Mới đây một kế hoạch tăng giờ làm việc lên 69 tiếng/tuần nhận phải phản đối quyết liệt từ giới trẻ Hàn Quốc.
Trang The Guardian cho biết kế hoạch trên được đưa ra sau khi các doanh nghiệp phàn nàn giới hạn 52 giờ/tuần hiện tại khiến họ khó tăng cường sản xuất đáp ứng nhu cầu. Nhiều quốc gia khác không đặt giới hạn giờ làm nhưng có quy định về trả lương tăng ca cho lao động làm việc quá 40 tiếng/tuần.
Dù đặt giới hạn giờ làm, Hàn Quốc vẫn nổi tiếng với văn hóa làm việc khắc nghiệt. Trong năm 2021 người dân nước này làm việc trung bình 1.915 tiếng – nhiều hơn nhóm quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đến 200 tiếng, hơn lao động Đức 566 tiếng.
Trước phản đối quyết liệt từ lao động Gen Z cùng Millennial, Tổng thống Yoon Suk-yeol phải yêu cầu các cơ quan nhà nước xét lại kế hoạch. Thư ký báo chí Kim Eun-hye tuyên bố: “Kế hoạch sẽ được tái xem xét và chính phủ sẽ giao tiếp tốt hơn với công chúng đặc biệt là Gen Z cùng Millennial. Cốt lõi trong chính sách lao động Tổng thống Yoon đề ra là bảo vệ lợi ích của lao động thất thế, lao động không tham gia công đoàn, lao động làm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Tổng thống Yoon - chính trị gia bảo thủ thân thiện với doanh nghiệp - nói rằng kế hoạch giúp lao động linh hoạt trong công việc. Nhưng các công đoàn chỉ trích chính sách này sẽ buộc lao động làm việc nhiều giờ hơn.
“Kế hoạch tăng giờ làm lên 69 tiếng/tuần hợp pháp hóa việc làm việc từ 9 giờ sáng đến nửa đêm suốt 5 ngày liên tiếp, không quan tâm đến sức khỏe hay thời gian nghỉ ngơi của lao động”, theo Liên đoàn Các công đoàn Hàn Quốc.
Kế hoạch làm việc 69 tiếng/tuần nếu được áp dụng sẽ đảo ngược một đạo luật Đảng Dân chủ Hàn Quốc thông qua năm 2018 đặt ra giới hạn làm việc 52 tiếng/tuần (trong đó 12 tiếng được tính thành giờ làm thêm).
Đảng Dân chủ Hàn Quốc - hiện vẫn nắm quyền kiểm soát quốc hội - cam kết ngăn chặn kế hoạch tăng giờ làm. Họ cho rằng kế hoạch có khả năng làm gia tăng tỷ lệ thấp nghiệp vì giới chủ sa thải lao động để giảm biên chế, sau đó tuyển dụng lao động mới sẵn sàng làm việc nhiều giờ hơn.
Trong khi đó, tại Anh vừa diễn ra một cuộc thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần. Kết quả cho thấy thời gian làm việc ít hơn ảnh hưởng ít hoặc không ảnh hưởng đến năng suất mà lại cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của lao động.