19 tuổi, tôi được mai mối với con trai một của một gia đình giàu có ở TP.HCM. Đó không chỉ là giấc mơ mà còn là thiên đường của nhiều cô gái quê như tôi.
Tôi lạc vào “thiên đường” đó từ ngày bà mai đến nhà nói chuyện cùng ba má và đưa cho tôi tấm ảnh của anh. Trong ảnh, anh là người đàn ông có gương mặt dễ nhìn, cao ráo, lịch sự. Ngoài đời, anh phong độ, đẹp trai. Ba má anh hiền từ. Họ hàng ai cũng khen tôi có phước, lấy được chồng vừa đẹp vừa giàu.
Đêm tân hôn, tôi ngủ với… má chồng. Má bảo: “Ngủ với má để quen con à”. Nhưng một tháng, rồi ba tháng trôi qua, tôi vẫn chỉ ngủ với má. Một đêm, hai má con đã vào giường, tôi nghe ba chồng gõ cửa, yêu cầu tôi xuống lầu ngủ cùng hai người giúp việc “để ba nói chuyện riêng với má”.
Thấy lạ nhưng tôi không dám hỏi sao không cho tôi về phòng ngủ với chồng. Đêm đó, hai cô giúp việc rỉ tai, ngày nào sau khi chào tạm biệt, đưa tôi vào tận phòng ngủ với má, chồng tôi cũng ra quán karaoke của gia đình đến sáng mới về. Nghe chuyện, tôi bàng hoàng nghĩ hay là anh ấy có cô nào ở quán. Tôi khóc sưng mắt. Sáng hôm sau, tôi vừa khóc vừa tâm sự với má chồng.
Má khóc, nói rằng: “Chồng con là người đồng tính!”. Bà cho biết bà cũng đã đau khổ nhiều lắm. Khi nghe anh tuyên bố không lấy vợ, bà đã khóc lóc, năn nỉ suốt. Bà tìm mọi cách mai mối cho anh, nhưng anh chẳng ưng ai. Đến năm anh 29 tuổi, có người họ hàng mang hình của tôi đến, thủ thỉ với anh: “Hãy cưới con bé quê mùa này, nó sẽ không đòi hỏi chuyện tình cảm gì đâu”, anh chấp nhận.
Sau đó, gia đình đưa chúng tôi đi thụ tinh ống nghiệm. Một năm sau, con chúng tôi, cặp con trai song sinh chào đời. Có con, tôi thấy cuộc đời mình được an ủi. Chồng tôi cũng rất yêu con. Nhờ có con, anh ấy bắt chuyện với tôi dễ dàng hơn. Khi con hơn một tuổi, tình… bạn giữa vợ chồng tôi thân thiết hẳn lên. Tôi lân la hỏi những ngày cuối tuần anh hay đi đâu? “Người yêu” của anh là ai?… Ban đầu anh không nói, nhưng một sáng Chủ nhật, anh bảo tôi gửi hai con cho má, anh chở đi công việc. Thật bất ngờ, anh đưa tôi đến một ngôi chùa tại huyện Hóc Môn
(TP.HCM), nơi “người yêu” và nhóm bạn đồng tính của anh hàng tuần tập hợp nấu cơm từ thiện cho người nghèo. Nhìn “chồng” lăng xăng phụ giúp “người yêu” gọt rau củ, bày biện những hộp cơm, tôi thấy thương và thông cảm với hai anh hơn.
Rời ngôi chùa thanh tịnh ấy, lòng tôi thơ thới lạ lùng. Tôi nhớ câu nói của cha ngày trước: “Lối đi ngay dưới chân mình”. Ông nói, mình nghèo khó, nếu không tự tìm lối, sẽ khốn khổ lắm. Chồng tôi và bạn bè anh ấy sống khó khăn trong tiếng đời dị nghị và họ đã tìm cho mình một lối đi riêng. Còn tôi, lẽ nào với sự hậu thuẫn của má chồng, của hai đứa con và người “bạn đời” như vậy, lại không có lối đi của mình?
Từ ngày đó, không chỉ chờ đến Chủ nhật đợi chồng rủ đi chùa, tôi còn tham gia nhiều nhóm từ thiện khác. Má chồng thấy tôi hăng say tham gia những đoàn cứu trợ, bà vui lắm, lần nào cũng hào hứng chuẩn bị cùng tôi những món quà như mì gói, gạo, mắm, muối… cho người khó khăn, gặp thiên tai, hoạn nạn. Nếu những chuyến đi ngay dịp con tôi thi học kỳ hoặc cảm sốt, má đều giành phần chăm cháu cho tôi yên tâm.
Mười năm qua, tôi đã chọn cho mình lối đi như vậy. Cũng không ít lần tôi bị các chị là “vợ” những người bạn đồng tính của chồng đến rủ đi “đánh ghen”, tôi đã chối từ. Các chị cho là tôi lập dị, ham tiền mà quên mình bị lừa gạt, phản bội… Có chị nói thẳng vào mặt tôi: “Em ngu quá, em cứ tưởng mình tham gia mấy đoàn từ thiện là cái thằng pêđê đó nó quay về yêu em sao? Em tưởng vậy là giành lại được chồng từ thằng bồ kia hả?”.
Không, tôi chưa hề có ý nghĩ như vậy. Từ khi tôi biết tình yêu của anh, tôi vui sống với cuộc sống của tôi. Tôi lướt qua tất cả những lời chỉ trích ấy, bởi mỗi chuyến đi đến những vùng quê nghèo khó, tôi đã thấy biết bao cảnh đời còn khốn khổ hơn mình. Tôi hiểu, tôi đang đi con đường đúng.
Theo Phụ Nữ Online