Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE) xác định bên cạnh cuộc chiến tại Ukraine do Nga phát động tạo nên khủng hoảng lương thực toàn cầu và đẩy giá năng lượng cao, chính sách của Trung Quốc đối với phân bón, thép, thịt lợn cũng đang làm cho tình hình hình lạm phát trở nên trầm trọng hơn.

Không chỉ Nga, Trung Quốc cũng khiến lạm phát toàn cầu thêm trầm trọng

Cẩm Bình | 03/05/2022, 11:17

Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE) xác định bên cạnh cuộc chiến tại Ukraine do Nga phát động tạo nên khủng hoảng lương thực toàn cầu và đẩy giá năng lượng cao, chính sách của Trung Quốc đối với phân bón, thép, thịt lợn cũng đang làm cho tình hình hình lạm phát trở nên trầm trọng hơn.

Theo hai nhà phân tích PIIE Chad Bown và Yilin Wang: “Cuộc chiến tại Ukraine gây ra thiệt hại đáng kinh ngạc cho khu vực, đồng thời cũng gây ra khủng hoảng lương thực toàn cầu vì Nga đang ngăn chặn hoạt động xuất khẩu phân bón quan trọng mà nông dân nơi khác cần đến, trong khi vai trò vựa ngũ cốc cho châu Phi và Trung Đông là Ukraine bị phá hoại”.

Hai nhà phân tích chỉ ra một nguy cơ nữa đối với an ninh lương thực toàn cầu không được chú ý đến: hạn chế cùng thuế quan mà Trung Quốc áp đặt với 3 mặt hàng quan trọng là phân bón, thép cùng thịt lợn.

“Rắc rối của Trung Quốc là họ tiếp tục hành xử như một nước nhỏ. Các chính sách của họ thường mang lại hiệu quả trong nước, chẳng hạn như giảm chi phí đầu vào cho công nghiệp hoặc một nhóm đối tượng nông dân nào đó. Đây là loạt chính sách giải quyết rắc rối nội địa nhưng chuyển chi phí cho người dân nước khác”, theo hai nhà phân tích.

Phân bón

Giá phân bón tại Trung Quốc lẫn trên thế giới bắt đầu tăng vào năm ngoái do nhu cầu mạnh và giá năng lượng cao hơn. Cuộc chiến tại Ukraine càng khiến giá tăng cao hơn nữa.

Tháng 7.2021, giới chức Trung Quốc yêu cầu một số công ty lớn tạm ngừng xuất khẩu phân bón để đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước. Đến tháng 10 khi giá tiếp tục tăng thì họ lại bắt đầu giám sát xuất khẩu chặt chẽ hơn. Hãng tin Reuters cho biết quy định hạn chế đang và sẽ kéo dài trong năm nay.

Hạn chế xuất khẩu cộng với gia tăng năng lực sản xuất trong nước giúp giá phân bón tại Trung Quốc chững lại, thậm chí còn bắt đầu giảm, trái ngược với tình hình thế giới chứng kiến giá phân bón tăng cao hơn gấp đôi so với một năm trước đó.

fb8f8873-fea0-4890-addb-b4002450c84c.jpeg
Trung Quốc kiểm soát chặt hoạt động xuất khẩu phân bón - Ảnh: Global Times

Trước khi áp đặt hạn chế, phân bón Trung Quốc trong tổng xuất khẩu phân bón, phốt phát, kali lần lượt chiếm 24%, 13% và 2%. PIIE đánh giá cách làm của Trung Quốc là “đẩy vấn đề sang cho nước khác”.

Ít phân bón hơn nghĩa là có ít lương thực được trồng hơn, đem lại áp lực lớn hơn cho nguồn cung lương thực toàn cầu vốn đang chịu ảnh hưởng xấu từ cuộc chiến tại Ukraine. Nga và Ukraine là hai quốc gia xuất khẩu lúa mì, lúa mạch, ngô, dầu hướng dương hàng đầu thế giới.

Thép

Chính sách giảm sản lượng để theo đuổi mục tiêu giảm phát thải carbon của Trung Quốc khiến giá thép tại nước này lẫn trên thế giới tăng nhanh trong vài năm qua.

Để giảm giá trong nước, giới chức Trung Quốc vào năm ngoái dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thép phế liệu đồng thời áp đặt hạn chế xuất khẩu, tăng thuế xuất khẩu với 5 sản phẩm thép.

Đến tháng 3.2022, giá thép tại Trung Quốc đã thấp hơn 5% so với trước lúc áp đặt hạn chế.

“Nhưng cũng như trường hợp của phân bón, mức giảm này đánh đổi bằng giá thép cao hơn ở bên ngoài”, PIIE cho biết.

Thịt lợn

Giá thịt lợn thế giới bắt đầu ở mức cao kể từ năm 2018 khi Trung Quốc hứng chịu đợt dịch tả lợn châu Phi.

Do phải tiêu hủy đến 40% đàn lợn, giá thịt lợn tại Trung Quốc vào cuối năm 2019 tăng hơn gấp đôi. Giá thế giới cũng tăng thêm 25% vì Trung Quốc tăng nhập thịt lợn lấy đi lượng lớn nguồn cung.

china00.jpg
Một phần lớn nguồn cung thịt lợn toàn cầu bị Trung Quốc nhập khẩu - Ảnh: Getty Images

“Trung Quốc giảm áp lực giá nội địa bằng cách khai thác hàng nhập khẩu. Chính sách này ảnh hưởng phần còn lại của thế giới”, theo PIIE.

Bắc Kinh cũng cắt giảm thuế nhập khẩu thịt lợn vào năm 2020 - động thái có thể khiến người tiêu dùng ở nơi khác phải chịu giá cao hơn do nguồn cung giảm. Tuy nhiên giới chức nước này lại một lần nữa tăng thuế trong năm nay khi tình hình dịch tả lợn châu Phi đã lắng dịu, đem đến triển vọng nguồn cung toàn cầu được giải phóng.

Bài liên quan
Nga quyết tâm phá vỡ phòng tuyến Ukraine bằng tên lửa xuyên lục địa, Kyiv đáp trả kiên cường với nguồn lực kiệt quệ
Theo New York Times, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã bước sang một giai đoạn mới, khốc liệt hơn, với việc Nga tăng cường các cuộc tấn công dọc các mặt trận ở miền đông và miền nam Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không chỉ Nga, Trung Quốc cũng khiến lạm phát toàn cầu thêm trầm trọng