Sáng 17.8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin 17 người nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca bệnh từ 29.4 đến nay lên 2.265 người.
17 trường hợp nhiễm COVID-19 mới có 3 ca tại cộng đồng và 14 ca tại khu cách ly được phân bố ở 6 quận, huyện Thường Tín (11), Thanh Trì (2), Đống Đa (1), Hai Bà Trưng (1), Nam Từ Liêm (1), Hà Đông (1). Như vậy, tính từ ngày 29.4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.265 trường hợp dương tính COVID-19, trong đó số ca ngoài cộng đồng là 1.224, số ca được cách ly là 1.041.
Cũng trong ngày 17.8, Bộ Y tế đã có "Hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị" để các doanh nghiệp vẫn có thể thực hiện "nhiệm vụ kép", phát triển kinh tế và vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Trong hướng dẫn do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị phải chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc COVID-19 (F0), nghi ngờ mắc COVID-19, tiếp xúc gần (F1), tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) tại cơ quan, đơn vị - đảm bảo an toàn và thực hiện mục tiêu kép; hạn chế tác động của dịch bệnh đến hoạt động của cơ quan/ đơn vị.
Các cơ quan, đơn vị phải xác định nhiệm vụ phòng, chống COVID-19 là trọng tâm, cấp bách và thường xuyên. Thực hiện nguyên tắc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại đơn vị. Chủ động phương án hậu cần, cách ly, xét nghiệm, điều trị để ứng phó kịp thời, khẩn trương, hiệu quả theo nguyên tắc 4 tại chỗ.
Xây dựng Kế hoạch và các phương án phòng, chống dịch COVID-19 của đơn vị phải bao gồm sơ đồ và bố trí phân luồng di chuyển trong đơn vị khi xuất hiện các trường hợp F0, F1, F2 và trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Quản lý người lao động về các thông tin gồm họ tên, năm sinh, số CMND/CCCD/hộ chiếu, địa chỉ nơi ở, địa chỉ nơi trọ, số điện thoại; yêu cầu người lao động thông báo khi có tiếp xúc với các trường hợp F0 hoặc F1.
Trường hợp người lao động của đơn vị làm việc và lưu trú ở những địa phương khác nhau, thủ trưởng đơn vị phải có trách nhiệm thông báo cho Sở Y tế/Trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh của các địa phương liên quan để quản lý và theo dõi y tế đối với người lao động.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các đơn vị phải tạo mã QR điểm kiểm dịch để thực hiện quản lý người ra vào đơn vị và khai báo y tế theo quy định tại Quyết định số 2666/QĐ-BYT ngày 29.5.2021 của Bộ Y tế.
Bố trí phòng/khu vực cách ly tạm thời cho người lao động/khách có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở... hoặc F0, hoặc F1, hoặc F2 khi đang làm việc tại đơn vị. Phòng cách ly phải đảm bảo các yêu cầu bố trí tại khu vực riêng, gần cổng ra vào, tách biệt với khu làm việc (nếu có thể).
Bộ Y tế cũng hướng dẫn cần lắp đặt camera tại các khu vực công cộng có nguy cơ (trừ các khu vực nhà tắm, vệ sinh, khu vực thay đồ ...), đặc biệt là khu vực quét mã QR điểm kiểm dịch để theo dõi, giám sát và nhắc nhở tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.
Về quản lý người lao động có nguy cơ, đi công tác, đặc biệt các trường hợp đi, đến, về từ khu vực có dịch; thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho người lao động, Bộ Y tế hướng dẫn.
Đối với người lao động có nguy cơ (bộ phận lễ tân, làm việc với khách hằng ngày...) thực hiện xét nghiệm COVID-19 sàng lọc bằng Test kháng nguyên nhanh hoặc phương pháp RT-PCR hằng tuần ít nhất cho 20% người lao động.
Đối với người lao động đi công tác, đặc biệt các trường hợp đi, đến, về từ khu vực có dịch: thực hiện xét nghiệm COVID-19 bằng test nhanh kháng nguyên hoặc phương pháp RT-PCR trước và sau khi đi công tác trong vòng 03 ngày (72 giờ) tính đến thời điểm đi công tác hoặc quay lại đơn vị hoặc theo các quy định khác của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.