Có thể nhận diện, điện Elysees sẽ thay đổi chủ nhân sau cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm tới, song đất nước hình lục lăng chưa thể có một tổng thống đại diện cho lực lượng chính trị cực hữu, để tạo ra sự đổi thay lớn cho nền Đệ ngũ Cộng hòa.

Liệu có xảy ra cơn địa chấn trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp?

19/12/2016, 07:03

Có thể nhận diện, điện Elysees sẽ thay đổi chủ nhân sau cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm tới, song đất nước hình lục lăng chưa thể có một tổng thống đại diện cho lực lượng chính trị cực hữu, để tạo ra sự đổi thay lớn cho nền Đệ ngũ Cộng hòa.

The Guardian ngày 14.12 đặt câu hỏi: Liệu có xảy ra một cơn địa chấn trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2017 hay không? Và theo tờ báo của nước Anh, nếu xảy ra cơn địa chấn thì nó sẽ đến từ chiến thắng của lãnh tụ Mặt trận Quốc gia Pháp Marine Le Pen.

Cá nhân người viết cho rằng, sẽ không có một cơn địa chấn trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra vào năm tới, mặc dù Mặt trận Quốc gia Pháp đang được giới phân tích xem là có thể tạo ra cơn địa chấn ấy. Tại sao lại nhận định như vậy?

Theo truyền thông quốc tế thì cuộc bầu cử tổng thống Pháp sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi những thay đổi của tình hình thế giới hiện nay, do vậy chiến thắng cuối cùng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp sẽ phụ thuộc rất lớn vào quan điểm trong chính sách đối ngoại của các ứng viên. Để nhìn nhận cơ hội của các ứng viên, người viết xin được đi vào phân tích đôi nét về ưu thế và lợi thế của đại diện ba lực lượng chính trị đang tham gia trong cuộc đua tranh.

Cơ hội thắng cử của đại diện đảng Xã hội đương quyền quá nhỏ nhoi

Khi Tổng thống Francois Hollande lên tiếng không theo đuổi một nhiệm kỳ nữa thì Thủ tướng Manuel Valls được trao cơ hội đại diện cho đảng Xã hội cầm quyền trong cuộc đua tranh vào chiếc ghế tổng thống Pháp vào năm 2017. Song có lẽ quyết định của đảng đương quyền đã khiến cho đại diện của mình tham gia vào cuộc đua một cách quá muộn, muộn trên hai nghĩa.

Một là muộn về thời gian, khi ông Valls quyết định tham gia tranh cử chỉ còn hơn 5 tháng trong tình thế đầy bất lợi, bởi mức độ tín nhiệm của người dân Pháp dành cho chính phủ đang ở mức rất thấp. Hai là muộn về thời điểm, bởi ông Valls chọn gia nhập đường đua khi các đối thủ đã chiếm lĩnh phần lớn sân khấu chính trị, dồn phe trung tả vào thế bị động.

Kết quả hình ảnh cho picture of manuel valls

Cựu Thủ tướng Manuel Valls đại điện đảng đương quyền ra tranh cử tổng thống Pháp. Ảnh: The Telegraph

Do vậy, để dựa vào lợi thế là đại diện đảng cầm quyền từ đó tạo ra ưu thế trên đường đua là rất khó với ông Valls. Người viết cho rằng, với bối cảnh thực tế tại nước Pháp và sự đổi thay của tình hình thế giới thì đảng Xã hội khó có thể làm chủ điện Elysees thêm một nhiệm kỳ nữa.

Có thể thấy rằng, chính quyền của Tổng thống Hollande đang chịu thách thức của các lực lượng cánh hữu đang nổi lên mạnh mẽ bởi sự tác động từ ba hiệu ứng. Thứ nhất là hiệu ứng Trump từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua. Chiến thắng của ông Donald Trump là một sự khích lệ đối với lực lượng theo chủ nghĩa quốc gia tại Pháp, do vậy các đối thủ của ông Valls như được tân Tổng thống Mỹ trao cho thứ vũ khí quá lợi hại trong cuộc đua tranh.

