Thái Lan đã đưa chương trình giáo dục giới tính vào giảng dạy từ cách đây 4 thập kỷ.

Giáo dục giới tính sớm kiểu Thái Lan: Tỷ lệ trẻ vị thành viên mang thai hàng đầu ASEAN

Tú Viên | 10/02/2021, 09:10

Thái Lan đã đưa chương trình giáo dục giới tính vào giảng dạy từ cách đây 4 thập kỷ.

Sau kỳ trước nói về giáo dục giới tính ở Campuchia, PV sẽ đề cập đến vấn đề này ở Thái Lan qua báo cáo từ một chương trình nghiên cứu do UNICEF hỗ trợ.

Thái Lan đã đưa chương trình giáo dục giới tính vào giảng dạy từ cách đây 4 thập kỷ. Tuy nhiên, chương trình giáo dục đó bị đánh giá nửa vời và không mang lại hiệu quả như kỳ vọng vì những định kiến của chính người Thái về chuyện tình dục.

Theo đánh giá của UNICEF năm 2016, dẫu chương trình Giáo dục Tình dục Toàn diện (CSE) đang được giảng dạy ở hầu hết các trường trung học ở Thái Lan nhưng cần có nhiều thời gian giảng dạy hơn và phải đào tạo giáo viên tốt hơn để xây dựng kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh trong quyền làm chủ cảm xúc của mình. Nghiên cứu do UNICEF hỗ trợ cho thấy rằng các chủ đề quan trọng như quyền tình dục, bình đẳng, đa dạng giới, tôn trọng người khác thường bị bỏ qua khi giảng dạy theo CSE. Điều này khiến nhiều học sinh có thái độ lệch lạc đến vai trò giới, quyền tình dục và bạo lực gia đình.

Việc giảng dạy ở Thái Lan thường chỉ tập trung vào việc cung cấp thông tin một chiều, phớt lờ đào tạo tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp và đàm phán. Đó là những kỹ năng quan trọng để thanh thiếu niên làm chủ bản dạng giới tính và đời sống tình dục của họ.

“Đánh giá Thái Lan về việc Thực hiện Giáo dục Tình dục Toàn diện” do UNICEF hỗ trợ đã thu thập dữ liệu từ 8.837 học sinh, 692 giáo viên ở 398 trường trung học và dạy nghề trên toàn quốc từ tháng 9.2015 đến 3.2016.

gdgt.4.jpg

Giáo dục giới tính cần phổ biến cho học sinh ở mọi cấp học, với các kiến thức thích hợp với nền văn hóa và sự phát triển của các em-Ảnh: P.V

Valerie Taton, Phó đại diện UNICEF tại Thái Lan, cho biết: “Việc hầu hết các trường học ở Thái Lan đang thực hiện chương trình CSE là tin tuyệt vời. Song thực tế đáng lo ngại là rất nhiều học sinh vẫn chưa có kỹ năng phản biện để giúp họ định hướng về giới tính và cuộc sống tình dục. Chúng ta biết rằng để giảm hiệu quả tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên ở Thái Lan cũng như tỷ lệ cao mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở thanh thiếu niên, cần trang bị cho các em những kỹ năng quan trọng này, đồng thời giúp các em chủ động và tự tin để thực hiện quyết định tốt về giới tính và đời sống tình dục của họ”.

Nghiên cứu cho thấy 41% nam sinh các trường dạy nghề tin rằng chồng có thể đánh đập vợ nếu cô ấy không chung thủy với anh ta. Điều này cho thấy giới trẻ Thái Lan có thái độ sai lệch về giới, tình dục và bạo lực gia đình. Khoảng một nửa số nam sinh từ lớp 7 đến lớp 9 tin rằng quan hệ đồng giới là sai. Đa số học viên không thể trả lời chính xác các câu hỏi về chu kỳ kinh nguyệt, trong khi nhiều nữ sinh đề cập đến việc uống thuốc tránh thai khẩn cấp là biện pháp tránh thai chính của các em và nhiều nam sinh tỏ ra không muốn sử dụng bao cao su. Chỉ 54% nữ sinh ở các trường trung học cho biết các em tự tin rằng mình có thể kiên quyết đòi bạn trai sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục.

