Sau khi ông Kim Jong-un thừa nhiệm vai trò lãnh đạo của người cha Kim Jong-il, nhiều nhà phân tích Triều Tiên đánh giá ông không xứng tầm lãnh đạo, chính vì gần như không ai biết gì về người con út của vị cố Chủ tịch Triều Tiên.
CIA thừa nhận họ chỉ có 1 ảnh chụp ông Kim Jong-un lúc 11 tuổi, và có cả sự lẫn lộn về năm sinh của ông: 1983 hay 1984?
Nhưng chỉ vài tuần sau khi “đăng quang”, ông Kim Jong-un đã là lãnh đạo đảng Lao động Triều Tiên, đứng đầu chính phủ, quân đội và lãnh đạo một đất nước 23 triệu dân.
Trong chỉ hai năm đầu cầm quyền, ông Kim Jong-un đã chứng minh ông sẵn sàng ‘xử lý’ những phần tử chống đối.
‘Ánh mắt đe dọa’ từ lúc mới 7 tuổi
Thực ra ông Kim Jong-un duy trì thế thượng phong, bằng cách để các bè phái trong chính phủ kình chống nhau, gây hoang mang cho các kẻ thù tiềm năng.
Đảng Lao động Triều Tiên và quân đội là hai khối muốn giành ưu thế, trong khi giới khoa học phụ trách phát triển vũ khí, còn các cán bộ công chức báo cáo trực tiếp với ông Kim Jong-un.
Ngược với người con út, khi ông Kim Jong-il làm lãnh đạo năm 1944, ông phải chật vật đối phó với các bè phái không muốn thừa nhận người con của nhà lập quốc Kim Nhật Thành.
Nhưng ông Kim Jong-il chỉ dần loại bỏ các phần tử chống đối, và lập sự thống trị của dòng họ Kim, bằng cách ‘dập’ ngay bất kỳ ai mà ông nghi là ‘bất trung’ với người con út Kim Jong-un.
Người anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong-un là Kim Jong-nam lẽ ra ‘kế ngôi’, nhưng bị thất sủng năm 2001, khi bị phát hiện dùng hộ chiếu giả để nhập cảnh Nhật Bản, chỉ vì ông muốn tham quan công viên giải trí Tokyo Disneyland.
Tháng 2.2017, Kim Jong-nam chết vì bị xịt chất độc thần kinh VX vào mặt, trong lúc ông chuẩn bị lên máy bay ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.
Không rõ vì sao người con trai thứ Kim Jong-chul lại không được ông Kim Jong-il chọn ‘kế ngôi’. Nhưng theo đầu bếp suốt 13 năm của ông là Kenji Fujimoto (người Nhật) thì người con này bị đánh giá là “nhu nhược”.
Trong cuốn sách ra năm 2003, Fujimoto kể có một lần gặp Kim Jong-un 7 tuổi: “Cậu mặc quân phục, giống cha như tạc, kể cả dáng vóc. Cậu trừng mắt nhìn tôi đe dọa khi bắt tay tôi. Tôi không thể quên ánh mắt ấy, như có vẻ nhận định “Đây là một gã Nhật ti tiện”.
Chuyên gia về Triều Tiên Leonid Petrov (người Nga) ở Đại học quốc gia Úc, nói: “Ông Kim Jong-il phá truyền thống triều đình, chọn người con út kế nhiệm vì biết ông Kim Jong-un sẽ là một nhà độc tài hoàn hảo”.
Cơ quan tuyên truyền ở Triều Tiên mô tả nhà lãnh đạo là ‘Kim Nhật Thành thứ hai’, vì ông Kim Jong-un giống ông nội từ kiểu tóc, thích trang phục màu sẫm và thích hút xì-gà.
Petrov cũng nói: “Người dân Triều Tiên rất kính trọng ông Kim Nhật Thành, người gần gũi dân chúng nhưng cứng rắn với giới quyền thế, trong khi ông Kim Jong-il được xem là người biết hạ mình khi cư xử với binh lính”.
Trên hết, sự thống trị của ông Kim Jong-un được thể hiện bằng chương trình tên lửa và hạt nhân đầy tham vọng, nhằm đè bẹp mối đe dọa từ người của ông trong cánh quân đội.
Ông Kim Jong-un nhìn cha Kim Jong-il
‘Nếu bị Mỹ bao vây, Kim Jong-un có thể tấn công tự sát’
Kho vũ khí hạt nhân là cơ hội tồn tại duy nhất của Triều Tiên trước sự uy hiếp cùng mục tiêu ‘thay đổi chế độ Bình Nhưỡng’ của Mỹ.
