Tình trạng thiếu giáo viên cấp học mầm non, công lập diễn ra ở nhiều nơi. Hà Nội thiếu nhiều nhất. Vậy giải pháp nào khắc phục tình trạng này?
Đó là vấn đề nóng nhất tại phiên họp giải trình do Thường trực HĐND TP.Hà Nội tổ chức chiều 17.10. Giải trình về nội dung liên quan đến thực trạng bất cập số lượng (thiếu giáo viên, nhân viên), cơ cấu giáo viên (thiếu giáo viên các môn học mới), những hạn chế, khó khăn và giải pháp khắc phục, Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu cho biết tình trạng biên chế, thiếu giáo viên là chuyện xảy ra đã nhiều năm, là vấn đề bức xúc của các cơ quan, đơn vị, Sở Nội vụ đã tham mưu nhiều giải pháp.
Theo đó, cùng với các giải pháp đang triển khai, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND TP phân cấp cho các quận huyện chủ động tuyển dụng giáo viên; cân đối biên chế viên chức để ưu tiên cho giáo dục. Cụ thể là giai đoạn 2017-2021, thành phố không cắt giảm biên chế giáo dục mà còn tăng thêm khi thêm trường thêm lớp; từ năm học 2022-2023 không cân đối được mới phải cắt giảm 2%.
Theo bà Liễu, trước khó khăn về tình trạng thiếu giáo viên, sở đã tham mưu cho HĐND TP ban hành Nghị quyết số 18/NQ-HĐND về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, các đơn vị tự chủ dưới 10% thì được ký 70% hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế thiếu do định mức tăng. Các đơn vị tự chủ trên 70%, chủ động ký hợp đồng lao động tùy nguồn thu. Cơ chế này đã tháo gỡ được một số khó khăn cho các đơn vị.
Cùng với đó, Sở Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo đề xuất giải pháp nâng mức tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Năm 2023 vừa qua, Sở Giáo dục - Đào tạo và Sở Tài chính tham mưu cho UBND TP trình HĐND TP để ban hành Nghị quyết 02/2023/NQ-HĐND quy định giá dịch vụ giáo dục tạm thời nhằm thực hiện thí điểm đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập sử dụng ngân sách nhà nước của TP.Hà Nội, tiến tới thí điểm với các cơ sở giáo dục.
Đến nay, có 296 đơn vị đăng ký thí điểm năm học 2023-2024, trong đó có 118 trường thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo, 178 trường thuộc quận, huyện, thị xã. Theo cơ chế này, khi rà soát biên chế năm 2023, các đơn vị sẽ nâng mức tự chủ. Năm 2024 các đơn vị sẽ tự chủ chi thường xuyên, khi đó gần 15.000 người sẽ chuyển hưởng lương từ ngân sách nhà nước sang tự chủ. 15 nghìn biên chế này sẽ cân đối chỉ tiêu thiếu của các cơ sở và đảm bảo được chỉ tiêu của năm. Sau thí điểm, nếu được triển khai chính thức, đơn giá được triển khai diện rộng thì giải pháp này sẽ được thực hiện căn cơ và giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu giáo viên.
Giải pháp tiếp theo là cho các quận, huyện, thị xã tiếp tục được tuyển dụng giáo viên. Với một số môn học không tuyển được hoặc giáo viên chưa đạt chuẩn thì đề nghị UBND TP đặt hàng cử nhân sư phạm theo Nghị định 16/2020 của Chính phủ.
Liên quan đến việc trang thiết bị tối thiểu còn thiếu, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết ngân sách dành cho giáo dục chiếm 32,8% tổng chi ngân sách TP, so với trung ương là ở mức độ rất cao.
Chỉ ra 3 nguyên nhân mua sắm chậm so với kế hoạch và nhu cầu thực tế, Giám đốc Sở Tài chính cho biết hiện thông tư của Bộ Giáo dục - Đào tạo không đồng thời giữa các cấp học; trang thiết bị tối thiểu áp dụng đồng đều trong cả nước, trong khi mong muốn của phụ huynh và học sinh ở Hà Nội cao hơn; quy trình mua sắm còn khó khăn do thủ tục và thẩm quyền của các trường. Khi giao cho các trường mua sắm thì giáo viên không thông thạo các quy trình dẫn đến khó khăn, vì vậy chưa đạt được lộ trình.
Trên cơ sở đó, Sở Tài chính đang đưa ra giải pháp khắc phục là kiến nghị cho Hà Nội ban hành quy định danh mục mua sắm trang thiết bị giáo dục riêng, có tính chất dài hạn hơn danh mục mà Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định. Nếu được chấp thuận, TP sẽ rà soát đầu tư, ban hành danh mục đồng bộ để có mặt bằng chung về trang thiết bị cho các trường, các khối học... Với giải pháp này thì kết thúc nhiệm kỳ giai đoạn 2021-2025 TP sẽ đạt mục tiêu.