Hiện tại cả nước đã tiêm được 11 triệu liều vắc xin. Khi lượng vắc xin về nhiều hơn, ngành y tế phối hợp với quốc phòng, công an có thể tiêm tối đa 2 triệu mũi một ngày.

Khi vắc xin về nhiều, có thể tiêm 2 triệu mũi một ngày

Lam Thanh | 11/08/2021, 20:53

Hiện tại cả nước đã tiêm được 11 triệu liều vắc xin. Khi lượng vắc xin về nhiều hơn, ngành y tế phối hợp với quốc phòng, công an có thể tiêm tối đa 2 triệu mũi một ngày.

Cần chuyển đúng và phân tầng bệnh nhân đúng

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 11.8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, để đáp ứng điều trị cho bệnh nhân COVID-19, Bộ Y tế đã chủ động bàn với các địa phương, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng để chuẩn bị mọi kịch bản có thể xảy ra. Tuy nhiên, nhìn chung hiện tại có tình trạng quá tải ở TP.HCM và một số tỉnh, thành phố phía Nam, do lượng bệnh nhân ở tầng 3 khu vực hồi sức tích cực.

“Chúng tôi đang chỉ đạo các tỉnh, thành phố cần thiết phải chuyển đúng và phân tầng đúng. Có một số trường hợp do quá lo, chưa đến mức phải lên tầng 3 thì đã lên tầng 3. Điều này gây quá tải ở tầng 3 mà chúng ta có thể hoàn toàn điều trị ở tuyến đơn giản hơn, như ở các bệnh viện dã chiến, bệnh viện tương đương tuyến huyện, xã”, ông Thuấn nêu.

Theo đó, Bộ Y tế đang tích cực chỉ đạo TP.HCM và các tỉnh, thành phố khác trong công tác điều trị phải tuyệt đối phân tầng đúng: nhẹ vào tầng nhẹ, trung bình vào tầng 2 và nặng ở tầng 3, nhưng cũng phải chú ý nếu muộn quá sẽ gây nguy cơ tử vong cao. Như vậy phân tầng đúng, chuyển đúng là hết sức quan trọng.

Vừa qua, tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, Bộ Y tế đã kết hợp với địa phương lập 141 bệnh viện dã chiến và nhiều trung tâm hồi sức cấp cứu. Tại TP.HCM có 5 trung tâm hồi sức cấp cứu của Bộ kết hợp với thành phố, bao gồm cả bệnh viện dã chiến, hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Việt Đức, Trung ương Huế, Đại học Y dược TP.HCM, Chợ Rẫy.

thuan.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn - Ảnh: VGP

Tương tự như vậy, Bộ đã phân công Bệnh viện Phổi Trung ương kết hợp với Bệnh viện K để có trung tâm hồi sức với quy mô 400 giường ở Đồng Nai. Ở Bình Dương, giao cho Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Vĩnh Long giao cho Bệnh viện Nhi…

“Mỗi tỉnh, chúng tôi đều cử các nhóm công tác, bao gồm các chuyên gia về phòng bệnh, truy vết, điều trị, hồi sức để hỗ trợ các tỉnh phòng chống dịch, thường xuyên gửi báo cáo về Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch”, ông Thuấn cho hay.

Cũng theo đại diện ngành y tế, Bộ cũng chuyển 10.000 liều thuốc Remdesivir nhập từ Ấn Độ kịp thời cung cấp cho công tác điều trị tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Ngành y tế cũng huy động trên 11.000 cán bộ, sinh viên để hỗ trợ cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam phòng chống dịch.

“Tôi tin rằng với sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, sự hỗ trợ của Bộ Y tế… có thể ổn định, dập dịch trong thời gian tới”, ông Thuấn nói.

Đã tiêm được hơn 11 triệu liều vắc xin

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng cho biết, hiện tại trên cả nước đã tiêm được hơn 11 triệu liều vắc xin trên tổng số khoảng 18 triệu liều đã cấp, chiếm khoảng 65%.

Hiện tại, tổng số vắc xin được cấp tại TP.HCM là 4.075.270 liều. Thành phố đã tiêm được 3.598.687 liều, chiếm 88,2%. Trong hôm nay 11.8 và ngày mai, thành phố sẽ tiêm hết số vắc xin được cấp, đồng thời dự kiến tiếp tục triển khai tiêm vắc xin khác như Sinopharm.

Đối với TP.Hà Nội, hiện thành phố được cấp 2.944.910 liều, đã tiêm được khoảng 1,5 triệu liều, chiếm khoảng trên 50%. Trong thời gian tới, TP.Hà Nội cũng tăng tốc tiêm vắc xin.

Để đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin cho Hà Nội, TP.HCM cũng như các địa phương khác, ông Thuấn cho biết Bộ Y tế đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố lập kế hoạch cụ thể với lượng vắc xin dự kiến phân bổ theo từng tháng để các tỉnh, thành phố chủ động hơn trong công tác triển khai tiêm chủng.