Nếu không thể có vũ khí hạt nhân đủ khả năng tấn công nước Mỹ, ông Kim Jong-un có thể gặp phải số phận bị lật đổ của Đại tá Gaddafi (lãnh đạo Libya) và Tổng thống Iraq Saddam Hussein.
Giới truyền thông nhà nước thường mô tả “bọn sói Mỹ nay chực chờ ở cửa ngõ Triều Tiên”, và mới đây, Tổng thống Nga Putin nói: “Dân Triều Tiên thà chịu gặm cỏ chứ sẽ không ngưng chương trình hạt nhân khi nào họ chưa cảm thấy an toàn”.
Nhưng sự ám ảnh sở hữu vũ khí hạt nhân chỉ là một phần câu chuyện. Ông Kim Jong-un dám từ bỏ chủ trương kinh tế do nhà nước lập kế hoạch, cho phép tư thương mở thị trường, khuyến khích cơn bùng nổ xây dựng ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Thương mại biên giới (biên mậu) giữa Triều-Trung nở rộ, luật được nới lỏng để cho phép người dân ra nước ngoài kiếm ngoại tệ mạnh cần thiết cho đất nước.
Đây là chính sách “cùng tiến bộ’ (byungjin) qua đó kêu gọi Triều Tiên vừa phát triển chương trình vũ khí hạt nhân cùng phát triển kinh tế. Lý thuyết là khi phát triển vũ khí này, Bình Nhưỡng có thể chi tiền (dành để mua vũ khí quy ước đắt tiền) cho việc cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhân dân Triều Tiên.
Có những dấu hiệu cho thấy chính sách trên đạt hiệu quả, kinh tế Triều Tiên tăng trưởng 3,9% hồi năm 2016 (tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong 17 năm), theo Ngân hàng trung ương Hàn Quốc.
Chuyên gia Petrov nói: “Kim không giỏi về ngoại giao. Nhưng trong nước, ông ấy gặt hái nhiều thành quả hơn cha và ông nội ông ấy. Kim đã từ bỏ chính sách quân đội trên hết, thay vào đó là chính sách kép củng cố an ninh và kinh tế, và cho đến nay đạt hiệu quả”.
Nhưng sau nhiều tháng đôi co với Tổng thống Mỹ Donald Trump, vài chuyên gia lo ngại:
Một sự va chạm kinh hoàng giữa tính cách thất thường của ông Kim Jong-un với một lãnh đạo Mỹ hoàn toàn khó thể lường trước sẽ càng khiến cuộc đối đầu Triều-Mỹ ngày càng nguy hiểm hơn.
Bradley Martin, tác giả cuốn sách Dưới sự chăm lo của cha già dân tộc, Triều Tiên và triều đại Kim, nói:
“Tôi không nghĩ Kim Jong-un là người điên, nhưng ông ấy cảm thấy cần duy trì hình ảnh một người mạnh mẽ, và như cha ông, ông ấy không chấp nhận một thất bại đã trông thấy trước. Ông ấy chỉ muốn thắng chứ không muốn hòa. Nếu ông ấy bị bao vây, ông ta có thể phản ứng theo cách Nhật phản ứng với Mỹ bằng cách cho phi đội quyết tử kamikaze ném bom Trân Châu Cảng, một hành động có thể gọi là tấn công tự sát”.
+Ông Kim Jong-un từng được du học tại Thụy Sĩ với tên giả và khai là con của một nhà ngoại giao Triều Tiên, từ năm 1998 đến năm 2000 thì bất ngờ được triệu về nước.
+ Ở Thụy Sĩ, cậu học sinh học tiếng Đức và giám đốc sở giáo dục địa phương, ông Ueli Studer mô tả cậu là “một học sinh dễ hòa nhập, chăm học và có tham vọng”.
+ Các bạn học cũ thường mô tả Kim Jong-un mê bóng rổ, phim ‘khủng’ Mỹ và thích chơi video game. Cậu nổi bật với những đôi giày thể thao Nike đắt tiền, luôn được bảo vệ đón đưa.
+ Joao Micaelo, một bạn học cũ nói hồi năm 2010: “Cậu ấy ít kể chuyện nước nhà, nhưng thường chơi nhạc Triều Tiên, nhất là biểu diễn quốc ca Triều Tiên, tôi nhớ rõ lắm”.
+ Các bạn học cũ khác kể Kim Jong-un mê bóng rổ, là fan của CLB Chicago Bulls và dành hẳn một phòng lớn trong nhà để trưng tất cả những vật lưu niệm của đội bóng rổ Mỹ này.
Vĩnh Thụy (theo Guardian)