Tổng thống Joko Widodo tạo nên tiếng vang lớn trên mạng xã hội, sau khi đoạn phim nhà lãnh đạo Indonesia 57 tuổi lái xe phân khối lớn trình chiếu trong lễ khai mạc Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) lần thứ 18 được lan truyền.
Đoạn phim cho thấy do bị mắc kẹt trong dòng xe cộ đông đúc của thủ đô Jakarta, nên Tổng thống Widodo quyết định bỏ ô tô, đội mũ bảo hiểm và cưỡi xe máy phân khối lớn lao đi. Nhân vật trong phim, mặc âu phục và lái xe giống ông, đã lái chiếc xe vượt qua nhiều chướng ngại vật và biểu diễn một vài pha điều khiển điệu nghệ trước khi đến được với sân vận động tham dự lễ khai mạc.
Đoạn phim này được đài truyền hình SCTV (Indonesia) đăng tải trên Youtube, thu hút hơn 800.000 lượt xem tính đến ngày 19.8. Trên Twitter cũng tràn ngập nhiều dòng trạng thái lan truyền đoạn phim kèm theo dòng hashtag #proudtobeindonesian, #stuntman. Một người dùng còn so sánh “màn trình diễn” của Tổng thống Widodo với những pha hành động của nam diễn viên Tom Cruise.
“Điều này chỉ có ở Indonesia. Tổng thống của tôi giống như Tom Cruise trong phim “Nhiệm vụ bất khả thi”. Hoan hô Jokowi (biệt danh của ông Widodo). Ông là người giỏi nhất”, người dùng viết.
Vài người cho rằng màn lái xe phân khối lớn lấy ý tưởng từ lễ khai mạc Olympic Luân Đôn 2012, khi nước Anh cũng cho chiếu đoạn phim Nữ hoàng Elizabeth nhảy dù xuống sân vận động với diễn viên Daniel Craig, người thủ vai điệp viên James Bond nổi tiếng.
Tuy nhiên, trong giới truyền thông Indonesia lại nhận định một số phân cảnh của đoạn phim được thực hiện bởi diễn viên đóng thế thay vì chính nhà lãnh đạo, mặc dù từ lâu ông đã thừa nhận bản thân mê xe máy.
Không phải ai cũng thích màn trình diễn này. Một số nhà bình luận cùng người dùng mạng xã hội chỉ trích nếu người trong đoạn phim thực sự là Tổng thống Widodo, thì đó là một hành động thiếu trách nhiệm vì ông có thể gặp tai nạn hay bị tấn công.
Chính trị gia phe đối lập còn cáo buộc Tổng thống Widodo cố tình dùng lễ khai mạc ASIAD đánh bóng hình ảnh, thu hút nhóm cử tri trẻ tuổi trước cuộc bầu cử năm sau.
Rachland Nashidik, Phó tổng thư ký đảng Dân chủ đối lập, đánh giá đoạn phim nhằm mục đích đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề mà đất nước đang gặp phải như thâm hụt thương mại.
Còn theo nhà hoạt động Ratna Sarumpaet, đoạn phim lãng phí và không đúng thời điểm, trong bối cảnh đảo Lombok bị thiệt hại về nhân mạng lẫn của cải vì động đất.
Lần đầu tiên Indonesia tổ chức ASIAD là năm 1962. Tổng thống Sukarno vào thời điểm đó cũng bị chỉ trích nặng nề do tổ chức sự kiện tốn kém giữa lúc nền kinh tế gặp khó khăn.
Cẩm Bình (theo Reuters)