Theo quyết định phê duyệt, thời gian thực hiện khép kín dự án Vành đai 2 là giai đoạn 2017-2019. Tuy nhiên, đến nay đã gần hết quý 3/2018 song dự án này vẫn chưa đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và chưa kết nối đồng bộ các đoạn còn lại.
Ngày 5.9, thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho biết UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở ngành, đơn vị liên quan đề xuất triển khai nhanh các dự án kết nối đồng bộ các đoạn còn lại của Vành đai 2.
Cụ thể, đoạn 1từ cầu Rạch Chiếc trên vành đai phía Đông từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội bao gồm nút giao thông Bình Thái, có chiều dài 3,82km. Còn đoạn 2 từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng, với chiều dài 1,99km thuộc đường vành đai 2 thành phố. Đoạn 3 kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa, có chiều dài 2,75km và đoạn 4 từ nút giao An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh, dài 2,75km.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được phê duyệt tại quyết định điều chỉnh số 568/QĐ-TTg ngày 8.4.2013 của Thủ tướng, tuyến đường Vành đai 2 trên địa bàn TP.HCM có tổng chiều dài 69,2km đi qua 9 quận huyện. Đó là các quận: 2, 7, 8, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và 2 huyện Hóc Môn, Bình Chánh.
Đến nay, dự án này đã có 54,7km được đầu tư xây dựng. Cụ thể là đoạn tuyến quốc lộ 1A, từ Gò Dưa đến An Sương dài 14km; đoạn tuyến quốc lộ 1A, từ An Sương đến An Lạc dài 14km; đoạn tuyến theo đường Nguyễn Văn Linh trên đường Vành đai 2 dài 14km và đoạn từ nút giao Khu A đến cầu Rạch Chiếc trên đường vành đai phía Đông dài 12,7km.
Phần chiều dài còn lại đang chờ thực hiện của Vành đai 2 được chia thành 4 đoạn, với tổng mức đầu tư ước tính gần 16.500 tỉ đồng; trong đó chi phí dành cho công tác giải tỏa mặt bằng chiếm hơn 10.700 tỉ đồng.
Theo đó, đoạn 1 kết nối từ bờ cầu Rạch Chiếc trên vành đai phía Đông là cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội, bao gồm nút giao thông Bình Thái dài 3,82km, nằm trên địa bàn quận 9 và quận Thủ Đức. Đoạn 2 kết nối từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng dài 1,99km, nằm trên địa bàn quận Thủ Đức.
Đoạn 3 kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút Gò Dưa trên quốc lộ 1 dài 2,75km vẫn thuộc quận Thủ Đức. Còn đoạn 4 kết nối từ nút giao An Lập trên quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh, dài 5,3km, đi qua địa bàn các quận 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Tính đến nay, đoạn 1 đã hoàn tất công tác thẩm định dự án nghiên cứu khả thi. Đoạn 2 đang bổ sung nội dung dự án nghiên cứu khả thi. Đoạn 3 đang trong giai đoạn triển khai công tác bồi thường và đoạn 4 đang trình lên cấp thẩm quyền chủ trương thực hiện.
Theo quyết định phê duyệt, thời gian thực hiện dự án là giai đoạn 2017-2019. Tuy nhiên, hiện nay đã gần hết quý 3/2018 song dự án này vẫn chưa đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, trong khi thời gian xây dựng tối thiểu 2 năm, chưa kể thời gian thực hiện công tác giải tỏa mặt bằng.
Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã đề xuất lên chính quyền thành phố 2 phương án lựa chọn nhà đầu tư. Với phương án 1, cơ quan này kiến nghị UBND TP.HCM tiếp tục kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, vận dụng điều 26 Luật Đấu thầu đối với những đoạn đã có đề xuất dự án được duyệt và lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Còn với phương án 2, Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị xem xét phương án hoàn vốn hợp đồng BT bằng tiền từ ngân sách thành phố đối với hợp đồng BT nếu gặp khó khăn về quỹ đất để hoàn vốn cho nhà đầu tư.
Đáng chú ý, trong 2 phương án này, Sở kiến nghị thành phố lựa chọn phương án 1. Riêng đối với đoạn 4, do chưa có đề xuất dự án được duyệt, Sở kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận phương án thực hiện công tác bồi thường giải tỏa mặt bằng và lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ nguồn ngân sách thành phố. Công tác xây dựng tổ chức thực hiện lựa chọn nhà đầu tư thì vẫn theo quy định.
Phan Diệu