Theo nghiên cứu, hầu hết các trường học ở Thái Lan đều không cung cấp chương trình Giáo dục Tình dục Toàn diện theo cách thức… toàn diện. Chương trình thường tập trung hẹp vào các chủ đề sinh học, lảng tránh việc giảng dạy về quan hệ tình dục trước hôn nhân, hoặc phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn. Nghiên cứu cũng lưu ý rằng hơn một nửa số giáo viên không được đào tạo cụ thể về cách dạy CSE, dẫn đến việc họ phụ thuộc nhiều vào phương pháp dựa trên bài giảng “cổ điển”. Điều đó dẫn tới không hiệu quả trong việc cho phép học sinh tìm hiểu và thảo luận về các chủ đề tình dục và giới tính vốn rất phức tạp.

Nghiên cứu khuyến nghị rằng hiện nay cần nỗ lực để đảm bảo rằng Giáo dục Tình dục Toàn diện cần được giảng dạy một cách thực sự toàn diện, triển khai tất cả chủ đề trong chương trình giảng dạy CSE, đặc biệt là việc thúc đẩy tư duy phản biện về giới và tình dục. Nghiên cứu cũng khuyến nghị mọi trường học phân bổ thời gian đầy đủ trong thời khóa biểu và mọi giáo viên đều được đào tạo đầy đủ về việc giảng dạy CSE.

Theo Điều tra Cụm nhiều Chỉ số năm 2016 do Văn phòng Thống kê Quốc gia Thái Lan thực hiện với sự hỗ trợ của UNICEF, tỷ lệ sinh của nữ vị thành niên 15-19 tuổi là 51 lần sinh/1.000 phụ nữ, một trong những tỷ lệ cao nhất trong khu vực ASEAN. Phân tích tình hình thanh thiếu niên có nguy cơ cao bị phơi nhiễm với HIV ở Thái Lan, do UNICEF hỗ trợ và công bố năm 2014, cho thấy 70% trường hợp bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) xảy ra ở thanh niên từ 15-24 tuổi.

Một thông báo của Cục Kiểm soát Dịch bệnh hồi 2016 đã cảnh báo về sự gia tăng lớn các ca nhiễm bệnh giang mai, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên. Nó cho thấy sự gia tăng của quan hệ tình dục không an toàn với nguy cơ mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác, gồm cả HIV. Theo dữ liệu của UNICEF, tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên ở Thái Lan đã tăng 54% từ năm 2000 đến 2014.

Thái Lan phải thay đổi

Sau điều tra của UNICEF được công bố hồi 2016, Thái Lan lập tức đã có phản ứng bằng việc tiến hành sửa đổi sách giáo khoa về sức khỏe và giáo dục thể chất cho lớp 1-12.

Chương trình giảng dạy mới có sự thể hiện tích cực, đa dạng của khuynh hướng tình dục và bản dạng giới cũng như các quyền, sức khỏe tình dục và sinh sản, nhằm giải quyết các lề lối lạc hậu và định kiến giới. Mục tiêu là xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử, bao gồm bạo lực học đường, bắt nạt dựa trên khuynh hướng tình dục và nhận dạng hoặc biểu hiện giới tính. Tuy nhiên, để nói chương trình giảng dạy như vậy đã toàn diện chưa thì có lẽ vẫn cần nhiều thời gian.

Bài liên quan
Lễ trao Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2024
Sáng 16.11, Lễ trao Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2024 đã được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục giới tính sớm kiểu Thái Lan: Tỷ lệ trẻ vị thành viên mang thai hàng đầu ASEAN