Ở miền Tây có một người phụ nữ âm thầm làm kinh tế từ những cây xanh bị lãng quên, đóng góp rất lớn vào việc hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu.

Làm kinh tế từ những cây xanh bị lãng quên

Văn Kim Khanh | 13/03/2023, 19:15

Ở miền Tây có một người phụ nữ âm thầm làm kinh tế từ những cây xanh bị lãng quên, đóng góp rất lớn vào việc hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu.

ban-1.jpg
Vườn ươm bần chua - Ảnh: VKK

Khi lần đầu tiếp xúc với bà Lê Thị Thoa (SN 1967), tôi khá ấn tượng trước một người phụ nữ bình dân nhưng có việc làm mang ý nghĩa lớn. Gia đình bà Thoa làm nghề nông, quê ở xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ. Dù tốt nghiệp ngành luật nhưng bà Thoa lại rẽ sang hướng khác, chọn nghề nhân giống những cây xanh đang bị quên lãng trong quá trình đô thị hóa ở ĐBSCL.

Lý giải về quá trình theo đuổi đam mê này, bà Thoa cho biết: “Tôi đến với cây bần chua bằng một sự ngẫu nhiên. Khi đi du lịch ở đền thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực (Phú Quốc), tôi đã suy nghĩ chuyện lớn hơn về cây bần. Từ những cây bần cổ thụ ở đây, tôi bắt đầu nếm vị chua của trái bần, vị chát của bần non và nghĩ về những cây xanh bảo vệ bờ sông, bờ biển khỏi bị xói lở, cây xanh bảo vệ môi trường… Cũng từ đó tôi bắt đầu những ý tưởng nhân giống, làm những dự án góp phần bảo vệ môi trường trước biến đổi khí hậu”.

ban-2.jpg
Bà Lê Thị Thoa - Ảnh: VKK

Sau 8 năm khởi nghiệp từ ươm giống bần chua vào năm 2015, hiện tại công ty bà Thoa đã có hơn 5 triệu cây bần giống và định hướng đến năm 2025 công ty sẽ có 15 triệu cây để phủ xanh những vùng đất bãi bồi ven sông, biển ở ĐBSCL.

Từ niềm đam mê với cây bần chua, bà Thoa đã sưu tầm và nhân giống thêm cây si rô, cà na; trong đó 2 loại cây chủ lực mà bà quyết tâm nhân lên với số lượng lớn là bần chua và si rô. Đến nay, Công ty TNHH MTV Xây dựng - Thương mại Vạn Thắng do bà Thoa làm giám đốc thường xuyên có khoảng 30 công nhân, cao điểm có đến 70 công nhân để đi trồng cây ở những nơi công ty ký hợp đồng.

Vào năm 2022, Công ty Vạn Thắng đã đầu tư bằng vốn tự có để trồng 1ha bần chua tại Trà Vinh. Đây là sự hợp tác trình diễn cây xanh bảo vệ môi trường của công ty với UBND và Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh để các tỉnh khác tham quan, học hỏi.

ban-3.jpg
Trái bần chua - Ảnh: Internet

Bần chua còn có tên bần sẻ, tên khoa học là Sonneratia caseolaris. Đây là một loài thực vật có hoa trong họ Lythraceae. Người dân ĐBSCL gọi cây này là bần chua vì trái chín to bằng lòng bàn tay, dẹp, đẹp và có vị rất chua. Khi trái bần chín, hạt bần trôi theo nước vào những bãi bồi ở ven sông và tiếp tục mọc lên thành những rặng bần xanh um ven sông. Cây bần có gỗ cứng, nhánh bần cùng với lá bần tạo nên dáng như cây liễu nên trong văn học nhiều khi thi sĩ gọi bần là thủy liễu.

ban-4.jpg
Rễ bần bảo vệ bờ sông - Ảnh: Internet

Theo khoa học, trong trái bần có chất chống oxy hóa, có thể chữa bí tiểu tiện, chữa bong gân; chiết xuất từ cây bần có chất hạ đường huyết và kháng khuẩn... Ngoài các tính năng và dược học nói trên, các bộ phận của cây bần vẫn còn mang một số dược tính khác.

Rễ cây bần mọc lên xung quanh gốc nhiều, nhưng dù mọc lên từ đất sình nhưng rất sạch và được người dân miền Tây dùng làm nút chai. Gỗ bần phần lớn dùng để làm chất đốt.

ban-5.jpg
Rặng bần ven sông - Ảnh: LTKT

Cây bần dễ trồng, mọc tự nhiên và có sức sống mạnh mẽ. Chúng phát triển nhanh và có tác dụng rất lớn trong việc trồng cây, gây rừng để chống biến đổi khí hậu hiện nay. Vì vậy, các tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường rất quan tâm trồng cây, gây rừng và phát triển cây bần ven sông rạch, ven biển và các bãi bồi ở ĐBSCL. Từ một loại cây xanh bị quên lãng trong quá trình đô thị hóa, cây bần đang trở lại góp phần bảo vệ môi trường.

Công ty Vạn Thắng hiện đang có chương trình hợp tác với các Sở NN-PTNT và các tỉnh vùng ĐBSCL để đưa cây bần đến những nơi có nhu cầu trồng cây, gây rừng, bảo vệ bờ sông chống sạt lở và chống biến đổi khí hậu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm kinh tế từ những cây xanh bị lãng quên