Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo được giao phụ trách các đơn vị để xảy ra nhiều sai phạm, tổ chức thực hiện và chỉ đạo thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận số 1411/KL-TTCP.

Làm rõ trách nhiệm lãnh đạo NHNN về sai phạm của tổ chức tín dụng

Trí Lâm | 01/02/2018, 11:43

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo được giao phụ trách các đơn vị để xảy ra nhiều sai phạm, tổ chức thực hiện và chỉ đạo thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận số 1411/KL-TTCP.

Theo Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, việc để xảy ra nợ xấu nghiêm trọng, một số tổ chức tín dụng (TCTD) bị âm vốn chủ sở hữu rất lớn, Nhà nước phải mua 0 đồng hoặc kiểm soát đặc biệt,thì đây là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm của các tổ chức tín dụng.

“Thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân, xã hội rất lớn, xin cho cử tri biết Chính phủ đã kiểm điểm, kết luận về trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân của Ngân hàng Nhà nước đến đâu”, ông Nghĩa nêu.

Đặc biệt, đại biểu này cho biết Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận số 2214 ngày 31.8.2017 về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong kiểm tra, giám sát các TCTD tuy là chưa đúng mức nhưng cũng đã chỉ rõ khuyết điểm đối với việc chậm xử lý các TCTD. Xin Chính phủ cho biết đã kiểm điểm, xử lý theo kết luận thanh tra thế nào?

Trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, Thủ tướng Chính phủ cho biết giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nướcđẩy mạnh tái cơ cấu, tăng cường thanh tra, giám sát nhằm bảo đảm an toàn, lành mạnh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng theo đúng mục tiêu của Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” ban hành tại Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1.3.2012 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các tồn tại, yếu kém của hệ thống được tích tụ từ trước đã được phát hiện và xử lý.

Căn cứ kết quả thanh tra, giám sát và quá trình thực hiện tái cơ cấu, căn cứ quy định pháp luật, TCTD đã được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt, yêu cầu các TCTD này phải xây dựng phương án để tự chấn chỉnh, củng cố và khôi phục hoạt động.

Tuy nhiên, có một số TCTD do vi phạm quy định pháp luật, thực trạng tài chính quá yếu kém không thể tự khôi phục mà cần phải có các biện pháp can thiệp của Nhà nước nhằm xử lý dứt điểm các yếu kém, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, giảm thiểu nguy cơ lây lan, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng.

Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước báo cáo về thực trạng, nguyên nhân dẫn đến các sai phạm, yếu kém của các TCTD này, trên cơ sở đó, xin ý kiến Bộ Chính trị về phương án xử lý.

Để xảy ra các sai phạm, vụ việc nổi cộm trong ngành ngân hàng trước hết thuộc về các cá nhân, tập thể sai phạm, người đứng đầu tổ chức, đơn vị nơi xảy ra vụ việc sai phạm; đặc biệt là các cổ đông, nhóm cổ đông cố tình lách quy định về giới hạn sở hữu cổ phần để thao túng, chi phối ngân hàng, những cá nhân này đã bị Tòa án đưa ra xét xử và tuyên án với các mức án nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm trong công tác quản lý, thanh tra, giám sát. Tại các báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thẳng thắn thừa nhận công tác quản lý, thanh tra, giám sát còn những tồn tại, hạn chế do khuôn khổ pháp lý, cơ chế về thanh tra, giám sát và chính sách an toàn hoạt động ngân hàng chậm được đổi mới để phù hợp thực tiễn.

Cùng với đó là năng lực, chất lượng, hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát chưa cao, một số trường hợp chưa kịp thời phát hiện các rủi ro trọng yếu, vi phạm hoạt động của một số ngân hàng; đồng thờitrong quá trình thực thi nhiệm vụ, còn có một số cán bộ đã không hoàn thành đầy đủ trách nhiệm, để xảy ra một số vi phạm.

Liên quan đến Kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của Ngân hàng Nhà nước (Kết luận số 1411/KL-TTCP ngày 5.6.2017), ngày 4.8.2017, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì họp nghe báo cáo về kết luận thanh tra nêu trên và đã có ý kiến chỉ đạo.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phải làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước được giao phụ trách các đơn vị để xảy ra nhiều sai phạm, vi phạm qua kết quả kiểm toán, kiểm tra, kết luận thanh tra và các vụ án đã xét xử; tổ chức thực hiện và chỉ đạo thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận số 1411/KL-TTCP.

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khẩn trương và nghiêm túc chỉ đạo tập thể, cá nhân có liên quan đến các tồn tại, sai phạm nêu tại Kết luận của Thanh tra Chính phủ, tiến hành kiểm điểm, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm, đề ra giải pháp khắc phục, trên cơ sở đó có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm đối với các cá nhân có sai phạm, khuyết điểm.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Chính phủ thường xuyên chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực công tác thanh tra, giám sát cả về mô hình tổ chức và hoạt động, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - tiền tệ, góp phần bảo đảm an ninh kinh tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
11 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm rõ trách nhiệm lãnh đạo NHNN về sai phạm của tổ chức tín dụng