Theo ĐB Nguyễn Minh Đức (TP.HCM), phải sửa luật để làm sao cho cán bộ, công chức, viên chức coi đây là một nghĩa vụ thường xuyên và người ta phải phấn khởi, thích thú khi kê khai tài sản. Muốn làm được điều đó thì phải tách bạch rõ công khai và minh bạch.

Họp quốc hội: Những kẽ hở trong kê khai tài sản là rào cản chống tham nhũng

Trí Lâm | 14/06/2018, 05:45

Theo ĐB Nguyễn Minh Đức (TP.HCM), phải sửa luật để làm sao cho cán bộ, công chức, viên chức coi đây là một nghĩa vụ thường xuyên và người ta phải phấn khởi, thích thú khi kê khai tài sản. Muốn làm được điều đó thì phải tách bạch rõ công khai và minh bạch.

Thảo luận tại Quốc hội về Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đề nghị xem xét các đối tượng đã từng giữ vị trí có nguy cơ tham nhũng cao, thậm chí khi nghỉ hưu. Lý do là hiện nay, hầu hết các tài sản tham nhũng được cất giấu, gửi ngân hàng hoặc do người thân như bố, mẹ, anh, chị, em, con, cháu ruột thịt đứng tên, đến khi về hưu được gom lại và hợp thức hóa.

Theo đó, khi xem xét các vụ tham nhũng cần bổ sung những người ruột thịt như nêu trên là những đối tượng phải chứng minh nguồn gốc tài sản.

Để chứng minh, ông Hạ nêu một tình huống: Có một ông bố nghèo ở quê nhưng có 2 con làm quan lớn, trước khi từ trần ông có mời luật sư và 2 con đến dặn rằng bố để cho mỗi con 500 cây vàng. Các con rất ngạc nhiên hỏi tại sao bố nghèo mà lại có khoản tiền đó. Ông nói là làm gì có cây nào, chỉ đề phòng khi các con phát sinh tài sản khi kê khai để nó có nguồn gốc rõ ràng.

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng nêu rằng, có những cô gái mới 19 tuổi, hoặc có người mới chỉ là trưởng, phó phòng nhưng đã có những biệt phủ trên khuôn viên hàng nghìn mét vuông. Người dân bình thường biết tài sản đó từ đâu mà có, dư luận xôn xao, nhiều trường hợp báo chí cũng viết nhiều, thế nhưng không làm gì được vì con thành niên thì không phải kê khai tài sản, thu nhập.

“Vì không có luật nên chúng ta đã thua về lý. Lò đã đỏ lửa, nhưng có nóng đến triệu độ, mà lỗ hổng trong luật vẫn còn thì nhân dân, chính quyền không thể lấy được củi tham nhũng để cho vào lò”, ông Trí nêu.

Theo ĐB Nguyễn Minh Đức (TP.HCM), phải sửa luật để làm sao cho cán bộ, công chức, viên chức coi đây là một nghĩa vụ thường xuyên và người ta phải phấn khởi, thích thú khi kê khai tài sản. Muốn làm được điều đó thì phải tách bạch rõ công khai và minh bạch.

“Tại sao khi yêu cầu về kê khai tài sản rất tốn kém, bằng rất nhiều loại giấy tờ kê khai hàng quý như vậy nhưng chúng ta vẫn cảm thấy việc kê khai thiếu trung thực hoặc giải trình không hợp lý.Rõ ràng có vấn đề ở đây”, ông Đức nói.

Theo đại biểu này, sau khi yêu cầu kê khai thì phải niêm yết, dán thông báo công khai tài sản đối với cán bộ, công chức cho mọi người được biết, đó là tính công khai rất quan trọng để làm sao người dân kiểm soát được việc thu nhập và tài sản của cán bộ, công chức.

“Về minh bạch thu nhập, tài sản, yêu cầu người ta phải minh bạch trước tổ chức, trước cấp ủy và trước cơ quan, đơn vị. Còn lại công khai thì tùy từng trường hợp, nếu tài sản của những người ở vị trí hoặc địa vị công tác rất nhạy cảm thì trong trường hợp nào và khi nào thì cần phải công khai để nhân dân kiểm soát và biết trong nhiệm kỳ và trong lộ trình làm việc ở vị trí đó thì sẽ hợp lý hơn”, ông Đức cho hay.

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), công chức có nghĩa vụ phải minh bạch và công khai tài sản. Luật cũ có một điều khoản riêng về minh bạch và công khai tài sản nhưng không hiểu sao luật này lại gộp minh bạch, công khai lại. “Tôi đề nghị giữ lại chỗ minh bạch tài sản, công khai tài sản như luật cũ thì rõ”.

Trong nghĩa vụ minh bạch tài sản có nghĩa vụ giải trình, tức là toàn bộ tài sản và sở hữu thì anh phải giải thích được nguồn gốc từ đâu. Còn chuyện cơ quan nhà nước, các cơ quan giám sát mà họ kiểm tra, giám sát, họ điều tra xác minh lại là câu chuyện khác.

