Ganesh Venkataramanan, người đứng đầu dự án siêu máy tính Dojo của Tesla, đã rời công ty. Đây là một bước thụt lùi với những nỗ lực về công nghệ xe tự lái của nhà sản xuất ô tô điện Mỹ.
Ganesh Venkataramanan, người lãnh đạo dự án Dojo trong 5 năm qua, đã rời Tesla vào tháng 11 nhưng đến nay thông tin mới được trang Bloomberg công bố. Peter Bannon, cựu lãnh đạo Apple và là Giám đốc cấp cao của Tesla trong 7 năm qua, thay thế Ganesh Venkataramanan đứng đầu dự án Dojo.
Elon Musk - Giám đốc điều hành Tesla và đại diện công ty không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.
Hệ thống Dojo là một siêu máy tính do Tesla thiết kế được chế tạo để đào tạo các mô hình học máy đằng sau hệ thống tự lái của nhà sản xuất ô tô điện này. Dojo lấy dữ liệu do các phương tiện thu thập và xử lý nhanh chóng để cải thiện các thuật toán của Tesla.
Các nhà phân tích cho rằng Dojo có thể mang đến lợi thế cạnh tranh quan trọng cho Tesla. Ngân hàng Morgan Stanley ước tính siêu máy tính này có thể giúp vốn hóa thị trường của Tesla tăng thêm 500 tỉ USD bằng cách thúc đẩy việc áp dụng robotaxi (taxi không người lái) và các dịch vụ phần mềm của hãng.
"Nếu Dojo có thể giúp ô tô 'nhìn thấy' và 'phản ứng' thì những thị trường nào khác có thể mở ra nữa? Hãy nghĩ đến bất kỳ thiết bị nào ở rìa camera có thể đưa ra quyết định theo thời gian thực dựa trên hình ảnh", Adam Jonas, nhà phân tích của Morgan Stanley, cho hay.
Morgan Stanley xem cổ phiếu Tesla là "lựa chọn hàng đầu" của họ trong ngành ô tô, thay thế cho cổ phiếu Ferrari (Ý) niêm yết tại Mỹ.
Adam Jonas kỳ vọng Dojo sẽ mang lại nhiều giá trị nhất cho phần mềm và dịch vụ. Morgan Stanley đã nâng ước tính doanh thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ mạng của Tesla lên 335 tỉ USD vào năm 2040, từ mức 157 tỉ USD trước đó. Ông hy vọng đơn vị này sẽ chiếm hơn 60% thu nhập cốt lõi của Tesla vào năm 2040, tăng gần gấp đôi so với 2030.
"Sự gia tăng này phần lớn được thúc đẩy bởi cơ hội mới nổi mà chúng tôi thấy trong việc cấp phép cho đội xe của bên thứ ba, ARPU (doanh thu trung bình hàng tháng trên mỗi người dùng) tăng lên", Adam Jonas lý giải.
Elon Musk cho biết Tesla có kế hoạch đầu tư hơn 1 tỉ USD vào dự án Dojo vào cuối năm 2024. "Chúng tôi sẽ chi ra hơn 1 tỉ USD để phát triển Dojo trong năm tới. Đây sẽ là dự án quan trọng của Tesla", ông tuyên bố với các cổ đông của công ty. Giám đốc điều hành Tesla thậm chí còn có tham vọng phát triển Dojo trở thành siêu máy tính mạnh nhất thế giới.
Tỷ phú giàu nhất hành tinh lần đầu tiên chia sẻ kế hoạch về Dojo vào năm 2019 trước khi chính thức công bố siêu máy tính này hồi 2021.
Dojo là siêu máy tính do Tesla xây dựng hoàn toàn, sử dụng chip do chính công ty này phát triển. Mục đích của Dojo là để xử lý hàng triệu terabyte dữ liệu video các tình huống giao thông thực tế do ô tô điện Tesla ghi lại, giúp huấn luyện các hệ thống AI của Tesla, nhằm nâng cao tính năng tự lái của công ty.
