Để làm được điều này, nông nghiệp Việt Nam cần số hóa toàn diện các mắt xích trong chuỗi giá trị nông nghiệp...

Kỳ 5: Hệ sinh thái số cho nông nghiệp sẽ là đích đến, đảm bảo phát triển bền vững

Thu Anh | 18/11/2021, 19:43

Để làm được điều này, nông nghiệp Việt Nam cần số hóa toàn diện các mắt xích trong chuỗi giá trị nông nghiệp...

Cần những bước chuyển dịch

Theo số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia sản xuất lúa gạo. Phân tích từ FPT Digital cho thấy lúa gạo là mặt hàng nông sản mũi nhọn của Việt Nam về tổng sản lượng; tuy giảm về lượng, giá trị xuất khẩu của gạo Việt Nam năm 2020 vẫn tăng 9,3%...

Tuy nhiên, theo ông Lê Vũ Minh (Giám đốc khối tư vấn Chiến lược và đổi mới, FPT Digital), sản xuất và sản phẩm nông nghiệp trong tương lai sẽ gặp những thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khi hơn 45.000ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng xâm nhập mặn trong vụ mùa 2020-2021.

Bên cạnh đó là thách thức về xu hướng chuyển dịch lao động. Cụ thể, sự cạnh tranh từ khối ngành công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là lao động trình độ cao sẽ dẫn đến sự thâm hụt về nguồn lao động cho nông nghiệp.

he-sinh-thai-so-cho-nong-nghiep-se-la-dich-den-dam-bao-phat-trien-ben-vung.jpg
Nông nghiệp thông minh là xu hướng chính của nông nghiệp trên thế giới - Ảnh: Internet

“Do đó, ngành nông nghiệp Việt Nam cần có những bước chuyển dịch tương ứng nhằm tăng hiệu quả trong canh tác, sản xuất để bắt kịp xu thế thị trường. Chuyển đổi số sẽ là nền tảng hỗ trợ quá trình này”, ông Minh nhấn mạnh.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Minh cũng chỉ ra rằng xu hướng chính của nông nghiệp trên thế giới chính là nông nghiệp thông minh, với công nghệ là nền tảng cho sự phát triển.

Theo các chuyên gia, ở Việt Nam, chuyển đổi số có thể bắt đầu từ những công nghệ đơn giản, như truy xuất nguồn gốc để nâng tầm giá trị nông sản. Ngày 19.1.2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý truy xuất nguồn gốc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp hơn 3.000 mã số vùng trồng tại 48/63 tỉnh, thành; hơn 1.800 mã số cơ sở đóng gói. Nông sản được dán tem nhãn QR giúp người tiêu dùng truy xuất thông tin bằng điện thoại thông minh. Ở giai đoạn tiếp theo, “Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia” được đưa vào vận hành, nhằm thúc đẩy cuộc đua về truy xuất nguồn gốc.

Từ những công nghệ đơn giản ở bước đầu, đại diện FPT Digital cho biết một số tỉnh, thành ở Việt Nam đã ứng dụng những công nghệ hiện đại. Điển hình như IoT kết nối thiết bị, quản lý tự động trong trồng trọt, canh tác cà chua tại Đà Lạt, giúp tăng 4 – 5 lần năng suất so với canh tác truyền thống, đạt tiểu chuẩn GAP của châu Âu, bán ra với giá cao…

Cần số hóa toàn diện các mắt xích

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2015, số chuỗi liên kết sản xuất an toàn của tỉnh tăng với 165 chuỗi và hơn 16.600 hộ tham gia; xây dựng thành công 26 nhãn hiệu, trong đó 23 nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận.

Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 329 hợp tác xã nông nghiệp với 74 hợp tác xã ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

he-sinh-thai-so-cho-nong-nghiep-se-la-dich-den-dam-bao-phat-trien-ben-vung.png
Đến hết năm 2020, Lâm Đồng có 74 hợp tác xã ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh: Sở NNPTNT Lâm Đồng

Ngoài ra, từ năm 2016-2020, việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm giúp giảm 30% lượng phân bón cung cấp cho cây trồng công nghệ cao ở Lâm Đồng. Các công nghệ mới, như canh tác thủy canh, khí canh đã từng bước được ứng dụng trong sản xuất. Đặc biệt có việc triển khai các công nghệ IoT trong chăn nuôi và hệ thống cảm biến canh tác…

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, bất cập chung; điển hình như việc ứng dụng KH-CN vào phát triển nông nghiệp chưa đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh. Công nghệ sau thu hoạch còn hạn chế. Công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp còn hạn chế; công tác quản lý quy hoạch chưa đảm bảo…

Ngoài ra, đó còn là những rào cản, rủi ro về thiên tai, khí hậu, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ, quỹ đất ngày càng hạn chế… đang khiến cho việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn…

Ông Lê Vũ Minh nhấn mạnh: “Hệ sinh thái số cho nông nghiệp sẽ là đích đến để đảm bảo phát triển bền vững”. Để làm được điều này, nông nghiệp Việt Nam cần số hóa toàn diện các mắt xích trong chuỗi giá trị nông nghiệp, thu thập dữ liệu; xây dựng mạng lưới thương mại điện tử kết nối nông nghiệp với chế biến, tiêu thụ; kết nối hệ sinh thái số.

Ông Minh cũng lấy ví dụ thực tế từ Ấn Độ, khi quốc gia này đang hoàn thiện “Hệ sinh thái nông nghiệp kỹ thuật số (IDEA) giúp tăng thu nhập của nông dân và tăng hiệu quả nông nghiệp nói chung. Hệ sinh thái hoàn thiện trên cơ sở Ấn Độ đã có trình độ cao về CNTT trong nông nghiệp.

Một ví dụ khác được đại diện FPT Digital đưa ra chính là Israel, khi họ tập trung đẩy mạnh hệ sinh thái nông nghiệp, đặc biệt là kênh tiêu thụ. Hiện 60% hoa được bán trực tiếp cho Tây Âu, còn lại hầu hết bán buôn cho hàng chục nước qua nền tảng số.

Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho rằng chúng ta cần duy trì thực hiện thường xuyên và đồng bộ hoạt động tuyên truyền về chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, kết nối vùng, kết nối thị trường là việc quan trọng cần phải làm để đảm bảo bố trí sản xuất, điều tiết lưu thông nông sản phù hợp, đảm bảo cân đối giữa cung - cầu và nâng cao chất lượng, giá trị nông sản…

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Bài liên quan
KH-CN và đổi mới sáng tạo-công cụ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững
KH-CN và đổi mới sáng tạo là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; cung cấp giải pháp giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội, môi trường đối với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và hỗ trợ quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 5: Hệ sinh thái số cho nông nghiệp sẽ là đích đến, đảm bảo phát triển bền vững