Bộ Y tế cũng đã có công văn đôn đốc các tỉnh, thành phố khẩn trương tiêm vắc xin, không để tồn vắc xin, nếu không sẽ điều chuyển cho các tỉnh khác. Qua một số văn bản như vậy thì thấy tốc độ tiêm tại các tỉnh, thành phố nhanh hơn.

Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Y tế là tiêm nhanh nhưng phải an toàn, bảo đảm tiêm mũi nào an toàn mũi ấy. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị, đặc biệt là các dụng cụ, thuốc men cũng như xe lưu động, các cơ sở, đặc biệt là hồi sức, cấp cứu được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng.

Theo đó, tới đây, khi lượng vắc xin về nhiều hơn, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng tốc công tác tiêm chủng, ngành y tế phối hợp với lực lượng quốc phòng, công an có thể tiêm tối đa 2 triệu mũi vắc xin trong một ngày.

“3 tại chỗ” vẫn là phương án tốt

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá trong bối cảnh hiện nay phương án “3 tại chỗ” áp dụng cho sản xuất, nhất là sản xuất công nghiệp tại các khu công nghiệp, khu sản xuất, vẫn là phương án tốt.

Theo ông Hải, mặc dù phương án này đã được áp dụng thành công ở Bắc Ninh, Bắc Giang, nhưng khi triển khai tại các địa bàn khác, đặc biệt ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó có TP.HCM lại có bất cập.

doc-thang-hai.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Ảnh: VGP

Ngoài ra, có sự khác biệt là Bắc Ninh, Bắc Giang, đặc điểm các khu công nghiệp phía Bắc ít người hơn trong khi ở phía Nam, có những khu có tới hàng nghìn, chục nghìn công nhân; còn ở miền Nam, người lao động đến từ rất nhiều tỉnh, thành phố khác nhau chứ không như ở miền Bắc. Nếu để người lao động ở tại 1 chỗ lâu quá thì cũng ảnh hưởng đến tâm lý của họ. Rất nhiều người không thể ở 1 chỗ lâu được mà di chuyển về thăm nhà...

“Rất không may là ở TP.HCM cũng như 19 tỉnh phía Nam, chuỗi cung ứng về logistic, hệ thống vận tải bị đứt gãy, có những vùng bị sớm nên gây rất khó khăn cho các DN thực hiện phương án “3 tại chỗ”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, chi phí để thực hiện phương án “3 tại chỗ” quá cao, nhiều DN không chịu được. Nếu chỉ trong thời gian ngắn 1-2 tuần, thậm chí 20 ngày còn chịu được, còn dài hơn thì họ không chịu được, lỗ quá. Chính vì thế gây cản trở cho việc thực hiện.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng một số quy định của các địa phương còn khác nhau. Nếu có trường hợp bị mắc COVID-19 trong bất kỳ khu công nghiệp nào đó thì mỗi một nơi lại quy định khác nhau. Có nơi còn đóng cửa ngay cơ sở sản xuất đó trong khi họ đã chuẩn bị rất tốn kém để có thể tạo ra phương án “3 tại chỗ”. Do vậy nhiều DN chủ động không làm nữa. Đây là thực tế hiện nay.

Ngày 6.8, Bộ Công Thương đã có văn bản do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ký gửi Bộ Y tế và mạnh dạn có ý kiến đề xuất một số biện pháp có thể phù hợp hơn so với “3 tại chỗ” hiện nay, thích nghi hơn trong điều kiện mới vì còn phải làm lâu dài, chứ không phải chỉ trong 1 thời gian ngắn.

Trong đó có rất nhiều đề xuất, kiến nghị, thậm chí là sửa đổi các quy định từ trước đến nay của Bộ Y tế liên quan đến hoạt động sản xuất, nhất là sản xuất trong các trung tâm công nghiệp. Hoặc nếu có F0 thì xử lý thế nào? Không bắt người lao động ở liền suốt 1 thời gian dài; họ cũng có thể được ra ngoài nhưng phải theo một quy định.

“Sản xuất là tốt và phải làm. Đó là mục tiêu Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Nhưng trước hết là phải chống dịch. Vì thế Bộ Y tế có vai trò hết sức quan trọng trong việc đưa ra các quy định phù hợp để có thể vừa chống dịch vừa tiếp tục sản xuất. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế để có thể ban hành sớm nhất văn bản, mang lại hiệu quả thiết thực vừa chống dịch vừa bảo đảm sản xuất công nghiệp, phát triển kinh tế”, ông Hải nói.

Bài liên quan
Bằng mọi biện pháp mua vắc xin nhiều nhất, sớm nhất có thể
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh chiến lược vắc xin, bằng mọi biện pháp phải mua vắc xin nhiều nhất, sớm nhất có thể.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi vắc xin về nhiều, có thể tiêm 2 triệu mũi một ngày