụ sản phẩm và cân đối cung - cầu. Lý do là chỉ có các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, cung cấp các kênh phân phối như siêu thị, hệ thống cửa hàng bán lẻ hiện đại mới có thể đảm bảo sản lượng tiêu thụ, cũng như ổn định giá bán.
Một giải pháp nữa là nâng cao vai trò của các hợp tác xã trong liên kết với nhà cung cấp để có thể thương lượng mức giá ưu đãi, chiết khấu với số lượng lớn cho các thành viên; khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi có tổ chức theo quy mô trang trại nhằm tạo động lực thúc đẩy cơ hội tăng trưởng thị trường thức ăn chăn nuôi trong những năm tới.