PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng việc luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu là một ý tưởng tốt, tuy nhiên, để làm được điều này cũng không phải dễ, nhất là trong tình huống đặc biệt vì ảnh hưởng bởi COVID-19 như hiện nay.
Đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng xấu đến hoạt động và chất lượng tài sản của các ngân hàng. Các chuyên gia dự đoán nợ xấu nội bảng có thể lên đến 3% cuối năm 2020 và 4% trong năm 2021; trong khi lợi nhuận các ngân hàng có thể giảm 20-25% năm 2020 như các ngân hàng thương mại Trung Quốc.
Ông Trần Đăng Phi, Phó chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết sau khi có Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nợ xấu được xử lý từ 15.8.2017 đến 31.5.2020 đạt trung bình khoảng 7.150 tỉ đồng/tháng, cao hơn 3.630 tỉ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tháng từ năm 2012 – 2017.
Trong đó, tỷ trọng nợ xấu đã xử lý bằng hình thức khách hàng trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng theo Nghị quyết 42 tại thời điểm 31.12.2019 và 31.5.2020 tương ứng khoảng 40,5% và 40,1%, cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý trung bình năm từ 2012-2017 (22,8%).
Điều này góp phần đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành đã giảm từ 2,46% vào năm 2016 xuống 1,89% trong 2 năm 2018-2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tỷ lệ này đã tăng lên mức 2,04% vào ngày 30.6.2020.
Còn ông Đỗ Giang Nam, Phó tổng Giám đốc Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) cho hay lũy kế mua nợ bằng trái phiếu đạc biệt (TPĐB) tháng 8.2020 đạt 329.007 tỉ đồng. Trong đó, mua nợ bằng TPĐB sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đạt 67.612 tỉ đồng; mua nợ theo giá trị thị trường (GTTT) từ 2017 đến 2020 đạt 8.341 tỉ đồng.
Từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến 31.8, đã thu hồi nợ ước đạt 94.370 tỉ đồng, gấp 1,5 lần tổng thu hồi nợ giai đoạn trước đó, từ 2013 đến 14.8.2017. Thu giữ thành công một số tài sản bảo đảm có giá trị lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ.
Theo ông Nam, kết quả thu hồi từ biện pháp bán nợ tăng gấp hơn 4 lần so với giai đoạn trước đó, từ 2013 đến ngày 14.8.2017; kết quả thu hồi nợ từ biện pháp xử lý tài sản bảo đảm tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn trước đó, từ 2013 đến ngày 14.8.2017; ý thức trả nợ của khách hàng tăng cao rõ rệt, việc thu hồi nợ thông qua các biện pháp khác như tố tụng cũng tác động tích cực đến kết quả thu hồi xử lý nợ.
Tuy nhiên, để tăng tính hiệu quả của việc xử lý nợ xấu, các chuyên gia cho rằng cần luật hóa Nghị quyết 42 và hoàn thiện hành lang pháp lý, xem xét sửa đổi một số luật chuyên ngành liên quan: Luật Đất đai, Bộ Luật dân sự… để đồng bộ pháp luật xử lý nợ xấu.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng sau mấy năm Nghị quyết 42 ra đời, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã tương đối ổn định, có chuyển biến tốt; các ngân hàng thời gian qua cũng tích cực hơn trong việc xử lý nợ xấu và cẩn trọng hơn trong việc cho vay. Theo con số báo cáo của ngân hàng thì con số nợ xấu của hầu hết các ngân hàng đã thấp hơn quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đây là điều rất đáng khích lệ trong việc quản lý nợ xấu.
Ông Thịnh cho rằng việc luật hóa Nghị quyết 42 là một ý tưởng tốt, tuy nhiên, để làm được điều này cũng không phải dễ, nhất là trong tình huống đặc biệt vì ảnh hưởng bởi COVID-19 như hiện nay. Cụ thể, Nhà nước yêu cầu không được nâng nhóm nợ xấu đối với các doanh nghiệp vay mà chưa trả được nợ, nợ quá hạn, nhưng bây giờ lại ra luật buộc các ngân hàng thực thi theo đúng yêu cầu của luật thì như…trói tay nhau.
“Nếu có luật thì tốt hơn, việc xử lý nợ xấu bền vững hơn, nhưng cũng sẽ có ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Việc đòi hỏi các doanh nghiệp phải thực hiện đúng như luật thì cũng không phải dễ. Hơn nữa, để làm một luật cũng không phải một sớm một chiều mà xong”, ông Thịnh nói.
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến căng thẳng nên nhiều khách hàng đã trì hoãn việc trả nợ nên quá trình xử lý nợ xấu ngày càng khó khăn hơn. Nợ cũ chưa trả hết thì nợ xấu lại dồn vào.
Theo ông Lực, trong bối cảnh hiện nay cần gia hạn thêm thời gian xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 và có sửa đổi để phù hợp hơn với thực tiễn. Bên cạnh đó cũng cần phải có Luật riêng về xử lý nợ xấu để Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu trở nên mạnh mẽ hơn.
Tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2020 vừa diễn ra, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cũng cho rằng để đảm bảo công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 và công tác cơ cấu lại theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg được triển khai có hiệu quả trên thực tế, đồng thời các tổ chức tín dụng tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo và đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ban, ngành có liên quan đề xuất Chính phủ các giải pháp để giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc về cơ chế cũng như trong thực tế áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Cùng với đó, NHNN cũng xem xét, nghiên cứu việc luật hóa xử lý nợ xấu nhằm quy định cụ thể về việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng, nâng cao vai trò, năng lực của VAMC và tạo động lực cho các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu đạt hiệu quả.
Cùng với đó, cơ quan này sẽ xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực tài chính và quản trị điều hành của các tổ chức tín dụng, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc xử lý hiệu quả nợ xấu của nền kinh tế.