Hơn 100 hộ dân ở xã Kỳ Tây và Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) ký hợp đồng liên kết trồng cây sả dược liệu với một công ty ở Thanh Hóa, tuy nhiên đã quá kỳ thu hoạch, cây sả bắt đầu lụi tàn nhưng vẫn không thấy đơn vị cam kết bao tiêu về thu mua.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Hà Tĩnh: Doanh nghiệp thất hứa, hơn 100 hộ dân trồng sả thất thu

Quang Cường 14/12/2023 17:38

Hơn 100 hộ dân ở xã Kỳ Tây và Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) ký hợp đồng liên kết trồng cây sả dược liệu với một công ty ở Thanh Hóa, tuy nhiên đã quá kỳ thu hoạch, cây sả bắt đầu lụi tàn nhưng vẫn không thấy đơn vị cam kết bao tiêu về thu mua.

Những ngày gần đây, hơn 100 hộ dân ở hai xã Kỳ Tây và Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) nóng lòng vì cây sả đã quá kỳ thu hoạch, bắt đầu lụi tàn nhưng không có đơn vị thu mua. Điều này sẽ dẫn đến thiệt hại về kinh tế cho những hộ trồng sả.

Theo những người trồng sả tại xã Kỳ Tây, vào cuối năm 2022, Công ty TNHH dược liệu Trương Dương (tỉnh Thanh Hóa) về ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây sả chanh dược liệu với các hộ dân ở đây. Theo cam kết giữa hai bên, người dân mua cây sả giống của Công ty Trương Dương để trồng, đến kỳ thu hoạch thì công ty sẽ thu mua tất cả sản phẩm.

sa-chanh-8.jpg
Vườn sả dược liệu của bà Trần Thị Khoát (thôn Trung Xuân, xã Kỳ Tây) quá kỳ thu hoạch, bắt đầu lụi tàn và chết dần - Ảnh: Quang Cường

Từ tháng 3.2023, các hộ dân ký hợp đồng bắt đầu trồng sả. Sáu tháng sau, cây sả đến kỳ thu hoạch nhưng phía Công ty Trương Dương không về thu mua. Hiện tại, đã qua vụ thu hoạch 3 tháng, cây sả đã quá chu kỳ phát triển, bắt đầu lụi tàn và chết dần, khoảng 80 hộ dân ở xã Kỳ Tây lo lắng vì không thu hồi được vốn, mất công sức chăm sóc.

Bà Trần Thị Khoát (thôn Trung Xuân, xã Kỳ Tây) cho biết: “Gia đình tôi ký hợp đồng trồng sả với Công ty Trương Dương và mua cây giống của họ với giá 14.000 đồng/kg về trồng trên diện tích khoảng 2 sào (1 sào = 1.000m2). Cây sả phát triển tốt cho đến kỳ thu hoạch. Theo tính toán của chúng tôi, khi bán cho công ty theo giá cam kết là 2.800 đồng/kg, chúng tôi sẽ có lợi nhuận cao hơn so với các loại cây khác đã trồng trước đây. Tuy nhiên, đến nay công ty không về thu mua như cam kết bao tiêu nên cây sả bắt đầu lụi tàn và chết dần. Nếu không bán được sớm thì gia đình sẽ thiệt hại về vốn đầu tư và công chăm sóc”.

sa-chanh-7.jpg
Bà Khoát buồn bã khi vườn sả bắt đầu lụi tàn nhưng không thể thu hoạch vì không có người mua - Ảnh: Quang Cường

Bà Hoàng Thị Ái Sa, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Tây cho biết, toàn xã có hơn 80 hộ ký hợp đồng trồng sả dược liệu với Công ty Trương Dương, mỗi hộ trồng từ 1 - 2 sào.

Sau khi bà con phản ánh lên UBND xã Kỳ Tây về vấn đề bị doanh nghiệp thất hứa, không thu mua sả như cam kết, xã đã gửi văn bản cho Công ty Trương Dương theo địa chỉ trong hợp đồng, với nội dung yêu cầu họ thực hiện cam kết thu mua sả.

