Làm sao để TP.HCM đón khách quốc tế, kiều bào về ăn tết an toàn là điều được dư luận trong và ngoài nước quan tâm nhất hiện nay.
Vấn đề này đã được các nhà chức trách ngành du lịch, giới chuyên gia bàn luận sâu sắc tại tọa đàm trực tuyến "TP.HCM: Mở cửa đón khách du lịch quốc tế và kiều bào an toàn, chu đáo" diễn ra chiều nay (23.12).
TP.HCMđã từng là điểm nóng dịch bệnh COVID-19 của cả nước. Đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó du lịch và hàng không là hai lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chính vì thế, khách quốc tế và kiều bào là hai đối tượng bị hạn chế nhập cảnh.
Giờ đây, khi Nghị quyết 128 của Chính phủ về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã đi vào cuộc sống, dịch bệnh dần được kiểm soát thì việc mở lại đường bay quốc tế là một trong những việc rất cần thiết, đặc biệt có ý nghĩa thực tiễn thời điểm cuối năm khi nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, quay trở về quê hương ăn tết sau thời gian dài xa cách.
Đưa du lịch trở lại "nhịp sống", đón bà con về ăn tết an toàn
Với mục tiêu khôi phục ngành du lịch cùng với các dịch vụ kèm theo năm 2022, TP.HCM thời gian qua đã khôi phục lại các hoạt động của ngành, đồng thời khôi phục lại thị trường du lịch khách quốc tế. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng như doanh nghiệp cho rằng TP chưa làm đủ.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cho rằng TP.HCM đã ban hành 10 tiêu chí mở lại hệ thống dịch vụ, hạ tầng. Tuy nhiên, muốn mở cửa du lịch thì trước hết phải mở cửa về chính sách giao thông vận tải, đi lại, phải có tiêu chí rõ ràng, rành mạch để những người sử dụng phương tiện, những người muốn đi lại trong nước và nước ngoài hiểu được rõ ràng, rành mạch. TP đang thiếu điều này.
Thứ hai là mở lại dịch vụ. Theo ông Kỳ, mở lại dịch vụ tốt thì du lịch mới có khả năng hoạt động trở lại. "Chúng tôi mong muốn sắp tới chính sách của Chính phủ sẽ mạnh mẽ hơn trong việc mở lại hệ thống dịch vụ, hạ tầng, đặc biệt là những cơ sở dịch vụ phục vụ cho cuộc sống và cho du lịch. Chúng tôi mong muốn chính sách sắp tới cần rõ ràng, rành mạch hơn nữa, thời gian cụ thể hơn nữa, đồng bộ, xuyên suốt. Vừa qua do chưa đồng bộ, nên trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp du lịch cũng gặp khó khăn", ông Kỳ kiến nghị
Về vấn đề đón kiều bào về quê ăn tết, ông Phùng Công Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM cho biết đã đưa ra những giải pháp cụ thể. Thứ nhất, đơn vị sẽ thường xuyên kết nối với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao, các cơ quan ngoại giao như là các sứ quán, Tổng Lãnh sự, Hội Người Việt Nam ở các nước... để nắm thông tin của kiều bào muốn về nước, thông qua đó là giải đáp thông tin về chính sách, thủ tục pháp lý về hộ tịch, visa...
Thứ hai là chuẩn bị khi bà con về đến cửa khẩu, đến sân bay, hải quan thì sẽ có những vướng mắc gì? Ví dụ như vấn đề an ninh, vấn đề thủ tục, vấn đề nhập cảnh... Hiện nay, thủ tục vẫn còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề an ninh.
Thứ ba là thường xuyên trao đổi, phối hợp với các địa phương, 21 quận, huyện ở TP.HCM đều có ban liên lạc kiều bào, thanh niên kiều bào và các tổ kiều bào ở phường, xã. Như vậy, những khó khăn về thủ tục pháp lý, về visa để phòng chống dịch đều cập nhập thường xuyên. Khi có vướng mắc thì sẽ được kịp thời tháo gỡ.
"Đấy là sự chuẩn bị mà tôi nghĩ là khi chúng ta tiếp khách du lịch, bà con về thăm quê sẽ hết sức đồng bộ. Đón kiều bào về quê ăn tết là việc làm năm nào chúng tôi cũng thực hiện. Nhưng đã 2 năm rồi, do COVID-19 nên bà con không về được. Do nhiều chuyện như chính sách, dịch bệnh...", ông Dũng nói.
Giải pháp "trúng"
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng làm thế nào để TP.HCM đón khách du lịch quốc tế và kiều bào về ăn tết, tham quan an toàn là chủ đề rất trúng thời điểm hiện nay và đúng những nội dung cần phải bàn.
Tuy nhiên, để giải quyết nhanh nhất, hiệu quả nhất những vướng mắc, khó khăn của TP.HCM, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, TP phải có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, để vượt qua khó khăn, tái khởi động lại hoạt động kinh doanh. Nếu không có nguồn lực để hỗ trợ trực tiếp từ Nhà nước thì vấn đề này rất khó.
Ngoài ra, muốn khôi phục và phát triển trở lại ngành du lịch thì phải có chính sách thu hút người lao đồng quay trở lại làm việc. Đây là vấn đề mà Tổng cục Du lịch đã đề xuất với Chính phủ để đưa thành nhiệm vụ ưu tiên trong chương trình phục hồi kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn 2022-2023.
Một vấn đề nữa của TP.HCM, ông Khánh cho rằng, để tạo thuận lợi hơn cho khách du lịch quốc tế cũng như bà con Việt kiều về quê ăn tết, Sở Du lịch TP phải tham mưu cho chính quyền địa phương ký kết với các địa phương khác về lộ trình để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại. Hiện nay, chính sách giữa các địa phương chưa đồng nhất và cũng chưa thực sự tạo điều kiện hỗ trợ cho việc khôi phục hoạt động du lịch, nhất là du lịch nội địa.
Đối với khách quốc tế, ông Khánh đề nghị TP.HCM phải nghiên cứu kỹ hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế số 4122 ngày 5.11.2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Sắp tới, Tổng cục Du lịch sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ để có những điều chỉnh thích ứng hơn với giai đoạn mới và quy định của Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành.