Mặc dù hàng chục ngàn shipper đã được hoạt động trở lại song việc giao hàng tại các khu vực “vùng đỏ” ở TP.HCM vẫn khó khăn do còn nhiều vướng mắc.

Hàng chục ngàn shipper hoạt động trở lại, giao hàng ‘vùng đỏ’ vẫn khó khăn

Hồ Đông | 01/09/2021, 22:30

Mặc dù hàng chục ngàn shipper đã được hoạt động trở lại song việc giao hàng tại các khu vực “vùng đỏ” ở TP.HCM vẫn khó khăn do còn nhiều vướng mắc.

22.124 shipper hoạt động trở lại

Ngày 1.9, Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, qua 2 ngày shipper được phép hoạt động, tình hình “đi chợ hộ” đã được giảm tải do nhiều người dân đã đặt được hàng thông qua hệ thống giao hàng.

Trong 2 ngày, thành phố đã có 22.124 shipper của 33 đơn vị đăng ký hoạt động trở lại. Ngày 30.8, có 7.481 shipper đã đáp ứng yêu cầu và thực hiện việc giao nhận hàng, 138.101 đơn hàng đã được giao trong ngày. Còn ngày 31.8, 8.942 shipper được hoạt động trở lại và thực hiện giao nhận 164.332 đơn hàng trong ngày.

Về việc cung ứng hàng hóa tại các địa phương, Sở Công Thương TP.HCM đã triển khai tới 22 quận, huyện. Thành phố yêu cầu soát việc cung ứng hàng hóa khi phân bổ tại địa bàn cho các điểm bán, siêu thị, cửa hàng và thông tin về Sở Công Thương khi có dấu hiệu quá tải để có sự điều chỉnh và phân bổ lại nguồn lực.

Liên quan hệ thống phân phối, ông Phương nói rằng Sở Công Thương đã cấp 38.228 giấy đi đường cho các hệ thống phân phối hàng hóa (trên tổng số 40.000 giấy đi đường được cơ quan công an cung cấp). Còn lại 1.772 giấy đi đường sẽ được Sở Công Thương rà soát và dự phòng, sử dụng trong trường hợp các đơn vị cung ứng hàng hóa gặp khó khăn về nhân sự, đặc biệt là khi có ca F0 thì sẽ có lực lượng bổ sung.

Về công tác điều chỉnh cung ứng hàng hóa tại các địa phương, ông Phương thông tin đơn vị đã triển khai 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức yêu cầu rà soát cung ứng hàng hóa khi phân bổ các cửa hàng, điểm bán, siêu thị. Trong trường hợp cửa hàng siêu thị có dấu hiệu quá tải cần báo lại Sở Công Thương để có hướng điều chỉnh, phân bổ nguồn lực. Vừa qua, quá tải hệ thống này chủ yếu nguồn lực lao động bị giới hạn.

shipper-tphcm-hinh-1.jpg
Shipper tại "vùng đỏ" được hoạt động trở lại từ ngày 31.8 - Ảnh: Hồ Đông

Giao hàng “vùng đỏ” vẫn khó khăn

Mặc dù số lượng shipper hoạt động trở lại đã tăng đáng kể, song các hãng giao hàng công nghệ phản ánh vẫn còn một số vướng mắc gây khó khăn, gián đoạn cho shipper hoạt động trở lại. Cụ thể, nhiều hãng công nghệ ghi nhận tình trạng shipper không thể ra khỏi khu vực cư trú để đi làm dù thông tin cá nhân đã được xác nhận trên website của Sở Công Thương.

Bên cạnh đó, việc xét nghiệm cũng khiến nhiều shipper chưa muốn hoạt động trở lại. Hiện tại, một số trạm y tế thông báo không nhận xét nghiệm cho shipper vì chưa nhận được chỉ đạo từ cấp trên hoặc có nhận xét nghiệm nhưng không thể cấp giấy chứng nhận. Điều này gây khó khăn, gián đoạn cho việc đưa tài xế hoạt động trở lại.

Theo đại diện của ứng dụng giao hàng AhaMove, hoạt động giao hàng của shipper ở "vùng xanh" diễn ra bình thường. Tuy nhiên, hiệu suất hoạt động tại "vùng đỏ" vẫn còn thấp do tài xế gặp khó trong việc xét nghiệm. Trước tình hình này, AhaMove kiến nghị tăng hạn sử dụng của giấy xét nghiệm. Điều này cũng giúp giá dịch vụ không bị tăng trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp.

Đáng chú ý, nhiều người dân tại “vùng đỏ” cũng phản ánh khi đặt hàng trên ứng dụng như Grab, Baemin, ShopeeFood… các đơn hàng đều liên tục báo các tài xế bận vì nhu cầu đặt hàng tăng cao. Tại một số khung giờ, ứng dụng Grab và Be cũng rất khó để tìm tài xế, số lượng tài xế nhận đơn ít.

Trước đó, ngày 29.8, TP.HCM đã cho phép các shipper được hoạt động trở lại ở quận, huyện "vùng đỏ" là TP.Thủ Đức và quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn nhưng phải xét nghiệm COVID-19 hàng ngày và đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin.

Sau đó, các ứng dụng giao hàng công nghệ như Be Group, Grab… đã đề xuất Sở Công Thương cùng hỗ trợ tham gia chương trình "đi chợ hộ" bằng cách cung cấp miễn phí hạ tầng ứng dụng cho thành phố Thủ Đức, miễn phí sử dụng ứng dụng cho đối tác cửa hàng GrabMart, miễn phí giao hàng cho người dân.

Ngày 31.8, nhằm kịp thời bổ sung nguồn hàng, thực phẩm thiết yếu kịp đến tay người dân, Sở Công Thương đề nghị phổ biến mô hình "đi chợ hộ" thông qua nền tảng ứng dụng trực tuyến đến các phường, xã, thị trấn, các hệ thống phân phối trên địa bàn. Việc này sẽ hỗ trợ kênh cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân địa phương, để gia tăng các điểm bán cung ứng hàng hóa cho người dân.

Không những vậy, Sở Công Thương đề nghị UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức nghiên cứu, xem xét mô hình phù hợp để lựa chọn kênh bổ trợ bán hàng và các kênh mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử lớn, doanh nghiệp giao hàng công nghệ như Shopee, Tiki, Be, Sendo, Grab.

Bài liên quan
TP.HCM tích hợp với camera giám sát để nhận diện người đủ điều kiện qua chốt
TP.HCM chuẩn bị triển khai việc quét QR trên camera tại các chốt, người dân chỉ cần đưa mã trên điện thoại qua camera.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng chục ngàn shipper hoạt động trở lại, giao hàng ‘vùng đỏ’ vẫn khó khăn