Tuy nhiên, sau đó, xã nhận được điện thoại của nhân viên bưu điện thông báo rằng phía Công ty Trương Dương luôn đóng cửa, không có người nhận thư nên phải chuyển trả lại thư cho bên gửi.

Tương tự xã Kỳ Tây, xã Kỳ Lạc cũng có hàng chục hộ dân ký hợp đồng hợp tác trồng sả dược liệu với Công ty Trương Dương. Hiện toàn xã Kỳ Lạc khoảng 10ha trồng sả đã quá kỳ thu hoạch, người trồng sả cũng “dài cổ” chờ doanh nghiệp bao tiêu về thu mua.

Theo bà Nguyễn Thị Hiên, Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc, địa phương chỉ có chủ trương thống nhất về liên kết với doanh nghiệp, còn về hợp đồng thì phía công ty ký trực tiếp với người dân theo từng tổ hợp tác. Hiện trên địa bàn xã Kỳ Lạc có khoảng 10ha cây sả bao gồm cả diện tích trồng theo hợp đồng và diện tích người dân trồng thêm đều chưa được tiêu thụ.

sa-chanh-1-.jpg
Ông Trần Tương Lai (thôn Hồng Xuân, xã Kỳ Tây) mong muốn chính quyền hỗ trợ người trồng sả tìm kiếm đơn vị thu mua sản phẩm - Ảnh: Quang Cường

Theo người dân trồng sả tại 2 xã nói trên, mỗi hộ đã bỏ ra 2 - 3 triệu đồng để mua cây giống và và phân bón. Ngoài ra, họ cũng tốn rất nhiều công chăm sóc cây sả trong 6 tháng. Hiện tại, cây sả không bán được khiến họ bị thất thu, đất cũng đang “ngâm” cây sả nên không thể trồng cây khác.

Ông Trần Tương Lai (thôn Hồng Xuân, xã Kỳ Tây) nói: “Đối với nông dân ở đây thì số tiền vốn một triệu đồng cũng là tương đối lớn, bây giờ cây sả không bán được khiến chúng tôi phải chịu thiệt thòi. Mong muốn của chúng tôi là chính quyền và các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, hỗ trợ bà con trong việc tìm kiếm đầu ra cho cây sả”.

Để giúp người dân trồng sả thu hồi vốn, UBND xã Kỳ Tây đã liên hệ với một đơn vị chế biến dược liệu ở TP.Hà Tĩnh, nhờ họ mua sả cho bà con. Tuy nhiên, đơn vị này cũng chỉ mua với số lượng không đáng kể. Chưa kể, thời gian này thường xuyên có mưa, người dân lại càng lo lắng cây sả bị thối gốc và lụi tàn nếu không được thu hoạch sớm.

Video những vườn sả tại xã Kỳ Tây sắp lụi tàn vì quá kỳ thu hoạch:

Bài liên quan
50 doanh nghiệp ở Hà Nội tuyển 3.000 người lao động
Ngày hôm nay (12.5), Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Hà Nội đã tổ chức "Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp thủ đô với thị trường lao động năm 2024".

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nông dân An Giang, Đồng Tháp thắng lớn vụ lúa hè - thu
Nông dân An Giang, Đồng Tháp thường sản xuất ba vụ lúa trong năm. Mỗi nơi tùy vào thời điểm nước lũ rút, khả năng điều tiết nước, mật độ sâu rầy, ngành bảo vệ thực vật sẽ cho lịch gieo sạ sớm hoặc trễ hơn. Năm nay, các vùng này xuống giống khoảng 1,4 triệu hecta vụ hè - thu, phần lớn từ tháng 3 nên cho thu hoạch sớm hơn năm trước (chính vụ vào tháng 6-7).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Tĩnh: Doanh nghiệp thất hứa, hơn 100 hộ dân trồng sả thất thu