Thứ hai là hiệu ứng “ngưỡng mộ Putin” - một người theo chủ nghĩa quốc gia - trong cộng đồng dân chúng tại Pháp và nhiều quốc gia EU khác. Cho dù chính quyền của Tổng thống Holland không quá cực đoan trong quan hệ với Moscow, nhưng việc tuân thủ lệnh cấm vận của Washington đã vô hình trung trở thành điểm bất lợi với ứng cử viên đại diện đảng cầm quyền. Và các đối thủ đã nhanh chóng tận dụng lợi thế ấy để làm sáng lên đường đua cho mình.

Thứ ba, hiệu ứng tiêu cực từ sự rệu rã trong hệ thống cấu trúc của EU, đặc biệt là Brexit, cũng trở thành một trở ngại rất lớn cho đảng đương quyền tại Pháp. Khi nước Anh rời EU thì Đức – Pháp – Ý trở thành bộ ba quyền lực trong EU, nhưng nay cái “kiềng ba chân” ấy đã gãy một chân sau khi Thủ tướng Italia Renzi thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 4.12 vừa qua.

Những thực tế ấy có tác động rất lớn tới chính trường Pháp và lực lượng chịu bất lợi nhất chính là đảng đương quyền. Ông Valls ra tranh cử mà chỉ hy vọng lách qua khe cửa hẹp để chiến thắng, khiến cơ hội của ông trở nên rất nhỏ nhoi. Do vậy, việc đại diện đảng Xã hội cầm quyền thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp sắp tới không có gì đáng ngạc nhiên.

Cơ hội của đại diện phe hữu và trung hữu báo hiệu cho sự thay đổi tại điện Elysees

Sau khi có các chiến thắng vang dội trước hai đối thủ là Thị trưởng thành phố Bordeaux, cựu Thủ tướng Alain Juppé và cựu Tổng thổng Nicolas Sarkozy, cựu Thủ tướng François Fillon đã được chọn làm ứng cử viên đại diện cho phe hữu và trung hữu ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra vào năm 2017.

Khi trả lời phỏng vấn báo Le Monde về nền ngoại giao Pháp, ông Fillon cho rằng nước Pháp phải thể hiện vai trò của mình tại Liên Hợp Quốc nhằm duy trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nước Pháp phải đủ khả năng đối thoại với tất cả các nước, đồng thời là bệ đỡ cho châu Âu nhằm giúp châu lục này bảo vệ các giá trị văn minh của mình.

Kết quả hình ảnh cho picture of francois fillon

Cựu Thủ tướng Francois Fillon đại diện phe hữu và trung hữu ra tranh cử tổng thống Pháp. Ảnh: The European Post

Đặc biệt, tại các buổi tranh luận, khi trả lời chất vấn về quan hệ Pháp - Nga và khả năng liên minh với Nga trong cuộc chiến chống IS, cựu Thủ tướng François Fillon cho rằng việc phương Tây trừng phạt nước Nga trong thời gian qua đã thất bại. Ông cho rằng mối nguy hiểm thực sự với châu Âu không đến từ Nga và các nước châu Âu cần phải kết nối với Moscow.

Ông Fillon đã kêu gọi tiếp tục xây dựng mối quan hệ thẳng thắn và mạnh mẽ với cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống vừa đắc cử Mỹ Donal Trump. Quan điểm của ông Fillon không có gì mới khi thực tế đang chứng minh việc Washington và các đồng minh trừng phạt Moscow bằng cấm vận nước Nga đã không đạt được mục đích, nhưng việc ông chính thức khẳng định việc này thì lại rất có lợi cho ông.

Thực ra, các nước EU, trong đó có Pháp, phải đánh đổi lợi ích dân tộc của mình cho mục đích không thành của Washington là thất bại rất đau đớn. Theo giới phân tích thì có thể hiểu rằng khi cựu Thủ tướng Fillon cho rằng trừng phạt nước Nga đã thất bại, nghĩa là thừa nhận châu Âu đã chịu thất bại kép trong trường hợp này - thất bại trong việc giữ gìn quyền lợi trước đối thủ, thất bại trong thể hiện quyền lực trước đồng minh.

Do vậy, khi quyền lực tại Washington thay đổi theo hướng thân Nga thì các lực lượng chính trị tại các nước đồng minh của Mỹ cũng phải đổi thay phù hợp để giảm nhẹ thiệt hại bởi thất bại kép ấy. Quan điểm của ông Fillon được nhiều cử tri Pháp đánh giá rất cao và cơ hội của đại diện cho phe cánh hữu và trung hữu hiện nay được cho là sáng nhất trong đường đua, theo Le Figaro.

