UBND TP.HCM đã chấp thuận cho Công ty cổ phần thể thao Thái Sơn Nam đầu tư vào Khu liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc (phường An Phú, quận 2).

Khởi động Khu liên hợp Thể dục thể thao Quốc gia Rạch Chiếc sau 22 năm ‘trùm mền’

Phan Diệu | 19/09/2016, 17:38

UBND TP.HCM đã chấp thuận cho Công ty cổ phần thể thao Thái Sơn Nam đầu tư vào Khu liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc (phường An Phú, quận 2).

Theo đó, dự án này gồm các hạng mục như khu luyện tập và nhà thi đấu môn bóng đá trong nhà (Futsal), bóng chuyền, bóng rổ; văn phòng điều hành; khu lưu trú vận động viên, huấn luyện viên và cán bộ nhân viên phục vụ; nhà ăn tập thể, dịch vụ ăn uống, giải trí cho vận động viên và huấn luyện viên.

UBND TP.HCM giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Trung tâm Thể dục thể thao Rạch Chiếc làm việc với Công ty Nikken Sekkei Ltd (Nhật Bản) rà soát quy hoạch, cập nhật bổ sung các hạng mục đầu tư nói trên của Công ty Thái Sơn Nam vào quy hoạch sẵn có trong đề án quy hoạch Khu liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc.

Theo quy hoạch từ tháng 2.1994, Khu liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc có quy mô 466 ha bao gồm các công trình thể thao đạt chuẩn Olympic như sân vận động 50.000 chỗ thi đấu bóng đá và thi điền kinh, nhà thi đấu thể thao tổng hợp, hồ bơi... nhằm có thể tổ chức các giải đấu quốc tế lớn. Chưa kể, nơi đây còn có công viên giải trí phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, sau 22 năm quy hoạch, hiện tại dự án vẫn chỉ là bãi đất trống bao la, cỏ mọc um tùm xen lẫn xung quanh là nhà dân.

Đáng chú ý, theo quy hoạch mới đây của UBND TP.HCM, so với diện tích 466 ha được phê duyệt năm 1994 thì đến nay diện tích của dự án đã giảm xuống chỉ còn 180 ha. Khu liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc vẫn giữ vị trí không đổi so với đồ án quy hoạch phê duyệt năm 1994 nhưng chỉ tồn tại chức năng thể dục thể thao đạt tiêu chuẩn thi đấu quốc tế, giảm bớt các chức năng vui chơi giải trí khác.

Cảnh quan khu vực này mang dáng dấp của các công trình thể dục thể thao gồm sân vận động, nhà thi đấu, sân thể thao ngoài trời, khu thể thao dưới nước, trung tâm truyền thông, khu nhà ở vận động viên.

Đáng chú ý, hồi tháng 8.2016 đã có bốn nhà đầu tư gồm Công ty Nutifood, Công ty Thái Sơn Nam, Tập đoàn J-CODE (Nhật Bản) và Công ty TNHH Vietnam Sports Platform (Hàn Quốc) muốn tham gia đầu tư các công trình thuộc dự án Khu liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc.

Tổng vốn đầu tư các công trình thể dục thể thao và hạ tầng kỹ thuật toàn khu ước tính khoảng 34.000 tỉ đồng. Trong số này, dự kiến thành phố sẽ phải thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2017 đến 2020 với tổng chi phí gần 7.000 tỉ đồng để các nhà đầu tư triển khai các hạng mục bên trong khu.

Trong số bốn nhà đầu tư đề xuất tham gia dự án trên, Công ty Vietnam Sports Platform (Hàn Quốc) đã đề xuất xây dựng sân vận động thể thao tiêu chuẩn quốc tế tích hợp đường đua xe đạp lòng chảo trong nhà và đường đua xe mô tô ngoài trời trên diện tích đất khoảng 15 ha.

Tập đoàn J-CODE của Nhật Bản quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật toàn bộ Khu liên hợp Thể dục thể thao Rạch Chiếc theo hình thức hợp tác công-tư.

Trong khi đó, Công ty Thái Sơn Nam lại đề xuất được đầu tư xây dựng Trung tâm Thể thao bóng đá futsal với diện tích 11 ha trong khu liên hợp này. Công ty Nutifood đề xuất xây dựng một học viện bóng đá quy mô hiện đại bằng nguồn vốn xã hội hóa trên diện tích khoảng 5 ha trong khu liên hợp Rạch Chiếc.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
8 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khởi động Khu liên hợp Thể dục thể thao Quốc gia Rạch Chiếc sau 22 năm ‘trùm mền’