Trong thời gian qua, nhiều trường hợp tập thể dục, thể thao, nhất là các vận động viên trong lúc đang thi đấu, tập luyện bỗng dưng bị tai biến dẫn đến tử vong một cách tức tưởi. Điều này khiến nhiều người cảm thấy lo lắng, và phải làm sao tránh xảy ra tình trạng trên?
Bệnh chỉ phát hiện khi vận động
Theo các chuyên gia về hô hấp, trong thời gian qua, những người dân tập thể dục, thể thao hay những vận động viên thi đấu xảy ra tai biến dẫn đến đột tử phần lớn là do bị cao huyết áp, tụt huyết áp hay có bệnh lý về tim mạch. Những trường hợp này chỉ phát hiện bệnh khi vận động, còn khi nghỉ ngơi không phát hiện bệnh.
PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Phó chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam đưa dẫn chứng về những trường hợp mà bà phát hiện bị cao huyết áp, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim... bằng phương pháp vận động.
Đó là trường hợp một nam bệnh nhân 41 tuổi. Bệnh nhân này cho biết mỗi khi vận động thì mệt và khó thở. Hay một nam thanh niên khác 37 tuổi đến khám cho biết anh bị hồi hộp, chóng mặt khi gắng sức...
Bà Lan nhận định những trường hợp này chỉ có thể phát hiện bệnh khi vận động, còn nghỉ ngơi sẽ không phát hiện bệnh. Do đó, bà đã chỉ định bệnh nhân kiểm nghiệm bằng phương pháp gắng sức tim mạch - hô hấp (CPET) để xác định nguyên nhân.
Với phương pháp này, bệnh nhân đạp xe hay chạy trên thảm lăn trong khi thở qua mask để phân tích CO2 và O2, đo điện tim, huyết áp và độ bão hòa ôxy. Sau đó, bệnh nhân vận động tăng dần cho đến khi đạt VO2 đỉnh dự đoán, hay có chỉ định phải dừng lại để xác định loạn nhịp, hạ huyết áp hay do triệu chứng.
“Kết quả chúng tôi phát hiện nam bệnh nhân 41 tuổi có huyết áp tăng lên 174mm Hg và sau đó tăng dần lên khi tiếp tục vận động; đồng thời phát hiện thiếu máu cơ tim và rối loạn nhịp tim khi vận động; còn nam thanh niên 37 tuổi thì bị tụt huyết áp”, bà Lan chia sẻ.
Trong khi đó, ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân - Phòng khám Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết cũng bằng phương pháp gắng sức tim mạch - hô hấp đã phát hiện nhiều người trẻ, trong đó có những học sinh, sinh viên bị rối loạn dây thanh chức năng, co thắt phế quản khi vận động dẫn đến nghẹt thở, khó thở. Những bệnh nhân bị rối loạn chức năng dây thanh thường có cảm giác “ngộp thở” khi ngủ. Điều đáng nói, những trường hợp này chỉ được phát hiện khi thực nghiệm phương pháp gắng sức tim mạch - hô hấp.
Bà Lan cho rằng chính những trường hợp chỉ phát hiện bệnh khi vận động, còn nghỉ ngơi sẽ không phát hiện bệnh nên nhiều người thấy sức khỏe bình thường, kiểm tra không phát hiện bệnh, nhưng khi chơi thể thao, thi đấu thể thao thì bị tai biến, tử vong.
Xây dựng bài tập theo các giới hạn của bản thân
PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan chỉ ra 6 nguyên nhân của những người tập thể dục, thể thao hay thi đấu thể thao dẫn đến tai biến, tử vong. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất chính là phương pháp giảng dạy và huấn luyện; kế đến là không đáp ứng đầy đủ yêu cầu vật chất kỹ thuật của buổi tập; người tập có hành vi không đúng đắn; thiếu sót trong tổ chức tập luyện và thi đấu; điều kiện khí hậu và vệ sinh không phù hợp; vi phạm các nguyên tắc kiểm tra y học.
Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân hay vận động viên cần phải hiểu rõ các giới hạn của bản thân trước khi tập luyện. Vì thế, khi muốn tập thể dục, thể thao cần phải đo gắng sức tim mạch-hô hấp để đưa ra các giới hạn trong tập luyện.
Bác sĩ Lan cho biết qua phương pháp gắng sức tim mạch - hô hấp, bệnh nhân sẽ phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch, hô hấp, thần kinh. Qua đó, có những đánh giá về bệnh lý sẵn có cũng như thu thập dữ liệu nền, giải thích cho người bệnh, tiên lượng về tình trạng sức khỏe, thể chất hiện tại so với giá trị bình thường. Đặc biệt, các bác sĩ sẽ cung cấp dữ liệu để xây dựng bài tập theo các giới hạn của bản thân.
Theo bà Lan, thống kê cho thấy những người tập thể dục thể thao hay vận động viên thi đấu thể thao bị tai biến, tử vong do vi phạm nguyên tắc kiểm tra y học chiếm khoảng 2% đến 10%. Việc tập luyện, thi đấu thể thao không qua kiểm tra y học, không theo chỉ dẫn bác sĩ là một trong những khâu yếu của y học thể thao Việt Nam. Người tập luyện và thi đấu thể thao trong tình trạng thể lực chưa tốt, chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện các động tác khó; rối loạn khả năng định hình động lực trong không gian, giảm sút các phản ứng bảo vệ và độ tập trung chú ý.
“Các ngành chức năng có liên quan cần kiểm tra sức khỏe cho người tập, và kiểm tra y học cho vận động viên trước khi cho phép hoặc khuyến khích nên tập luyện môn thể thao nào cho phù hợp với từng người. Cần có văn bản pháp quy quy định công tác kiểm tra y học, chăm sóc y tế và bảo vệ sức khỏe cho vận động viên cũng như người tập thể dục thể thao. Tăng cường giáo dục và hướng dẫn vận động viên và người tập về nguyên tắc huấn luyện, phương pháp tập luyện và thi đấu thể thao. Khi tập luyện và thi đấu ở mọi cấp độ bắt buộc phải có sự hiện diện của huấn luyện viên”, bác sĩ Lan khuyến cáo.
Hồ Quang