Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp lo ngại, cơn bão Conson có có nguy cơ gây mưa, ngập lụt ở miền Trung - là khu vực đang có hàng ngàn ca F0. Đây là thách thức lớn.

Lo lắng bão Conson gây mưa, ngập ở miền Trung – nơi có hàng nghìn F0

Lam Thanh | 11/09/2021, 18:38

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp lo ngại, cơn bão Conson có có nguy cơ gây mưa, ngập lụt ở miền Trung - là khu vực đang có hàng ngàn ca F0. Đây là thách thức lớn.

Chiều nay 11.9, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp trực tuyến khẩn với 5 tỉnh ở miền Trung để triển khai nhiệm vụ ứng phó với bão số 5 (Conson) dự kiến đổ bộ vào đất liền ngày mai 12.9.

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia báo cáo, chiều nay 11.9, tâm bão còn cách bờ khoảng 130km, hoạt động ở cấp 9, có xu hướng di chuyển chậm. Trong 6-12 giờ tới, bão tiếp tục đi theo hướng tây, có dấu hiệu suy yếu dần xuống còn cấp 8 trước khi đổ vào đất liền.

Dự báo từ chiều nay 11.9 đến sáng mai 12.9 sẽ có gió mạnh ở đất liền. Mưa to sẽ tập trung đêm nay đến sáng mai, trọng tâm là Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi (200-300mm); các vùng vệ tinh có lượng mưa 150-200mm. TP Huế, Tam Kỳ, Hội An và Đà Nẵng có nguy cơ cao ngập lụt cục bộ.

bao-3.jpg
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai họp ứng phó với bão số 5

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, qua theo dõi thực tế, từ sáng nay 11.9, khu vực Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế đã có mưa rất lớn, trên 300mm.

Thông tin tại cuộc họp, Đại tá Phạm Hải Châu, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - cứu nạn, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các quân khu chuẩn bị ứng phó với cơn bão này.

Trong đó, Quân khu 4 và 5 là hai đơn vị trọng điểm ở nơi bão vào đang triển khai nghiêm chế độ trực 24/24 giờ, ứng phó bão. Bộ Quốc phòng vẫn đảm bảo kế hoạch sẵn sàng huy động hơn 530.000 cán bộ chiến sĩ, dân quân tự vệ, hơn 3.000 phương tiện, đặc biệt đã sẵn sàng máy bay, tàu, xuồng các loại… để ứng phó khi cần.

Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các quân khu, quân đoàn phối hợp với chính quyền các địa phương chuẩn bị các lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, nhất là dân quân tự vệ làm nòng cốt ở địa phương để tham gia hỗ trợ, sơ tán nhân dân tại nơi chia cắt, ngập lụt do hoàn lưu sau bão, thực hiện nghiêm quy định về dịch COVID-19.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp lo ngại, cơn bão này có lượng mây rất lớn nên có nguy cơ gây mưa, ngập lụt ở miền Trung là khu vực đang có hàng ngàn ca F0, đây là thách thức lớn.

Do vậy, ông Hiệp cho rằng các tỉnh cần theo dõi sát dự báo, hạn chế tối đa di dân khi chưa cần thiết. Nếu bắt buộc phải di dân thì di dân tại chỗ là chủ yếu, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó; thông suốt chỉ đạo điều hành, đảm bảo luồng xanh ưu tiên xe phòng chống thiên tai.

Ông Hiệp cũng yêu cầu đưa hết các thuyền viên lên bờ, đảm bảo an toàn chỗ ăn ở, và test nhanh COVID-19 theo yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra cũng cần tổ chức test nhanh cho người dân trước khi sơ tán tránh bão; không để người dân ở lại lồng bè nuôi trồng thủy hải sản. Sơ tán người dân tại vùng thấp trũng, nguy cơ lũ quét sạt lở đất.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 11.9 đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 71.500 tàu, thuyền/349.088 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão, chủ động tránh, trú.

Theo ghi nhận, hoạt động ở khu vực vùng nguy hiểm: 70 tàu/640 người (Quảng Nam 31 tàu/273 người; Quảng Ngãi 33 tàu/327 người; Bình Định 6 tàu/40 người); giảm 97 tàu/868 người so với báo cáo 13 giờ 30 phút ngày 10.9.

Các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão đã rà soát phương án sơ tán dân lồng ghép nội dung phòng, chống COVID-19, dự kiến: Sơ tán 664.238 dân khu vực ven biển (Thanh Hóa 174.905; Nghệ An 18.200; Hà Tĩnh 9.823; Quảng Bình 109.300; Quảng Trị 67.100; Thừa Thiên Huế 69.366; Đà Nẵng 58.683; Quảng Nam 172.373; Quảng Ngãi 24.442; Bình Định 23.073).

Các địa phương có dịch đã rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để an toàn dịch bệnh (Hiện có 4.814 ca F0 và 11.792 ca F1/08 tỉnh, thành phố/38 quận, huyện ven biển đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg).

Các khu vực cách ly đã có phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn tại chỗ. Riêng Nam Định có phương án sơ tán 600 ca F1 đang cách ly tại huyện Hải Hậu về Công ty đóng tàu Thịnh Long và trạm y tế xã/thị trấn; 200 ca F1 đang cách ly tại huyện Giao Thủy sơ tán về Trường dạy nghề và Trường THPT Giao Thủy; Bình Định có phương án sơ tán 352 ca F0/04 huyện về hội trường, nhà Văn hóa và trụ sở tôn giáo xã.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với hoàn lưu cơn bão số 5, từ đêm 10-13.9, ở các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa ở Quảng Trị đến Quảng Nam phổ biến 200-300mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt, Quảng Ngãi phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt.

Từ ngày 12-14.9 ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, riêng Quảng Bình và Hà Tĩnh có nơi trên 250mm/đợt. Từ ngày 11-12.9, các tỉnh Kon Tum và Gia Lai có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-80mm/đợt, có nơi trên 100mm/đợt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lo lắng bão Conson gây mưa, ngập ở miền Trung – nơi có hàng nghìn F0