Theo Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, sự phát triển của KH-CN và ĐMST đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Ngày 13.10, Bộ KH-CN phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị giao ban KH-CN vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Kết quả nghiên cứu ngày càng đi vào cuộc sống
Tại hội nghị, Giám đốc sở KH-CN tỉnh Đắk Lắk Đinh Khắc Tuấn cho biết giai đoạn 2019 - 2023, hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo (KH-CN và ĐMST) vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được triển khai ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất và đời sống (khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học y dược, khoa học nông nghiệp...), tập trung vào việc nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống, phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương... Kết quả nghiên cứu ngày càng đi vào cuộc sống, tính ứng dụng ngày càng tăng lên.
Điển hình là những ứng dụng có hiệu quả, như sản xuất chế phẩm lên men Latic nhằm xử lý phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò; nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai giữa bò tót và bò; mô hình nuôi cá hồi vân tại tỉnh Đắk Lắk…
Thông qua các sự kiện công nghệ như chợ công nghệ và thiết bị, sự kiện kết nối cung cầu công nghệ, Ngày hội khởi nghiệp ĐMST… toàn vùng ghi nhận 16 hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết, với tổng giá trị hơn 500 tỉ đồng.
Nhiều doanh nghiệp địa phương đã tận dụng được cơ hội tiếp cận các công nghệ mới. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ, một số doanh nghiệp chưa chủ động đầu tư nhằm nâng cao trình độ, năng lực công nghệ của chính bản thân doanh nghiệp dẫn đến ảnh hưởng tới hoạt động chuyển giao và đổi mới công nghệ...
Theo Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà, sự phát triển của KH-CN và ĐMST đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,88%/năm; năm 2022 tăng trưởng 8,94%, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, đưa Đắk Lắk trở thành một trong những tỉnh có mức tăng trưởng cao của cả nước.
Minh chứng cho thấy hoạt động KH-CN ngày càng gắn bó với sản xuất và đời sống, nổi bật là việc tiếp thu, ứng dụng nhanh những tiến bộ KH-CN vào sản xuất và đời sống, góp phần không nhỏ trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong các ngành sản xuất chủ lực của tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN
Phát biểu tại Hội nghị, theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt, chính sách phát triển KH-CN nói riêng, hoạt động KH-CN và ĐMST vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, nhiều cơ chế, chính sách được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các sản phẩm chủ lực của địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ.
Tuy vậy, Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng KH-CN và ĐMST vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế, cần tiếp tục xây dựng và triển khai nhiều chính sách thiết thực, sát với thực tiễn của vùng hơn nữa để KH-CN thực sự đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Theo các đại biểu, để phát triển KH-CN trong vùng, thời gian tới cần tiếp tục bám sát quan điểm và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, nội hàm về phát triển KH-CN và ĐMST. Tổ chức triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển KH-CN và ĐMST giai đoạn đến năm 2030 gắn với đặc điểm, lợi thế phát triển KH-CN của vùng, của từng địa phương.
Theo đó, các địa phương trong vùng cần xây dựng các nhiệm vụ cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm về KH-CN và ĐMST, khẳng định rõ nét vai trò của KH-CN, ĐMST trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của từng địa phương trong vùng.
Ngoài ra, các đại biểu cho rằng cần có giải pháp huy động hiệu quả các nguồn lực và nâng cao tiềm lực KH-CN để các địa phương cân đối bảo đảm chi tối thiểu đạt 2% tổng chi ngân sách địa phương cho KH-CN, đặc biệt là chi triển khai các nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh/thành phố, các nhiệm vụ cấp thiết phát sinh, các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về tiêu chuẩn đo lường chất lượng; sở hữu trí tuệ; an toàn bức xạ và hạt nhân; thông tin, thống kê KH-CN. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường KH-CN, trong đó tập trung hình thành các tổ chức dịch vụ, tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghêệ; kết nối và phát huy hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ của vùng với các sàn giao dịch trong nước và quốc tế…
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định đối với những kiến nghị, đề xuất của địa phương gửi đến Bộ KH-CN, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ động nghiên cứu, tiếp tục trao đổi, hướng dẫn địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Đặc biệt, các đơn vị chức năng của Bộ luôn lắng nghe ý kiến của địa phương, tham mưu đề xuất cho Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ.