Li Bing vẫn còn nhớ rất rõ cảnh nhà hàng nhỏ ở thành phố Huệ Châu của bà nườm nượp đón khách từ một nhà máy gần đó.
Tuy nhiên trong 2 tháng qua, nhà hàng lại luôn còn nhiều bàn trống - ảm đạm như tình trạng khu phức hợp Kim Hân Đạt hiện tại. Nguyên nhân chính là vì nhà máy Samsung tại đây (cơ sở sản xuất điện thoại thông minh cuối cùng tại Trung Quốc của tập đoàn Hàn Quốc) vừa đóng cửa vào tháng 10.
Nhà hàng Li Bing là một trong số doanh nghiệp địa phương hưởng lợi từ lượng lao động khổng lồ đến Kim Hân Đạt làm việc suốt 3 thập kỷ nay. Bà cho biết: “Lúc Samsung chưa rời khỏi, 1 tháng chúng tôi có thể kiếm 60.000 - 70.000 Nhân dân tệ (8.500 - 9.900 USD). Phần lớn khách là nhân viên hoặc đối tác cung cấp hợp tác với Samsung. Nhưng giờ thì mỗi đêm chỉ có 2 - 3 bàn có khách, doanh thu một ngày chỉ còn vài trăm tệ”.
Để tránh bị cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động, Samsung quyết định chuyển dây chuyền sản xuất sang nơi khác. Nhiều công nhân lên mạng bày tỏ thất vọng khi mất công việc gắn bó lâu năm.
Không chỉ công nhân, hàng loạt doanh nghiệp địa phương cũng hứng chịu thiệt hại. Do không có đơn vị nào sẵn sàng tiếp nhận Kim Hân Đạt, ít nhất 60% doanh nghiệp kinh doanh gần khu phức hợp đã đóng cửa. Tình hình nhiều khả năng ngày càng tồi tệ.
Chủ nhiệm Viện nghiên cứu xã hội đương đại (ICO) Lưu Khai Dân cho biết: “Samsung là nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Khu phức hợp họ xây dựng tạo nên hẳn một chuỗi cung ứng tại Quảng Đông cùng các tỉnh lân cận trong 20 năm. Sẽ có ít nhất 100 nhà máy ở Quảng Đông phải đóng cửa vì chẳng thể hoạt động nếu thiếu Samsung, chưa kể hàng loạt hàng quán trải dọc vùng xung quanh”.
Tác động của việc Samsung rời khỏi lan sang cả thị trấn Trường An cách Huệ Châu 100km - nơi hàng ngàn lao động nhập cư lẫn nhân sự cấp cao làm việc cho công ty Janus Intelligent giảm giờ làm đáng kể. Một số người có “kỳ nghỉ” bất đắc dĩ kéo dài đến 3 tháng, số khác chỉ làm việc 1 đến 2 ngày/tuần.
Samsung là khách hàng lớn nhất của Janus kể từ những năm 2000. Năm ngoái công ty công bố khoản lỗ 2,86 tỷ tệ (405 triệu USD) do tập đoàn Hàn Quốc dừng đặt hàng trong quý 4.2018, sang tháng 9.2019 thì bán phần lớn vốn sở hữu nhà máy ở Đông Quản cho hãng Firstar Panel.
Từ tháng trước, 2/3 công nhân nhà máy này nhận thông báo làm việc cách ngày. Một công nhân người Hà Nam đánh giá Firstar muốn ép người lao động tự nghỉ việc bằng cách khiến họ không thể kiếm đủ thu nhập bình thường.
Theo luật lao động địa phương thì công nhân phải làm việc 22 ngày/tháng mới được nhận mức lương cơ bản 1.800 tệ (255 USD). Tuy nhiên nhiều công nhân Firstar tháng 11 chỉ làm việc 15 - 16 ngày.
Quay trở lại Huệ Châu, bà chủ Li hy vọng chính quyền thành phố sớm tìm ra đơn vị đặt nhà máy với 2.000 - 3.000 công nhân để cứu hoạt động kinh doanh của họ khỏi cảnh khó khăn. Chủ một nhà hàng khác thậm chí còn nóng lòng hơn, ông sẵn lòng chấp nhận nhà máy mới chỉ có 1.000 - 2.000 công nhân.
Cẩm Bình (theo SCMP)