Từng được coi là miền đất hứa với nhiều ngôi sao thành danh vì lương, thưởng hậu hĩnh, nào ngờ giải vô địch quốc gia Trung Quốc (Chinese Super League - CSL) lại đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Căn nguyên dẫn tới tình trạng này là bởi một loạt Câu lạc bộ (CLB) tại đây hiện đang nợ nần đầm đìa...

Hàng loạt CLB bóng đá Trung Quốc ngập trong nợ nần

baicao | 06/08/2017, 13:42

Từng được coi là miền đất hứa với nhiều ngôi sao thành danh vì lương, thưởng hậu hĩnh, nào ngờ giải vô địch quốc gia Trung Quốc (Chinese Super League - CSL) lại đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Căn nguyên dẫn tới tình trạng này là bởi một loạt Câu lạc bộ (CLB) tại đây hiện đang nợ nần đầm đìa...

Không thể phủ nhận giải bóng đá hàng đầu tại Trung Quốc, Chinese Super League đã khuynh đảo thị trường chuyển nhượng trên thế giới trong vòng 2 năm trở lại đây bằng những vụ chuyển nhượng thuộc dạng bom tấn. Chỉ tính riêng trong kỳ chuyển nhượng mùa đông vừa qua, tổng số tiền mà các CLB tại CSL đã vung ra để chiêu mộ 173 “tân binh” đã lên đến 344 triệu euro.

CSL đã áp đảo tất cả các giải vô địch quốc gia lớn ở châu Âu như Premier League (giải Ngoại hạng Anh), La Liga (giải Vô địch quốc gia Tây Ban Nha), Bundesliga (giải Vô địch quốc gia Đức), Serie A (giải Vô địch quốc gia Italia)... về khoản mua sắm lực lượng.

Cùng với cơn bão kim tiền mà CSL tạo ra, giới mộ điệu đã có dịp chứng kiến những tên tuổi quen thuộc trong làng bóng đá thế giới lũ lượt tới đầu quân cho những CLB tại đây, có thể “điểm mặt chỉ tên” một số trường hợp điển hình như Carlos Tevez (Shanghai Shenhua), Hulk (Shanghai SIPG), Oscar (Shanghai SIPG), Ramires (Jiangsu Suning), Lavezzi (Hebei China Fortune), Ramires (Jiangsu Suning), Jackson Martinez, Paulinho (Guangzhou Evergrande)...

                
Đằng sau sự hào nhoáng, CSL tiềm ẩn khá nhiều bất ổn vì nợ nần.

Một mặt vung tiền chiêu mộ lực lượng, mặt khác những CLB tại CSL còn gây choáng váng khi trả những khoản tiền lương, thưởng cao ngất ngưởng. Nói đâu xa, CLB Shanghai Shenhua đã biến cựu tiền đạo Man United, Carlos Tevez trở thành cầu thủ lĩnh mức lương cao nhất trên thế giới: 680.000 euro/tuần.

Ngay cả trên băng ghế huấn luyện viên tại những đội bóng ở CSL cũng có sự dịch chuyển đáng kể về mặt cơ cấu nhân sự với sự hiện diện của khá nhiều chiến lược gia thuộc dạng lão làng như Sven-Goran Eriksson, Marcello Lippi, Luiz Felipe Scolari...

Câu nói ở đâu có tiền, ở đó có thành công phần nào khá xác đáng trong một chừng mực nhất định với giải đấu hàng đầu ở Trung Quốc. Điều đó phần nào được cụ thể hóa với việc CLB Guangzhou Evergrande đem về danh hiệu vô địch AFC Champions League trong năm 2015. Guangzhou Evergrande cũng giành quyền tham dự FIFA Club World Cup 2015, giải đấu được Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) tổ chức cho các CLB giành danh hiệu vô địch ở các châu lục. Mặc dù vậy nó cũng chẳng thể khỏa lấp được nguy cơ bong bóng tài chính có thể nổ tung bất kỳ lúc nào tại CSL.

Trong một động thái mới đây nhất, Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) đã gửi thư cảnh báo tới 18 CLB tại nước này, trong đó có 13 CLB ở giải đấu cao nhất CSL về sự mất cân bằng trong thu chi dẫn tới tình trạng nợ nần đầm đìa. Cũng cần biết rằng, theo kết quả kiểm toán mới đây nhất, chỉ có 2 CLB tại CSL có được lợi nhuận trong năm tài khóa vừa qua là Yanbian Funde và Changchun Yatai.

Trong số 13 CLB tại CSL bị CFA “tuýt còi” dễ dàng nhận ra những CLB đã từng làm mưa làm gió trên thị trường chuyển nhượng khi đem về những bản hợp đồng bom tấn cũng như trả lương, thưởng cao ngất ngưởng cho số sao sân cỏ chiêu mộ thành công, chẳng hạn như Shanghai SIPG, Shanghai Shenhua, Jiangsu Suning hay Guangzhou Evergrande...

Đáng lưu ý, CFA đã ấn định hạn chót cho các CLB này phải giải quyết xong các món nợ hiện tại như tiền thưởng, tiền lương cầu thủ, tiền chuyển nhượng trước ngày 15.8 tới đây. Bên cạnh đó, đại diện của CFA đã nhấn mạnh bất kỳ CLB nào vẫn còn trong tình trạng nợ nần sau thời hạn ấn định nêu trên sẽ bị xóa sổ ở mùa giải 2018.

Về mặt lý thuyết, trong trường hợp 13 đội bóng tại CSL bị gạch tên, giải đấu này ở mùa tới sẽ chỉ còn lại vỏn vẹn 3 đội bóng. Hay nói cách khác, CSL sẽ rơi vào nguy cơ đổ vỡ không gì cứu vãn được. Cùng với CFA, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) cũng đã có những động thái khẩn trương nhằm ngăn quả bong bóng CSL bị nổ tung. Theo đó, AFC sẽ cấm tất cả những CLB tại CSL vẫn còn nợ nần sau ngày 15-8 tới đây không được tham dự giải đấu AFC Champions League trong mùa giải mới.

                
Đằng sau sự hào nhoáng, CSL tiềm ẩn khá nhiều bất ổn vì nợ nần.

Thực tế cho thấy, các quan chức CFA trước đó đã phần nào cảm nhận được sự bất ổn xảy đến từ tình trạng mua sắm “ngoại binh” một cách ồ ạt từ những CLB tại CSL theo kiểu “xây nhà từ nóc”. Bởi vậy, ngoài lời cảnh báo đưa ra mới đây về tình trạng mất cân bằng tài chính, CFA đã áp dụng quy định khắt khe về việc mỗi CLB tại CSL chỉ được phép sử dụng 3 cầu thủ ngoại binh thay vì 4 cầu thủ ngoại binh như trước.

Bên cạnh đó, mỗi đội bóng ra sân thi đấu phải có ít nhất 2 cầu thủ nội dưới 23 tuổi trong đội hình. Ngoài ra, bất kỳ vụ chuyển nhượng nào có mức phí từ 5,2 triệu bảng trở lên, CLB chiêu mộ cầu thủ sẽ phải chịu mức thuế 100%.

Theo ANTG
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
26 phút trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng loạt CLB bóng đá Trung Quốc ngập trong nợ nần