Giá vàng SJC trong nước ngày hôm nay (22.2) đã quay đầu giảm xuống còn 66 - 67 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng trong nước đang có xu hướng giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày hôm nay (22.2), cụ thể giảm từ 50.000 - 100.000 đồng/lượng, đưa giá vàng SJC về mức 66 - 67 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 66,20 - 67,00 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với phiên giao dịch trước. Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,25 - 67,10 triệu đồng/lượng, giữ nguyên so với chốt phiên gần nhất.
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được giao dịch ở mức 66,26 - 67,00 triệu đồng/lượng. Giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá 2 chiều 53,62 - 54,47 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng thế giới rạng sáng nay cũng đảo chiều giảm nhẹ. Giá vàng giao ngay giảm 6,5 USD xuống còn 1.834,5 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.842,5 USD/ounce, giảm 7,7 USD so với rạng sáng ngày trước đó.
Giá vàng thế giới hiện đang chịu áp lực giảm khi đồng USD và lợi tức trái phiếu tăng trong bối cảnh lãi suất chuẩn của Mỹ được dự báo sẽ cao hơn so với kỳ vọng. Đại diện Standard Chartered dự báo lãi suất chuẩn của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đạt đỉnh 5,25% trong năm 2023, cao hơn so với mức dự báo 4,75% trước đó.
Điều này đồng nghĩa với việc đồng USD được dự báo sẽ tăng giá. Theo đó, nhiều khả năng cơ quan này sẽ tăng lãi suất thêm 1-2 lần nữa trong cuộc họp tháng 3 và tháng 5. Sau đó sẽ ngừng lại và nước Mỹ bước vào một chu kỳ giảm lãi suất kéo dài. Đây là yếu tố có lợi đối với vàng. Trước xu hướng giảm của thế giới, giá vàng trong nước được dự đoán sẽ sớm rời xa mốc 67 triệu đồng/lượng trong thời gian tới.
Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, giá vàng thế giới đang ở mức khoảng 52,58 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng của SJC vẫn đang cao hơn giá vàng quốc tế khoảng 14,42 triệu đồng/lượng.
Nguyên nhân khiến giá vàng trong nước gần như luôn cao hơn giá vàng thế giới được các chuyên gia kinh tế lý giải là xuất phát từ Nghị định số 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2012. Theo nghị định này, vàng miếng do Nhà nước độc quyền sản xuất; Ngân hàng Nhà nước là đơn vị được Chính phủ giao cho tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Từ thời điểm thực hiện nghị định này, các giấy phép được cấp để sản xuất vàng miếng, cả giấy phép được cấp cho công ty SJC đã không còn hiệu lực.
Tuy nhiên, do vàng miếng SJC là thương hiệu có uy tín, chất lượng, chiếm tới 95% thị trường vàng miếng, đồng thời để tiết kiệm chi phí sản xuất và tránh xáo trộn cho hoạt động kinh doanh sản xuất vàng, Ngân hàng Nhà nước đã chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia. Điều này khiến giá vàng miếng SJC luôn có giá trị hơn các loại vàng khác. Không những vậy, người dân cũng có tâm lý ưa chuộng giao dịch bằng vàng miếng SJC hơn các loại vàng khác.
Nghị định số 24 cũng quy định chỉ có Nhà nước mới được xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Điều 14 nghị định nêu rõ, căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung - cầu vàng trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp. Vì vậy, giá vàng trong nước, đặc biệt là giá vàng miếng SJC luôn cao hơn giá vàng thế giới.
Việc chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới sẽ khiến cho người mua chịu thiệt thòi vì họ không dám bỏ tiền đầu tư vàng vào thời điểm này. Theo đó, các nhà đầu tư luôn mong rằng sẽ có giải pháp để giá vàng trong nước liên thông, tiệm cận với quốc tế. Như vậy, quyết định đổ tiền đầu tư vào mặt hàng kim loại quý này sẽ an toàn và có lợi hơn với các nhà đầu tư.