Dojo được trang bị chip D1 tùy chỉnh được thiết kế bởi Ganesh Venkataramanan, Peter Bannon và hàng loạt tên tuổi lớn khác trong ngành công nghiệp bán dẫn. Ganesh Venkataramanan trước đây làm việc tại AMD, trong khi Tesla có một số nhân viên kỳ cựu khác từ hãng thiết kế chip này. Ganesh Venkataramanan từng thành lập nhóm silicon và phần cứng AI của Tesla vào năm 2016.
Ngoài tính năng tự lái tích hợp trên ô tô Tesla, Dojo cũng giúp phát triển các mô hình trí AI có thể sử dụng trên mẫu robot hình người Optimus của Tesla. Dojo cũng dự kiến được sử dụng để tăng năng suất sản xuất trong các nhà máy của Tesla.
Những tuần gần đây, Tesla đã lắp đặt phần cứng cho Dojo tại một địa điểm tập trung ở thành phố Palo Alto, bang California, Mỹ. Dojo đã dựa vào nhiều trung tâm dữ liệu ở các địa điểm khác nhau.
Kể từ hôm 7.12, Ganesh Venkataramanan đã không còn xuất hiện trong danh bạ nội bộ của Tesla nữa. Ít nhất một thành viên khác trong nhóm cũng rời đi. Lý do đằng sau sự ra đi không thể được biết ngay lập tức, nhưng đã giáng một đòn mạnh vào dự án tốn kém và có công nghệ tiên tiến của Tesla.
Tesla trước đây dựa vào siêu máy tính Nvidia để cung cấp sức mạnh cho các hệ thống dựa trên AI của mình, trong khi Dojo sẽ cạnh tranh với các sản phẩm từ Hewlett Packard Enterprise và IBM.
Hồi tháng 7, Tesla thông báo đã bắt đầu nhờ TSMC sản xuất hệ thống siêu máy tính Dojo để đào tạo các mô hình AI cho ô tô tự lái. TSMC là hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới có trụ sở ở Đài Loan, đối tác của Apple.
Năm ngoái, Andrej Karpathy, nhân vật chủ chốt khác về AI của Tesla, đã rời đi. Từng lãnh đạo các nỗ lực AI tại Tesla, Andrej Karpathy gia nhập OpenAI.
Không chỉ là hãng ô tô điện đơn thuần, Tesla dưới sự lãnh đạo của Elon Musk cho thấy tham vọng mở rộng lĩnh vực hoạt động, bao gồm sản xuất robot hình người, siêu máy tính và không loại trừ khả năng sẽ gia nhập vào cuộc đua phát triển AI trong tương lai.
Hồi tháng 7, Elon Musk đã thành lập công ty AI mang tên xAI và đến tháng 11 giới thiệu chatbot AI Grok để cạnh tranh với ChatGPT, Google Bard, Bing Chat. Chưa rõ Elon Musk có dự định tận dụng Dojo để phục vụ cho các dự án tại xAI hay không.
Siêu máy tính là hệ thống máy tính cỡ lớn, có thể chiếm toàn bộ một căn phòng hoặc thậm chí cả một tòa nhà, sử dụng hàng chục ngàn vi xử lý để xử lý và phân tích những luồng dữ liệu khổng lồ.
Các siêu máy tính thường được sử dụng để nghiên cứu khoa học, thiên văn, vũ trụ, dự báo tác hại của biến đổi khí hậu trên toàn cầu, mô phỏng một vụ nổ hạt nhân hoặc nghiên cứu để chữa trị các căn bệnh nan y trên con người...
Siêu máy tính mạnh nhất thế giới hiện tại là Frontier, được hoàn thành vào năm 2021. Frontier hiện được đặt tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge (thành phố Oak Ridge, bang Tennessee, Mỹ).
Theo danh sách 500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới hiện nay, Mỹ sở hữu số lượng nhiều nhất, thứ hai là Trung Quốc. Singapore và Thái Lan là hai nước Đông Nam Á có siêu máy tính góp mặt trong top 500.