Việc bổ nhiệm Ri làm Đại sứ tại Bắc Kinh phản ánh mức độ ưu tiên của Triều Tiên trong việc nối lại thương mại với Trung Quốc.
Triều Tiên gần đây đã bổ nhiệm một cựu Bộ trưởng Thương mại làm đại sứ mới tại Trung Quốc. Tân đại sứ được giao sứ mệnh quan trọng là khôi phục thương mại với đồng minh thân cận nhất của Bình Nhưỡng trong bối cảnh thảm họa COVID-19 ngày càng trầm trọng.
Ri Ryong-nam, 61 tuổi, kế nhiệm Ji Jae-ryong, 79 tuổi, người từng là đặc phái viên hàng đầu của Triều Tiên tại Bắc Kinh từ năm 2010. Việc bổ nhiệm của ông Ri diễn ra sau cuộc cải tổ Nội các gần đây nhằm phục hồi nền kinh tế Triều Tiên theo kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm mới được công bố vào tháng trước. Việc một quan chức kinh tế trở thành đại sứ ở được coi là rất bất thường ở Triều Tiên.
Ri từng là Bộ trưởng Thương mại từ năm 2008 đến năm 2016, trong thời gian đó Bộ Thương mại Triều Tiên được gọi là Bộ Ngoại thương. Cho đến gần đây, ông được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng phụ trách ngoại thương. Ông cũng là cháu trai của Ri Myong-su, cựu Tổng tư lệnh quân đội và là phụ tá thân cận của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Đại sứ mới là một gương mặt quen thuộc với nhiều người ở Hàn Quốc. Trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều ở Bình Nhưỡng năm 2018, ông đã gặp gỡ 17 lãnh đạo “chaebol” (tập đoàn kinh tế), trong đó có Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong, để thảo luận về các dự án hợp tác kinh doanh.
“Ri có thể có ít kinh nghiệm về đối ngoại nhưng được đánh giá cao trong việc phát triển thương mại với Trung Quốc”, Hong Min, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất Quốc gia Triều Tiên nhận định. Hong Min cũng cho biết việc bổ nhiệm Ri làm đặc phái viên hàng đầu phản ánh mức độ ưu tiên của Triều Tiên trong việc nối lại thương mại với Trung Quốc.
Hong nói thêm rằng Ri tự hào có mối quan hệ rộng rãi với các quan chức kinh tế ở Trung Quốc. Hong nói: “Ông ấy có thể liên lạc với chính quyền Trung Quốc trực tiếp hơn, nhanh chóng hơn”.
Đại dịch coronavirus đang gây thiệt hại cho nền kinh tế Triều Tiên, vốn đã gặp khó khăn các lệnh trừng phạt và cấm vận của quốc tế. Với biên giới bị phong tỏa để ngăn chặn vi rút, thương mại với Trung Quốc - chiếm 95% tổng kim ngạch thương mại của quốc gia – còn bị thu hẹp hơn nữa.
Trong năm qua, thương mại của Triều Tiên với Trung Quốc giảm mạnh đến 80,7% xuống còn 540 triệu USD, theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế của Hàn Quốc (KITA) có trụ sở tại Seoul. Đó là một sự sụt giảm mạnh hơn cả so với năm 2017, khi các lệnh trừng phạt quốc tế cứng rắn được áp dụng như hình phạt cho Triều Tiên sau các vụ thử vũ khí hạt nhân. Vào thời điểm đó, thương mại giữa hai nước đã sụt giảm 51,6%.
Không có dấu hiệu phục hồi ngay lập tức trong thương mại với Trung Quốc, KITA dự đoán rằng giao dịch thương mại giữa hai nước chỉ có thể tiếp tục đối với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và thuốc
Chuyên gia Hong Min cũng cho biết việc bổ nhiệm một đại sứ mới tại Trung Quốc cũng phần nào cho thấy việc Triều Tiên đang chờ mở lại biên giới, mặc dù việc đó có thể sẽ diễn ra theo từng giai đoạn.
“Trong thời gian đóng cửa biên giới, Triều Tiên đã có khoảng 1,99 triệu liều vắc-xin, và còn sẽ có nhiều hơn nữa sẽ do Trung Quốc hoặc Nga cung cấp. Trong khi các quốc gia trên thế giới đang phấn đấu để đạt được miễn dịch cộng đồng vào nửa đầu năm nay, Triều Tiên cũng có khả năng giảm bớt các biện pháp kiểm dịch trong những tháng tới, để mở lại biên giới với Trung Quốc”, ông nói.
Trong khi đó, Bắc Kinh mới tuyên bố thay thế đại sứ Bình Nhưỡng sau 6 năm. Wang Yajun, 51 tuổi, một quan chức cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc, người từng là Phó trưởng ban đối ngoại của Ủy ban Trung ương của đảng, sẽ nhậm chức. Xét về phép lịch sự ngoại giao, hai nước láng giềng rất có thể đã thảo luận về việc thay thế đại sứ của họ trước khi có thông báo chính thức.