Niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc chưa thể trở về mức trước đại dịch.

Kinh tế Trung Quốc chưa thể khởi sắc vì người dân còn ‘sốc tâm lý’ sau đại dịch

Cẩm Bình | 14/08/2021, 11:03

Niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc chưa thể trở về mức trước đại dịch.

Giới phân tích chỉ ra 2 nguyên nhân chính ảnh hưởng niềm tin người tiêu dùng: kiểm soát COVID-19 bằng cách tiếp cận “không khoan nhượng” và thông tin vắc xin Trung Quốc tự sản xuất đạt hiệu quả thấp trong chống lại biến thể Delta.

Biến thể Delta từng càn quét tỉnh Quảng Đông vào tháng 5 nay lại lan từ thành phố Nam Kinh ra hơn 17 tỉnh cùng khu vực khác, Trung Quốc mỗi ngày đều ghi nhận thêm khoảng 100 ca mới. Tình hình dịch bệnh làm suy yếu đà phục hồi kinh tế.

Theo nhà kinh tế Nigel Chiang thuộc tổ chức nghiên cứu - tư vấn độc lập Centennial Asia Advisors: “Đại dịch gây ra cú sốc tâm lý cho hộ gia đình mức sống trung bình ở Trung Quốc. Hành vi chi tiêu có thay đổi về cơ bản xuất phát từ việc một bộ phận người dân cảm thấy lo lắng hơn bất chấp kinh tế phục hồi”.

Ông còn chỉ ra rằng trước đại dịch, các hộ gia đình Trung Quốc đã khá bất an về tài chính bởi hàng loạt yếu tố như điều chỉnh lương hưu ít, vấn đề chi trả nhà ở, dân số già.

china00.jpg
Khó khăn bủa vây kinh tế Trung Quốc - Ảnh: SCMP

Mất liên kết giữa phục hồi kinh tế (mạnh mẽ mặc dù chậm lại) với niềm tin người tiêu dùng (yếu) có nguy cơ khiến loạt vấn đề trong cơ cấu kinh tế Trung Quốc trở nên trầm trọng – từ đó tác động xấu lại lên tăng trưởng, giới phân tích lưu ý.

Nhà kinh tế Trương Trí Uy thuộc công ty quản lý đầu tư Bảo Ngân (Pinpoint Asset Management) nhận định vấn đề chính của chi tiêu tiêu dùng là làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập cũng như chênh lệch vùng miền.

So với 2 năm trước, chi tiêu ở Hải Nam, An Huy, Cát Lâm trong quý 2 năm nay tăng hơn 20%, nhưng chi tiêu ở Hồ Bắc, Liêu Ninh chưa thể trở về mức trước đại dịch.

“Phân hóa ở cấp thành phố cũng nghiêm trọng không kém. Có đến 5 thành phố trực thuộc tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương không thể đạt mức doanh thu bán lẻ 2 năm trước. Trong năm qua tốc độ tăng thu nhập của gia đình thu nhập thấp tương đối chậm – có thể là một trong số nguyên nhân khiến tiêu dùng yếu hiện nay”, nhà kinh tế Trương cho biết.

Tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình đã giảm sau 1 năm duy trì ở mức cao: từ 33,3% quý 1.2021 xuống 30,5% quý 2. Tuy nhiên nhà kinh tế Thiểm Huy thuộc ngân hàng Goldman Sachs đánh giá tỷ lệ tiết kiệm giảm chưa chắc báo hiệu tiêu dùng phục hồi bền vững.

Nhà kinh tế Việt Tô thuộc tổ chức nghiên cứu The Economist Intelligence Unit (EIC) cho rằng phục hồi nhu cầu trong nước và ngăn chặn tình trạng việc làm xấu đi là thử thách lớn với chính phủ Trung Quốc: “Chúng tôi không kỳ vọng tiêu dùng tư nhân giai đoạn 2021 - 2025 sẽ trở lại tốc độ tăng trưởng trước đại dịch vì hàng loạt vấn đề liên quan đến tăng lương và thất nghiệp ở dân số trẻ. Tỷ lệ thất nghiệp ở dân số độ tuổi 16 - 24 tiếp tục tăng”.

Theo dữ liệu EIC, tỷ lệ thất nghiệp của dân số độ tuổi 16 - 24 từ 12,3% (tháng 12.2020) lên 13,1% (tháng 2.2021) rồi tăng đến 15,4% (tháng 6.2021). Trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp của dân số 25 - 29 tuổi giảm từ 5% (tháng 2.2021) xuống 4,2% (tháng 6.2021).

Theo giáo sư Lưu Nghị Bằng thuộc Học viện Kinh doanh Henley (Anh): “Trung Quốc là trung tâm sản xuất của thế giới. Cơ cấu kinh tế hiện tại sẽ tiếp tục nên chúng ta có thể ghi nhận tăng trưởng mức vừa phải hoặc có triển vọng từ Trung Quốc”.

Nhiều nhà kinh tế dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khoảng 5,5 - 6% hàng năm thay vì mức hai con số như trước. Nhưng rủi ro còn ở phía trước: bùng nổ xuất khẩu sau đại dịch đạt đỉnh, chi phí nguyên liệu thô cao và thiếu hụt nguồn cung ảnh hưởng hoạt động sản xuất, nhu cầu mua hàng hóa giá trị lớn như ô tô hay điện thoại gần như đã bão hòa gây khó cho tiêu dùng chung – tất cả đều có thể khiến tăng trưởng 2022 chỉ khoảng 5,5 - 5,2%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế Trung Quốc chưa thể khởi sắc vì người dân còn ‘sốc tâm lý’ sau đại dịch