Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương chỉ đạo EVN xây dựng phương án giá điện và đề xuất thời điểm điều chỉnh phù hợp.

Giao EVN xây dựng phương án điều chỉnh giá điện

Tuyết Nhung | 25/08/2023, 08:11

Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương chỉ đạo EVN xây dựng phương án giá điện và đề xuất thời điểm điều chỉnh phù hợp.

Văn phòng Chính phủ ngày 24.8 đã ban hành thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về định hướng công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023.

gia-dien.jpg
Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương chỉ đạo EVN xây dựng phương án giá điện và đề xuất thời điểm điều chỉnh phù hợp - Ảnh: IT

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8; sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9.

Đặc biệt, bộ cần chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng phương án điều chỉnh giá điện. Phương án và thời điểm đề xuất điều chỉnh giá điện được lưu ý hạn chế ảnh hưởng với phục hồi, phát triển kinh tế. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần triệt để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Giá điện bán lẻ bình quân tăng 3% từ ngày 4.5, lên 1.920,37 đồng một kWh, sau gần 4 năm kìm giữ. Song mức này chỉ bằng một phần ba so với mức tăng 9,27% giá thành sản xuất điện năm 2022 (2.032,26 đồng). Tài chính của EVN vẫn chưa cải thiện sau đợt tăng giá này.

Cuối tháng trước, EVN từng đề cập muốn sớm được tăng tiếp giá điện do tình hình tài chính chưa cải thiện sau đợt tăng giá cách đây 3 tháng. Năm ngoái tập đoàn này ghi nhận lỗ hơn 26.000 tỉ đồng do giá nhiên liệu (than, dầu, khí) tăng vọt, trong khi giá bán chưa được điều chỉnh kịp thời.

Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đang được thực hiện theo Quyết định 24/2017, trong đó thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Như vậy, nếu được đồng ý, đợt tăng giá tiếp theo có thể sẽ vào cuối năm nay.

Mới đây, góp ý về dự thảo quyết định thay thế quyết định 24 của Thủ tướng, EVN cũng đồng ý với phương án 3 tháng điều chỉnh giá điện/lần. Cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân sẽ có tăng, có giảm với biên độ được quy định rõ ràng.

Cụ thể, trường hợp giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN sẽ giảm giá bán ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.

Trường hợp tăng giá sẽ được áp dụng khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên. Tuy nhiên, thẩm quyền điều chỉnh tăng giá sẽ căn cứ vào mức độ tăng của giá bán điện bình quân.

Nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN sẽ được quyền điều chỉnh tăng ở mức tương ứng. Sau khi tăng, EVN sẽ lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.

Nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Bộ Công Thương sẽ có thẩm quyền quyết định khi nhận đủ hồ sơ phương án giá của EVN.

Còn với trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc điều chỉnh ngoài khung giá quy định, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.

Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.

Ngoài ra, EVN cũng thống nhất với các quy định liên quan đến việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện hằng năm. Cụ thể, dự thảo nêu rõ EVN có trách nhiệm gửi Bộ Công Thương báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán; báo cáo tài chính của EVN và các đơn vị thành viên đã được kiểm toán độc lập, công bố công khai.

Tuy nhiên, một trong những quy định được EVN đề xuất sửa đổi khác với phương án của Bộ Công Thương là phương pháp lập giá bán điện bình quân.

Tại dự thảo, Bộ Công Thương quy định giá bán lẻ điện bình quân năm được lập trên cơ sở chi phí của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành, chi phí khác được phân bổ và chỉ bao gồm những chi phí phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, cung ứng điện, lợi nhuận định mức của EVN để đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện.

Tuy nhiên, trong bản dự thảo được hiệu chỉnh, EVN đề xuất sửa đổi chi phí khâu “truyền tải điện” là chi phí “mua các dịch vụ truyền tải điện”; bổ sung thêm chi phí “điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực”.

Trên cơ sở đó, trong tổ chức thực hiện EVN đề nghị Bộ Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn EVN việc tính toán giá bán điện bình quân và các thành phần chi phí như đã nêu trên.

Bài liên quan
Giá điện tăng, người dân lo lắng 'túi tiền' hao hụt mạnh
Mùa nắng nóng đã đến, người dân lo lắng khi giá điện tăng kéo chi phí sinh hoạt tăng mạnh. Còn doanh nghiệp lo giá điện tăng sẽ kéo theo nhiều chi phí đầu vào.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giao EVN xây dựng phương án điều chỉnh giá điện