Còn ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng để phòng và chống được tham nhũng thì quan trọng nhất là vấn đề thực hiện cơ chế công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

“Vì sao lại coi trọng việc này? Lâu nay chúng ta thấy việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, những vấn đề thuộc trách nhiệm dân được biết, dân được bàn, dân được làm, dân được kiểm tra...chúng ta thực hiện không tốt.Trong khi chúng ta nói là Nhà nước của ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân”, ông Phương nói.

Dẫn chứng, ông Phương cho biết, BOT là việc làm liên quan đến dân nhưng hợp đồng lại có điều khoản bảo mật hay nói cách khác là ký hợp đồng này trong bóng tối. Cơ quan kiểm toán cần phải soi sáng để dân được biết thì lại có một bộ khác ngăn cản, lại nói không được kiểm toán vì đây không phải tài sản công, không phải tài chính công thì lại càng làm cho dân nghi kỵ.

“Tôi nghĩ việc này, nếu chúng ta công khai từ đầu cho dân được tham gia thì không thể có chuyện khoảng cách không đúng, không thể có chuyện làm đường một chỗ, đặt trạm một chỗ, không nảy sinh ra chuyện bức xúc của người dân”, ông Phương chia sẻ.

Đại biểu này cũng cho rằng các dự án đầu tư công; vấn đề giao đất và cho thuê đất; vấn đề thuế, kê khai thuế; việc đấu thầu, khai thác, quyền khai thác tài nguyên khoáng sản quốc gia; những vấn đề về tài sản công, đấu giá tài sản công là lĩnh vực xảy ra tham nhũng nhiều nhất.

Theo đó, cần quy định về vấn đề dự án đầu tư công thì công khai những vấn đề gì và hình thức công khai gồm những cái gì. Những vấn đề liên quan đến người dân, thủ tục phải công khai rộng rãi, lên cả cổng thông tin, lên cả trên phương tiện thông tin đại chúng.

Ví dụ, tổng dự toán, ví dụ phải công khai tác động của dự án này đối với kinh tế xã hội là gì và quyết toán dự án là gì. Phải công khai theo các bước và công khai sớm để người dân tham gia.

“Nếu người dân được tham gia có lẽ không dẫn đến những công trình, những dự án đắp chiếu bỏ đấy. Vì người dân không phải là không biết, người dân có nhiều người biết rất sắc sảo”, ông Phương nêu.

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau):

Luật này chưa cụ thể hóa các Nghị quyết 4, 5, 6, 7 của Trung ương. Vai trò của công dân và báo chí chưa được đề cao. Căn cứ xây dựng một số quy định còn mang tính ước lệ, ví dụ như ở Điều 59.

Về hình thức, bố cục còn chưa hợp lý, chưa khoa học và ngôn ngữ văn phong chưa đúng với tính chất là các quy phạm pháp luật.

Về nội dung cần xác định phạm vi điều chỉnh của dự án luật này với tính chất là một đạo luật để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng. Còn trừng trị tham nhũng đã có các luật khác.

Ở các nước Tây Âu người ta ngăn chặn quyền lực chủ yếu là phân công đối trọng quyền lực. Minh bạch thông tin, xây dựng xã hội công dân và xây dựng một nền báo chí có trách nhiệm. Ở ta từ xưa đến nay việc chống tham nhũng của cha ông ta chủ yếu quy định vào những tình huống cụ thể.

Cần phải luật hóa vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương. Đây là một cơ quan hết sức có uy tín trong thời gian qua. Với vai trò nòng cốt là Ủy ban Kiểm tra Trung ương được nhân dân đánh giá cao, coi đó là một địa chỉ tin cậy. Nếu luật hóa vai trò của cơ quan này sẽ một mặt đảm bảo tính chính danh, hai là rút ngắn được quy trình xử lý các vụ đại án.

Bên cạnh đó, cần phải khẳng định rõ nét vai trò, trách nhiệm của công dân và báo chí với công cuộc phòng, chống tham nhũng. Vừa rồi hầu hết các vụ án tham nhũng được phát hiện bởi hai đối tượng này.

Không biết Ban soạn thảo đã từng đọc cuốn Từ thụ yếu quy của Đặng Huy Trứ thời Thiệu Trị chưa? Nhưng ở đó, ông phân loại ra 24 điều răn cho tất cả thần dân về đức liêm chính, 38 điều quy định về điều răn cho quan lại về đức thanh liêm và đạo đức công vụ, 104 điều quy định về các hành vi cấm đoán không được nhận quà, 5 điều cho phép trong những tình huống về nhân nghĩa có thể nhận quà. Chúng ta có thể tiếp thu tinh thần ấy, xây dựng các quy phạm thành hai nhóm: một nhóm ngăn ngừa và một nhóm cấm đoán trong đạo luật này.

Dự thảo luật cũng có nhiều thuật ngữ hành văn trong dự thảo tôi nghĩ chưa đúng với kỹ thuật lập pháp, chưa ngang tầm quy phạm pháp luật. Ở trong đạo luật này không đầy đủ các yếu tố cấu thành của một quy phạm mà chỉ quy định và giả định, chế tài gần như không có, chế tài dành cho các đạo luật khác như hình sự, dân sự, ở đây chỉ là phòng ngừa.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
1 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Họp quốc hội: Những kẽ hở trong kê khai tài sản là rào cản chống tham nhũng