“Đúng là chuyện hy hữu khó tin nhưng có thật…”, bác sĩ Chuyên khoa 2- Mai Thọ Truyền, Phó giám đốc bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn (Cần Thơ) cho biết.
Cầu viện tuyến trên gắp hàm răng giả đâm thủng ruột già
Mấy ngày nay nhiều người ở bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn (Cần Thơ) bàn tán xôn xao chuyện hy hữu về 1 phụ nữ “nuốt” cả cái hàm răng giả hồi nào hổng biết, để rồi nguyên hàm răng chạy tuốt xuống ruột già, đâm thủng đại tràng. Chiều 2.7, bệnh nhân này vẫn đang được điều trị tại bệnh viện.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Mai Thọ Truyền, Phó giám đốc bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn cho biết: “Khoảng hơn 21 giờ đêm 26.6, tôi được phân công trực lãnh đạo ở bệnh viện thì các bác sĩ khoa Cấp cứu đến báo có bệnh nhân nữ tên Nguyễn Kim Hậu, 52 tuổi, ngụ ấp Thới Bình A, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ nhập viện trong tình trạng bụng đau dữ dội, bụng cứng và cơn đau cứ lan tỏa…
Thấy tình hình nguy cấp nên bệnh viện khẩn trương thực hiện các khâu kiểm tra cần thiết như chụp X-quang bụng, siêu âm, thử máu, cho thở máy… Thoạt đầu các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân này có thể bị viêm phúc mạc nghi do vỡ ruột thừa, có dấu hiệu bị nhiễm trùng và nghi bị đau dạ dày… Sau khi tiến hành hội chẩn, bệnh viện đã trao đổi với người nhà bệnh nhân và đi đến thống nhất phẫu thuật gấp để cấp cứu cho bà Hậu”.
Ca phẫu thuật được tiến hành ngay trong đêm, và khi mổ các bác sĩ kiểm tra dạ dày của bà Hậu vẫn bình thường. Tuy nhiên phát hiện mủ tụ ở phần đại tràng. Thấy dấu hiệu không bình thường nên các phẫu thuật viên tiếp tục kiểm tra và phát hiện một vật nhọn cứng khá lớn đã đâm thủng bộ phận ruột già của bệnh nhân. Đây có thể là nguyên nhân chính gây ra đau bụng cho bà Hậu.
Để đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân và đảm bảo ca phẫu thuật thành công, lãnh đạo bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn đã liên lạc nhờ các bác sĩ chuyên khoa Ngoại của bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ tiếp ứng. Không đầy 30 phút, các bác sĩ tuyến trên đã có mặt tại phòng cấp cứu để phối hợp cùng bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn phẫu thuật cứu bệnh nhân.
Trong quá trình tìm kiếm vật thể nhọn cứng đâm thủng ruột già của bà Hậu, các bác sĩ đã phát hiện ra vật thể ấy chính là nguyên cái hàm răng giả- không biết vì sao mà chạy tuốt xuống để đâm thủng đoạn cuối ruột già của bệnh nhân và gây nhiễm trùng.
Bà Hậu đang điều trị ở bệnh viện
Để giải quyết tình trạng hy hữu này, các bác sĩ tiến hành vệ sinh ổ bụng và gắp nguyên hàm răng giả ra ngoài, may chỗ thủng ruột già lại; đồng thời đưa ruột ra ngoài làm hậu môn nhân tạo, để tránh tình trạng nhiễm trùng cho bệnh nhân…
Nuốt hàm răng lúc nào không hay…
Ca phẫu thuật thành công và hiện nay bệnh nhân Nguyễn Kim Hậu đã tỉnh táo hoàn toàn, tiếp xúc với mọi người bình thường trở lại. Trò chuyện với PV ngay trên giường bệnh, bà Hậu thừa nhận: “Thật tình không thể biết và không thể tin được vì sao nguyên cái hàm răng giả lại chui xuống tận ruột già và “quậy phá” ở đó.
Bản thân tui ngày trước bị hư răng nên trồng răng giả đã lâu rồi và mấy năm qua ăn uống bình thường, không tác dụng phụ nào cả. Tuy nhiên, cách nay khoảng một tuần, lúc ăn cơm xong thì tui vệ sinh răng và phát hiện nguyên cái hàm răng giả “không cánh mà bay” đi đâu mất. Suy nghĩ mãi, nhưng tui không biết mất hàm răng lúc nào, mất ở đâu…”.
Gia đình bà nghi ngờ, có thể trong quá trình đánh răng nên bị rơi xuống sông mà không hay. Riêng bà thì dự định chờ tới mùa lúa khi thu hoạch xong mới có tiền để trồng lại hàm răng giả mới. Tuy nhiên, vài ngày nay đột nhiên bị đau bụng dữ dội, dù chạy đi mua thuốc uống nhiều lần vẫn không khỏi; đi khám bác sĩ tư ở huyện Thới Lai cũng không tìm được nguyên nhân. Cuối cùng, gia đình đưa bà ra bệnh viện mới vỡ lẽ chuyện cái hàm răng giả là… thủ phạm.
Theo bác sĩ Truyền, trong tuần tới, nếu sức khỏe bà phục hồi khá tốt thì sẽ cho xuất viện, sau đó tái khám trở lại. Chừng khoảng 3 tháng sau, bệnh viện sẽ yêu cầu bệnh nhân đến thăm khám để tiến hành phẫu thuật lần hai nhằm đưa hậu môn trở lại bình thường…
Từ chuyện hy hữu này, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo những người trồng răng giả nên thận trọng khi ăn uống, nhai kỹ, nuốt chậm, không ăn vội vàng, tránh nuốt sặc hay hít sặc… nhằm tránh nguy cơ rơi hàm răng giả vào bụng. Cần lưu ý, hàm răng giả đã dùng lâu ngày có thể bị mòn, bị lỏng chân, không bám chặt vào hàm và rơi ra rất nguy hiểm vì dễ lọt vào đường ăn và đường thở.
Ngoài ra, lúc ngủ cũng nên tháo bỏ răng giả để tránh răng giả vô tình rớt ra mà lọt vào đường thở hay đường ăn thì lại càng nguy hiểm… Trường hợp hàm răng giả phát hiện rơi vào bụng chưa quá 6 tiếng, thì có thể đến bệnh viện để nội soi dạ dày và lấy dị vật ra. Nếu quá thời gian này thì nhiều khả năng răng giả đã đi xuống ruột, lúc này sẽ có phương pháp khác như X-quang bụng… để xác định vị trí của dị vật.
Việt Nguyễn