Đại diện phe cực hữu chỉ là ngựa ô trên đường đua chứ không thể tạo ra cơn địa chấn

Nhiều phân tích cho rằng, nhà lãnh đạo Mặt trận Quốc gia Pháp Marine Le Pen là người được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệu ứng Trump, hiệu ứng ngưỡng mộ Putin và Brexit, song cá nhân người viết cho rằng đó chỉ là sự ngộ nhận. Do vậy, đại diện phe cực hữu không thể tạo ra ưu thế cho mình từ hai hiệu ứng này để có chiến thắng cuối cùng. Điều đó do hai nguyên nhân.

Thứ nhất, Marine Le Pen không phải là bản sao của Donald Trump và quan điểm của nhà lãnh đạo Mặt trận Quốc gia Pháp không có nhiều tương đồng với người đứng đầu nhà nước Nga. Trump là doanh nhân tham gia hoạt động chính trị nên tạo ra nhiều đổi thay trong đời sống chính trị, trong khi Le Pen là chính trị gia truyền thống, do vậy quan điểm không có gì mới.

Kết quả hình ảnh cho picture of marine le pen

Nhà lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen ra tranh cử tổng thống Pháp năm 2017. Ảnh: Forward

Lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Pháp nói riêng, tại châu Âu nói chung hào hứng với làn gió từ sự đổi mới của Trump, chứ không phải là cực đoan, bảo thủ và biệt lập. Quan điểm của Marine Le Pen không có nhiều đổi thay, do đó cử tri bỏ phiếu cho bà vẫn chỉ là những người vốn ủng hộ Mặt trận Quốc gia, sẽ không có thêm lực lượng từ các thành phần khác.

Tổng thống Putin theo chủ nghĩa quốc gia, chứ không phải dân tộc cực đoan như bà Marine Le Pen. Việc bà ngưỡng mộ Putin không giúp bà tạo ra hình ảnh Putin trong lòng người dân nước Pháp. Quan điểm phân biệt chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bảo hộ mậu dịch của nhà lãnh đạo Mặt trận Quốc gia Pháp khá xa với quan điểm của Tổng thống Putin.

Còn việc người Anh chọn Brexit không có nghĩa là họ chọn đối lập với tự do trong kinh tế và biệt lập về chính trị, do đó bà Marine Le Pen không hưởng được lợi thế từ Brexit. Như vậy, những người ngưỡng mộ Putin, ủng hộ Trump hay ủng hộ Brexit không thuộc thành phần ủng hộ Marine Le Pen. Việc ngộ nhận có thể sẽ khiến đại diện Mặt trận Quốc gia Pháp phải trả giá.

Thứ hai, tham gia vào cuộc tranh cử tổng thống Pháp có tới ba lực lượng chính trị, trong đó phe hữu và trung hữu được xem là có “lợi thế đương nhiên” khi có quan điểm được xem là khắc phục được yếu điểm của cả phe trung tả và phe cực hữu. Hiệu ứng Trump, hiệu ứng ngưỡng mộ Putin hay ủng hộ Brexit đều được xem có ảnh hưởng lớn nhất tới quan điểm của phe hữu và trung hữu.

Có thể thấy rằng việc điều chỉnh quan điểm của phe hữu và trung hữu dễ được cử tri chấp nhận nhất và do đó ứng viên đại diện phe này là Francois Fillon sẽ có thể làm phân hoá, rồi lôi kéo lực lượng ủng hộ của cả phe tả và phe cực hữu về phía mình. Do vậy, phe cực hữu chỉ có thể giành ưu thế trước phe tả, song khó có thể có được chiến thắng trước phe hữu và trung hữu.

Tóm lại, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 có cơn địa chấn mang tên Donald Trump, song cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2017 không thể có cơn địa chấn mang tên Marine Le Pen. Có thể nhận diện, điện Elysees sẽ thay đổi chủ nhân sau cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm tới, song đất nước hình lục lăng chưa thể có một tổng thống đại diện cho lực lượng chính trị cực hữu, để tạo ra sự đổi thay lớn cho nền Đệ ngũ Cộng hòa.

Ngọc Việt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liệu có xảy ra cơn địa chấn trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp?