Sáng 2.7, TP.HCM đã tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày Thành phố Sài Gòn – Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (2.7.1976 – 2.7.2016).

TP.HCM là nơi chắp cánh và hiện thực hóa mọi khát vọng tốt đẹp

Thảo Hương | 02/07/2016, 13:23

Sáng 2.7, TP.HCM đã tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày Thành phố Sài Gòn – Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (2.7.1976 – 2.7.2016).

Tới dự có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo khác.

Phát biểu khai mạc, Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho biết: “TP được chính thức mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh là phần thưởng đặc biệt cao quý nhất mà Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đã trao tặng cho Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang TP; là sự khẳng định về mặt pháp lý, cũng là sự khẳng định của lịch sử đối với tình cảm, sự gắn bó thiêng liêng giữa Bác Hồ với miền Nam thành đồng Tổ quốc; đặc biệt của Đảng bộ và nhân dân TP với Bác Hồ”.

Đánh giá về sự phát triển của TP sau 41 năm kể từ ngày thống nhất đất nước và 40 năm mang tên TP.HCM, bí thư Thăng cho biết: “Từ một thành phố với quy mô kinh tế tổng giá trị ước hơn 2,5 tỷ đồng, nay đạt hơn 957 ngàn tỷ đồng; một thành phố còn nhiều khu nhà lụp xụp, kênh rạch phần lớn ô nhiễm, đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho trên 36.000 hộ dân trong lưu vực như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hũ - Bến Nghé, mang lại màu xanh cho những dòng kênh”.

Bên cạnh đó, Bí thư Thăngcũng nêu những cải thiện nhanh về mức sống của người dân trong thời gian gần đây. “Thu nhập bình quân đầu người của người dân thành phố đến hết năm 2015 đạt 5.538 USD/người/năm, tăng hơn 73% so với năm 2010, diện tích sàn nhà ở trung bình đạt 17,32 m²/người so với năm 1977 đạt 8,9 m²/người, trong điều kiện dân số tăng từ 3,4 triệu người vào năm 1976 đến nay hơn 8,2 triệu người; kéo giảm chênh lệch thu nhập các nhóm dân cư từ 10 lần vào năm 1992 xuống còn 6,6 lần năm 2014, giảm chênh lệch mức sống giữa thành thị - nông thôn từ 1,8 lần năm 2008 xuống còn 1,2 lần năm 2014; đến cuối tháng 6 năm 2016, số hộ dân có thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm chỉ còn 3,32%”.

Theo ông Thăng, TP.HCM không chỉ chú trọng phát triển các chỉ số kinh tế mà trong 40 năm qua đã quan tâm đến các mặt khác của người dân thành phố. “Hơn 40 năm qua, thành phố luôn quán triệt quan điểm tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ, công bằng xã hội. Quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng dạy và học được nâng cao, chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được thực hiện khá tốt; hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư vừa ở nội đô và cả ngoại thành; công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện; quốc phòng – an ninh được củng cố tăng cường”.

Trước các thành tựu đạt được, người đứng đầu đảng bộ TP.HCM khẳng định: “Chúng ta có quyền tự hào trước tài sản vô giá - là truyền thống, là bản sắc thành phố; càng tự hào, càng trân trọng ghi ơn, càng phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thành phố mãi xứng danh thành phố mang tên Bác, là nơi nuôi dưỡng, chắp cánh và hiện thực hóa mọi khát vọng tốt đẹp cho bản thân mỗi người, mỗi gia đình, cho cộng đồng, cho thành phố thân yêu và Tổ quốc thiêng liêng”.

Bên cạnh đó, ông Thăng cũng chỉ ra những yếu kém của TP.HCM và có thể thành điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển. Đó là “chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh chưa cao, có nguy cơ tụt hậu so với các thành phố lớn của khu vực Đông Nam Á; quy hoạch, quản lý đô thị và kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - văn hóa, cải thiện dân sinh, bảo vệ môi trường; các lĩnh vực quan trọng có ý nghĩa tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác như giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ đều chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập; một số vấn đề bức xúc trong xã hội chậm được khắc phục; tình hình an ninh, trật tự, tội phạm, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, vẫn chưa thật sự tạo tâm lý an tâm cho mỗi người dân thành phố. Đặc biệt là những yếu kém chủ quan do chính bộ máy, con người trong bộ máy của chúng ta”.

Cuối bài phát biểu,Bí thư Thăng cam kết những mục tiêu cụ thể trong việc xây dựng TP.HCM trong tương lai: "Tập trung mọi nguồn lực cho mục tiêu cao nhất: thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình của mỗi người dân, do mỗi người dân, vì mỗi người dân và cho tất cả những ai dù một lần đến - và đi từ thành phố này. Thành phố văn minh trong từng con đường góc phố, từng cơ quan, công sở đến nhà máy, lớp học, chợ; là văn minh công nghiệp, văn minh đô thị, là tôn trọng pháp quyền, là cư xử văn hóa, là nếp sống thị dân,… Thành phố hiện đại không chỉ bằng cơ sở hạ tầng, bằng mỗi dịch vụ công mà phải bằng quản trị hiện đại, công nghệ hiện đại, tư duy hiện đại để tiếp thu và vận dụng cái mới trong quản lý, điều hành, trong sản xuất - kinh doanh, trong từng hoạt động của mọi lĩnh vực cuộc sống. Thành phố nghĩa tình là ở đó, mọi người đều được tôn trọng, chăm sóc, thương yêu; đều được tạo cho những cơ hội học tập, làm việc, cống hiến, sống trong sự đùm bọc, giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của cộng đồng; ở đó con người luôn có trước có sau, trân trọng biết ơn tiền nhân, anh hùng liệt sĩ, tự trọng tự tin, biết nhường cơm xẻ áo, trọng nghĩa trọng tình, ăn quả nhớ kẻ trồng cây"…

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương tiếp tục hỗ trợ thiết thực cho TP.HCM về mọi mặt để TP có thêm động lực phát triển, lan tỏa động lực cho vùng và cả nước phát triển.

Thảo Hương
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đấu thầu vàng: Không hủy thì ế hàng, mục tiêu hạ nhiệt thị trường vàng thất bại
Ngân hàng Nhà nước mở 4 phiên đấu thầu vàng, nhưng hủy đến 3 lần. Một phiên đấu thầu diễn ra thì cũng chỉ bán được 20% số vàng chào thầu cho 2 đơn vị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM là nơi chắp cánh và hiện thực hóa mọi khát vọng tốt đẹp