Năm học mới 2023-2024 đã bắt đầu, ngoài những lo toan việc học hành, các bậc phụ huynh còn lo lắng đến những bữa ăn của các em để làm sao đầy đủ dinh dưỡng, an toàn, không bị ngộ độc.

Làm thế nào để học sinh không bị ngộ độc thực phẩm?

Hồ Quang | 04/09/2023, 19:03

Năm học mới 2023-2024 đã bắt đầu, ngoài những lo toan việc học hành, các bậc phụ huynh còn lo lắng đến những bữa ăn của các em để làm sao đầy đủ dinh dưỡng, an toàn, không bị ngộ độc.

Có 5 nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm cho học sinh

Hiện nay trên địa bàn TP.HCM có khoảng 2.000 trường học từ mầm non đến THPT với gần 2.500 cơ sở dịch vụ ăn uống trong trường học bao gồm cả bếp ăn tập thể tự tổ chức, bếp ăn tập thể thuê nấu, cơ sở nhận suất ăn sẵn và căn tin trong trường học.

lam-the-nao-de-hoc-sinh-khong-bi-ngo-doc-thuc-pham-hinh-anh(1).png
Một bữa ăn của học sinh Trường Tiểu học Trưng Trắc (quận 11, TP.HCM)-- Ảnh: PV

Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, năm nào TP cũng xuất hiện một vài vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học với hàng trăm học sinh bị ngộ độc. Trong khi đó, thông tin về thực phẩm không an toàn vẫn còn xuất hiện tràn lan khiến nhiều phụ huynh và người dân lo lắng sẽ còn ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học.

Trước tình trạng trên, bà Phạm Khánh Phong Lan- Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng, thay vì lo lắng, cầu mong con mình không rơi vào trường hợp xấu, không bị ngộ độc thực phẩm các phụ huynh nên có những biện pháp phòng tránh kịp thời bằng cách chủ động kiểm soát chất lượng bữa ăn của các em để phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

Theo bà Lan có 5 nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm cho học sinh gồm: ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật; ngộ độc thực phẩm do nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm chứa độc tố (nguyên liệu chủ yếu cho chế biến thực phẩm là thực vật và động vật); ngộ độc thực phẩm do các quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm; ngộ độc thực phẩm do các chất phụ gia; ngộ độc thực phẩm do phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.

Đối với học sinh, nhất là học sinh mầm non và tiểu học có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, vì thế dễ dàng bị ngộ độc thức ăn tập thể, nếu thức ăn không đảm bảo yêu cầu an toàn thực phẩm (ATTP).

“Học sinh ở độ tuổi mầm non, tiểu học bị ngộ độc thường rất nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng, vì thế, phụ huynh và nhà trường cần chú ý vào khẩu phần ăn của con trẻ”, bà Lan nói.

Chủ động kiểm soát bữa ăn 

Theo bà Lan để kiểm soát bữa ăn phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho học sinh, các bậc phụ huynh cần kiểm tra, tìm hiểu cơ sở vật chất của nhà trường, đặc biệt là khu vực nhà bếp. Bởi bếp đạt chuẩn sẽ giúp phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho học sinh.

Trong đó, bếp ăn phải đảm bảo được thiết kế theo nguyên tắc 1 chiều; có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP do cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp; vị trí bếp cách xa nguồn ô nhiễm, nhà vệ sinh; gian bếp sạch sẽ, có đầy đủ các khu vực chế biến (khu sơ chế, khu nấu nướng, khu bảo quản, khu rửa…); dụng cụ chế biến thức ăn phải được phân loại sống, chín riêng biệt.

Các bậc phụ huynh cũng tìm hiểu chất lượng nguồn nước; nhân viên nhà bếp phải có đồ bảo hộ lao động đầy đủ, có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề; cách bảo quản thức ăn của gian bếp; nhân viên nấu trong bếp có thực hiện đầy đủ các nguyên tắc (rửa tay trước khi nấu, mặc đồ bảo hộ lao động…); nguồn gốc thực phẩm nhà trường nhập về phải có giấy kiểm định cụ thể.

Nếu nhà trường có bất cứ điểm nào chưa đạt, phụ huynh thông báo lên Ban giám hiệu để có biện pháp khắc phục, hoặc có quyền yêu cầu cơ quan chức năng kiểm định để phòng chống ngộ độc thực phẩm trong trường học.

Ngoài vệ sinh ATTP đến từ nơi chế biến và nguyên liệu, bà Lan còn lưu ý các phụ huynh phải chú ý đến vấn đề vệ sinh của các em, nhất là học sinh mầm non và tiểu học như: rửa tay trước khi ăn, nhất là khi ăn bốc; chỉ uống nước chín (đun sôi để nguội), hoặc đã qua thiết bị tinh lọc.

Các phụ huynh cần hạn chế cho các em ăn quà vặt có những dấu hiệu bất ổn từ hình thức, lẫn chất lượng. Trong đó, phụ huynh không cho các em sử dụng quà bánh có màu khác lạ, quá sặc sỡ do tẩm màu hóa chất; không ăn nấm, củ, rau, quả hoang dại nghi có độc, sản phẩm động vật có độc (phủ tạng, và da cóc, cá nóc…); không dùng đồ hộp lon phồng cứng ở 2 đáy hộp, bị gỉ, móp méo; sữa, nước giải khát trong hộp giấy bị phơi ngoài nắng dù còn hạn sử dụng; nước giải khát, nước đóng chai bị biến màu, đục, có cặn; không mua hàng bao gói sẵn không có địa chỉ nơi sản xuất, đóng gói và hàng hết hạn sử dụng; tránh ăn ở quán không có nước sạch, hoặc cách xa nguồn nước sạch và không có tủ kính che đuổi ruồi, bụi, chất độc môi trường…

Khi các em sử dụng rau, củ, quả tươi, đặc biệt thức ăn sống phải được ngâm kỹ rồi rửa lại vài lần bằng nước sạch hoặc dưới vòi nước chảy; thức ăn chín để qua bữa quá giờ, nếu không không được bảo quản lạnh (dưới 10°C), phải được hâm lại kỹ hoặc chần nước sôi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
3 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm thế nào để học sinh không bị ngộ độc thực phẩm?