Bị bao vây, dinh Độc Lập dùng đường dây truyền tin riêng liên lạc với đại sứ Mỹ Durbrow để dò xem thái độ của người Mỹ đối với cuộc đảo chánh đang diễn ra...
Và cả hai ông Diệm - Nhu đều chẳng vui gì khi nhận câu trả lời hững hờ, lấp lửng của đại sứ Durbrow, rằng chính phủ Mỹ “đứng ngoài cuộc”, giữ vai trò “nhân chứng” chứ không can thiệp xung đột giữa hai phe.
Thái độ “đứng ngoài cuộc” không lên tiếng cứu nguy dinh Độc Lập đồng nghĩa với việc Mỹ muốn gián tiếp thông báo để giới quan sát quốc tế biết: chính phủ Mỹ không dành cho chính phủ Ngô Đình Diệm sự ủng hộ toàn diện vào giai đoạn đó.
Giám đốc CIA William Colby xác nhận: “trong lúc súng còn đang nổ, khi trao đổi với nhau trên điện thoại, Durbrow đã nói rõ với Diệm lập trường của Mỹ là không đứng về phe nào” (William Colby - sđd Kỳ 3. tr. 106).
Lưu ý là, lúc trả lời như trên, Durbrow đang ở cạnh Colby:
“Đại sứ Durbrow đến văn phòng CIA (ở Sài Gòn) gặp tôi để trong đêm được ở gần chiếc radio của chúng tôi, nơi luôn luôn nhận được những tin tức cho biết diễn biến của tình hình ở trong dinh, ở sở chỉ huy quân dù, ở Bộ tham mưu và ở chỗ đầu não chính trị của phe đảo chánh (Ủy ban cách mạng - GH). Có một lúc nghe cả tiếng súng nổ” vang ra từ “chiếc radio chuyên dụng” của CIA (W. Colby - sđd tr. 105). Rõ ràng mạng lưới CIA đã “phủ sóng” lên khắp bầu trời của chiến cuộc.
Ngoài phố, mặc dầu có lệnh của Ủy ban cách mạng phát đi trên Đài phát thanh Sài Gòn cấm mọi người ra đường vì sợ đạn lạc nhưng dân chúng vẫn kéo về các tụ điểm đóng quân của Lữ đoàn dù để theo dõi và nghe ngóng tin tức - đi đầu là một đoàn rất đông các nhà báo của “hầu hết các nhật báo thủ đô như Dân Chúng, Thời Báo, Lẽ Sống, Sài Gòn Mới v.v…. - vì lương tâm nghề nghiệp, họ đã bất chấp cả nguy hiểm súng đạn để chạy đi lùng kiếm tôi ở khắp các địa điểm xung yếu. Khi gặp tôi, họ vui vẻ hân hoan ra mặt (…) tôi thấy ở họ thái độ hưởng ứng nồng nhiệt đối với công việc mà chúng tôi đang khởi động và tranh nhau phỏng vấn” (Nguyễn Chánh Thi, sđd Kỳ 25, tr. 122).
Trả lời một trong các câu hỏi được báo chí nêu lên về “vai trò của ngoại bang (ám chỉ Mỹ hoặc Pháp) trong đảo chánh ra sao?” - Thi đáp:
- “Tuyệt nhiên không có sự nhúng tay của ngoại quốc, dù xa hay gần, dù trực tiếp hay gián tiếp, dù vật chất hay tinh thần. Tôi xin cam đoan rằng không một người ngoại kiều nào được biết đến cuộc đảo chánh này trước khi tiếng súng nổ” (Nguyễn Chánh Thi, sđd. tr. 123).
Nhưng một tài liệu khác của GS Trần Gia Phụng phổ biến từ Toronto (Canada - đầu tháng 11.2012) khẳng định ngược lại: đã có mặt nhân viên tình báo Mỹ ở cả hai phía và CIA nắm biết nội tình của phe đảo chánh trước giờ nổ súng. GS Trần Gia Phụng dẫn cuốn “Những huyền thoại và sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm” của Vĩnh Phúc để thông tin cụ thể:
“Nhân vật chính về phía dân sự tham gia vào biến cố này lúc đầu là luật sư Hoàng Cơ Thụy. Trong cuộc họp tại nhà Hoàng Cơ Thụy vào đêm trước ngày đảo chánh, có mặt một nhân viên CIA tên là George Carver. Về mặt nổi, Carver là nhân viên USOM”.
Riêng William Colby sau này thừa nhận có một số sĩ quan Mỹ đến sở chỉ huy quân dù gần dinh Độc Lập quan sát trận chiến để “liên lạc bằng radio về chỗ chúng tôi”. Khi Ngô Đình Nhu phản ứng (sau ngày dẹp yên chánh biến 11.11.1960), Colby phải giải thích về việc đó:
- “Nhiệm vụ của CIA bắt buộc chúng tôi phải tìm hiểu xem thực sự tình hình là thế nào giữa cả hai bên”.
Nhu nói thẳng thừng:
- “Nước nào cũng chơi trò tình báo… nhưng không một nước nào kể cả chúng tôi có thể chấp nhận việc một nước khác nhúng mũi vào quyền hành và tiến trình chính trị của mình” (W. Colby, sđd. tr. 106).
Nhu chỉ trích CIA cố tình vượt quá lằn ranh của vai trò “nhân chứng” và đứng vào “trong cuộc” nghiêng về phe nổi dậy. Rồi Nhu nêu bằng chứng để phiền trách việc một viên sĩ quan Mỹ gặp phe chống đối tham gia bàn kế hoạch đảo chánh quân sự. Dầu Colby phủ nhận sĩ quan đó không phải người của CIA, song biện bạch cách nào đi nữa Nhu vẫn “chẳng tin lấy nửa lời và yêu cầu chúng tôi phải cho người này (nhân viên CIA nói trên) về nước” (trục xuất). Colby lắc đầu, từ chối không đáp ứng yêu cầu ấy của Nhu. Hai bên “đi vào ngõ cụt” (chữ Colby dùng).
Căng thẳng tiếp tục giữa CIA và tình báo dinh Độc Lập cho tới một hôm nhân viên CIA nói trên “thấy trong hòm thư của mình một lá thư (nhân danh phe đảo chánh vừa thất bại - GH) trách anh ta đã khuyến khích họ đảo chánh và bảo đảm với họ rằng Mỹ vẫn ủng hộ họ cho dù kết quả thế nào. Nay chính lúc họ cần được giúp đỡ để tránh bị chính quyền (Diệm) hỏi tội thì chẳng thấy sự ủng hộ ấy đâu. Bức thư còn dọa nếu anh ta không giữ lời thì cả anh ta lẫn gia đình đều bị sát hại” (W. Colby, sđd. tr. 107).
Bằng phân tích nghiệp vụ, Colby biết ngay đây không phải thư của những người thuộc “phe đảo chánh” viết. Mà do tình báo dinh Độc Lập “giả danh phe đảo chánh” thảo ra từ văn phòng trung ương của giám đốc Trần Kim Tuyến - dĩ nhiên, phải có lệnh của Nhu.
Xuất xứ của bức thư rất dễ phát hiện nhờ nét chữ đánh máy chỉ dùng riêng cho phòng điều hành của ông Tuyến. Lẽ nào người đứng đầu ngành tình báo Sài Gòn như ông Tuyến lại phạm phải “sai sót kỹ thuật” sơ đẳng như thế (để tự lộ diện chính mình là tác giả bức thư trước CIA)? Không, chẳng qua tình báo dinh Độc Lập dùng thủ thuật “cố tình sai sót” để “nhắn” với Colby rằng tính mạng của nhân viên CIA kia sẽ gặp nguy hiểm nếu không chịu rời khỏi Sài Gòn về nước. Colby đã đích thân cầm bức thư ấy đến dinh Độc Lập chìa ra trước mặt Nhu với một nụ cười nửa miệng và cái nhìn lạnh ngắt sau đôi kính trắng (còn nữa).
Giao Hưởng
Ảnh tư liệu Internet
Chú thích ảnh:
Giám đốc CIA William Colby (nguyên Trưởng văn phòng CIA tại Sài Gòn từ 1959-1962)