Chuyên gia từ đại học Baylor, đại học Texas và Trung tâm máu New York đang hợp tác với các đồng nghiệp tại đại học Phúc Đán trong dự án phát triển vắc xin ngừa chủng vi rút gây bệnh viêm phổi lạ đang bùng phát hiện tại.
Trưởng khoa Y học nhiệt đới từ đại học Baylor Peter Hotez cho biết: “Phát triển vắc xin không phải quá trình nhanh chóng và cũng chẳng rõ chúng ta có thể có vắc xin trước khi dịch bệnh kết thúc hay không”.
Ngoài bốn đơn vị trên, Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) cũng đã bắt đầu phát triển. Họ hy vọng sớm ra mắt vắc xin cho giai đoạn thử nghiệm trên người vào ba tháng tới.
Bệnh viêm phổi bí ẩn bùng phát tại Vũ Hán từ tháng 12.2019, đội ngũ chuyên gia Trung Quốc tìm ra nguyên nhân gây bệnh là chủng vi rút mới cùng họ với vi rút hội chứng hô hấp cấp (SARS).
Tính đến ngày 24.1 có tổng cộng hơn 900 ca nhiễm cùng 26 trường hợp tử vong. Mỹ phát hiện một bệnh nhân.
Giới chức Trung Quốc quyết định phong tỏa 8 thành phố trên địa bàn tỉnh Hồ Bắc – gồm cả nơi bùng phát Vũ Hán – nhằm kiểm soát dịch.
Lực lượng quân y vừa được huy động giúp đỡ đội ngũ y tế dân sự. Chính quyền Vũ Hán gấp rút xây dựng một bệnh viện dã chiến 1.000 giường ở ngoại ô thành phố để làm cơ sở cách ly và điều trị.
Dù nhất trí vi rút viêm phổi lạ lây từ động vật sang người, nhưng giới khoa học vẫn còn bất đồng trong xác định vật lây nhiễm: có ý kiến cho là rắn, có nghiên cứu lại chỉ ra rằng là dơi.
Mức độ nghiêm trọng của dịch cũng gây tranh cãi vì chưa hiểu rõ về vi rút. Giáo sư Guan Yi thuộc đại học Hồng Kông dự đoán quy mô lây nhiễm có nguy cơ lớn gấp 10 lần dịch SARS.
Cẩm Bình (theo SCMP)